Nguyên nhân gây mưa lũ khủng khiếp tại Nghệ An
Những ngày qua, do ảnh hưởng của bão số 3 Wipha, nhiều nơi tại tỉnh Nghệ An có mưa lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
(Video nước lũ cuồn cuộn ở xã Nhơn Mai, Nghệ An)
Trao đổi với báo Lao Động, ông Hoàng Văn Đại - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã đưa ra những nhận định về hiện tượng mưa, lũ lớn tại Nghệ An những ngày qua.

Nhà cửa bị biển nước nhấn chìm. Ảnh: VietNamNet
Theo ông Hoàng Văn Đại, do ảnh hưởng của mưa lớn, lũ ở khu vực thượng nguồn dồn về, các sông, suối thuộc khu vực thượng lưu đã xuất hiện một đợt lũ lớn.
Cụ thể, tại Mường Xén, lũ lớn đã xuất hiện, mực nước vượt mức lũ lịch sử năm 2011 là 0,4m; tại Thạch Giám, lũ vượt mức lịch sử năm 2018 là 3,91m và nước tại Con Cuông vượt mức lũ lịch sử năm 1975 là 0,66m.
Nước lũ cuồn cuộn tại xã Nhôn Mai, Nghệ An ngày 22/7.
Hiện nay, lũ trên các sông, suối nhỏ và các sông, suối thuộc khu vực thượng lưu đang giảm. Tuy nhiên, lũ ở các khu vực thuộc trung và hạ lưu đang lên do lũ ở thượng nguồn hiện đang dồn về. Do mực nước lũ dâng cao nên các khu vực sông, suối nhỏ, hoặc các khu vực ven sông Cả cũng xảy ra tình trạng ngập cục bộ. Bên cạnh đó, một số hiện tượng sạt lở cũng đã xuất hiện ở các tuyến giao thông, gây ra tình trạng chia cắt cục bộ ở một số xã miền núi của tỉnh Nghệ An.
Cũng theo ông Đại, lũ từ thượng nguồn đang đổ về, các hồ thủy điện cũng đang xả lũ để đảm bảo an toàn, khiến mực nước ở các sông khu vực trung và hạ lưu tiếp tục dâng cao. Theo dự báo, từ trưa đến chiều 24/7, mực nước tại khu vực hạ lưu sông Cả có thể đạt mức báo động 3. Với diễn biến này, nguy cơ xảy ra ngập lụt diện rộng ở hạ lưu là rất cao.

Quốc lộ 7A từ xã Tương Dương lên xã Mường Xén cũng ngập trong nước.Ảnh: Đ.TUÂN/Pháp luật TP.HCM
Chia sẻ với tờ Sức khỏe & Đời sống, TS Trương Bá Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khí tượng khí hậu, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, đợt mưa những ngày qua là do vùng thấp nhỏ trên Vịnh Bắc Bộ mang gió đông nam vào đất liền, kết hợp với không khí ẩm và bất ổn định sau bão số 3 Wipha.
Hôm nay và ngày mai (25/7), dự báo ở một số điểm thuộc Bắc Bộ thậm chí còn lớn hơn trong những ngày bão số 3 Wipha tác động. Bởi vì trước đó vào ngày 22/7, bão số 3 có đặc điểm di chuyển theo tây tây nam xuống Ninh Bình. Phần mây dông gây mưa tập trung về phía nam nên các tỉnh phía nam hoàn lưu như Thanh Hóa, Nghệ An đã ghi nhận lượng mưa lớn hơn. Trong khi đó, các địa phương nằm ở phần bắc hoàn lưu bão như Hà Nội và vùng Đông Bắc Bộ mưa giảm.

Lũ chưa từng thấy, nước ngập sát nóc nhà ở xã Tương Dương. Ảnh: T.Lương/VietNamNet
Từ trước khi bão số 3 đổ bộ, TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai đã cảnh báo với đĩa mây đậm đặc, cơn bão này dự kiến sẽ mang theo lượng mưa rất lớn.
TS Huy cũng đã từng lưu ý, bão có thể qua nhanh nhưng khoảng thời gian diễn ra mưa lớn sau đó sẽ lâu hơn, do đó, khu vực Ninh Bình (Nam Định cũ), Hưng Yên (Thái Bình cũ), Thanh Hóa, Nghệ An và khu vực Phú Thọ (Hòa Bình cũ), Sơn La phải chuẩn bị ứng phó với tình trạng lũ trên sông, lũ quét và sạt lở.
Sau cơn bão Wipha có thể sẽ có một đợt mưa nối tiếp theo từ ngày 23 đến 25/7 trên địa bàn các tỉnh miền núi Tây Bắc. Lượng mưa tích lũy nhiều ngày sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở và lũ quét.
(Tổng hợp)