Nguyên nhân gây ra động đất ở Kon Tum và những dự báo

Theo thông tin từ Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, sau khi xảy ra động đất với độ lớn 5.0, từ ngày 28/7 đến 14h ngày 29/7, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra liên tiếp trên 40 trận động đất với độ lớn phổ biến từ 2.5 đến 3.8.

Nguyên nhân gây ra động đất ở Kon Tum và những dự báo

Lý giải về nguyên nhân xảy ra động đất, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu – Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết.

Khu vực huyện Kon Plông đã xảy ra liên tiếp trên 40 trận động đất với độ lớn phổ biến từ 2.5 đến 3.8.

Khu vực huyện Kon Plông đã xảy ra liên tiếp trên 40 trận động đất với độ lớn phổ biến từ 2.5 đến 3.8.

"Nguyên nhân được đánh giá là do động đất kích thích do hồ chứa, khi hồ nước ở các hồ đập thủy điện sau một thời gian xảy ra hiện tượng động đất thì người ta gọi là động đất kích thích. Nếu dự báo ngắn thì sau những trận động đất lớn, thông thường sẽ có những trận động đất bé hơn kèm theo, quy luật này đã được thể hiện nhiều lần. Kon Tum sau khi có trận động đất trên 4 độ, như trận động đất vừa rồi là 5 độ thì sẽ xảy ra một loạt các trận động đất kèm theo liên tiếp trong vòng vài ngày, dự báo các trận động đất sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới"

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, để phòng ngừa các rủi ro đáng tiếc do các trận động đất gây ra, các địa phương, cơ quan chức năng và người dân cần tuân thủ những biện pháp phòng chống; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

"Thiên tai động đất rất khó lường, dự báo thời điểm xảy ra động đất rất là khó kể cả mức độ hoạt động động đất lớn, cũng cần phải nghiên cứu, đánh giá. Đối với địa phương, đơn vị chức năng cần kiểm tra đanh giá thiệt hại trong đợt vừa qua. Đối với những công trình yếu thì phải gia cố, thực hiện các giải pháp phòng chống động đất. Đối với người dân cần tiếp tục tuyên truyền kỹ năng phòng chống động đất. Cách đây 2 năm, Viện Vật lý Địa cầu cũng đã triển khai các lớp học cho cán bộ quản lý và người dân ở Kon Tum. Trong nhà đồ đạc như thế nào thì phải có cách thức phù hợp cùng với đó là 3 giải pháp gồm: Đánh giá thiệt hại; Rà soát những công trình yếu; Tuyên truyền cho người dân. Những giải pháp này cần được thực hiện đồng bộ"

Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết thêm, hiện nay Viện đang triển khai 11 trạm quan trắc tại Kon Tum và thực hiện các nghiên cứu cập nhật chuyên sâu để đánh giá mức độ hoạt động của động đất ở địa phương này. Về khả năng xảy ra động đất mạnh thời gian tới, Viện Vật lý địa cầu cho hay động đất vẫn xảy ra nhưng khó có khả năng lớn hơn 5.5 độ.

Ngô Thanh Huyền

Nguồn Chính Phủ: https://media.chinhphu.vn/nguyen-nhan-gay-ra-dong-dat-o-kon-tum-va-nhung-du-bao-102240729184037294.htm