Vụ mua bán người ở Bình Định, Phú Yên: Nạn nhân bị khống chế, ép tiếp khách karaoke

Chiều tối 8-9, trao đổi với PV Báo SGGP, Đại tá Lê Thiết Hùng, Đoàn trưởng Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Trung - Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã 'tiết lộ' một số thông tin trong quá trình triệt phá đường dây mua bán người có quy mô liên tỉnh ở Bình Định, Phú Yên mà đơn vị này vừa chủ trì.

Từ dụ dỗ đến bắt nhốt, khống chế và ép buộc...

Theo Đại tá Hùng, bắt đầu từ tin báo của người dân ở tỉnh Kon Tum, Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Trung đã lập chuyên án “A2-824P” vào cuộc xác minh.

“Quá trình điều tra, xác minh ban đầu rất khó khăn vì các đối tượng ở nhiều tỉnh, cách xa nhau. Từ ngày 23-8, chúng tôi liên tục cử lực lượng đến các địa phương để phối hợp với các đơn vị chức năng nhằm xác minh, nắm bắt tình hình. Các trinh sát nhập vai để đột kích các tụ điểm nghi ngờ”, Đại tá Hùng chia sẻ.

Sau khi xác định hành vi, tụ điểm của các đối tượng thì trinh sát biên phòng đã phối hợp với các lực lượng công an, viện kiểm sát nhân dân các tỉnh để đột nhập, bắt quả tang. Thời điểm bắt quả tang các đối tượng rất bất ngờ, không kịp đề phòng nên tang vật, hiện trường và hành vi thể hiện rõ.

 Lực lượng biên phòng đã bắt quả tang các đối tượng cùng tang vật. Ảnh: BĐBP

Lực lượng biên phòng đã bắt quả tang các đối tượng cùng tang vật. Ảnh: BĐBP

Cũng theo Đại tá Hùng, 6 đối tượng bị bắt giữ trong vụ án đều có vai trò như nhau, chúng móc nối với nhau để “phân phối, chuyển nhượng” nạn nhân nhằm bóc lột sức lao động, ép tiếp và phục vụ khách ở các quán karaoke.

Nhóm này cử ra 1 người chuyên đi “tìm hàng” và dụ dỗ những công dân nữ nhỏ tuổi và hứa hẹn việc làm nhẹ nhàng lương cao. Khi nạn nhân “sập bẫy” chúng sẽ đến gặp trực tiếp và dụ dỗ rồi chở nạn nhân đi. Có trường hợp ở Kon Tum các đối tượng đến gặp nạn nhân dụ dỗ rồi "bắt cóc" đi mà không thông báo với gia đình.

Ngoài ra, nhóm đối tượng còn lợi dụng các nạn nhân khi "sập bẫy" để dụ dỗ, tìm “con mồi” mới. Từ mối quan hệ gần làng, thân thích, những nạn nhân cũ dụ dỗ nạn nhân mới "sập bẫy".

 Đối tượng khai báo với cơ quan điều tra. Ảnh: BĐBP

Đối tượng khai báo với cơ quan điều tra. Ảnh: BĐBP

Sau đó, nhóm đối tượng thuê 1 số căn nhà để làm nơi ở cho các nạn nhân và trả tiền lương, bao nuôi ăn, ở. Các đối tượng sử dụng mạng xã hội để lập nhóm và phân công nhiệm vụ, công việc cho các nạn nhân. Khi có khách ở các quán karaoke các đối tượng sẽ điều nhân viên nữ đến phục vụ, tiếp khách. Ngoài ra, các nạn nhân còn bị bóc lột lao động bằng nhiều hình thức để kiếm tiền cho các đối tượng...

"Nếu các nạn nhân phản kháng thì các đối tượng dùng thủ đoạn từ dụ dỗ đến khống chế, ép buộc. Lấy cớ là bao ăn ở, trả tiền hàng tháng thì phải làm việc theo yêu cầu của chúng để trả nợ", Đại tá Lê Thiết Hùng nói.

 Đối tượng khai hành vi với cơ quan điều tra. Ảnh: BĐBP

Đối tượng khai hành vi với cơ quan điều tra. Ảnh: BĐBP

Trong những nạn nhân “sập bẫy” may mắn có 1 nữ nạn nhân đã trốn ra được về nhà và trình báo các đơn vị chức năng.

Theo lời 1 nạn nhân, chỉ vì thiếu nợ 2 triệu đồng mà nghe theo lời dụ dỗ của nhóm đối tượng và "sập bẫy" sau đó bị ép đi tiếp khách ở quán karaoke, nhà nghỉ.

Cũng theo Đoàn trưởng Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Trung, đa số nạn nhân “sập bẫy” đều là con em người dân tộc thiểu số hoặc gia đình nghèo khó bỏ học từ sớm.

 Nạn nhân được giải cứu. Ảnh: BĐBP

Nạn nhân được giải cứu. Ảnh: BĐBP

Hỗ trợ, bảo vệ các nạn nhân

Theo báo cáo kết quả Chuyên án A2-824P, lực lượng biên phòng cùng với các đơn vị liên quan ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Kon Tum đã giải cứu thành công 4 nạn nhân dưới 16 tuổi (quê ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai) đang bị bóc lột tình dục tại 8 điểm tạm trú ở thị xã Hoài Nhơn (Bình Định), TP Tuy Hòa (Phú Yên), trong đó có 2 địa điểm tập trung đông nhân viên và chủ yếu ở 4 quán karaoke...

Quá trình này, đơn vị chức năng đã triệu tập thêm 35 nữ công dân làm việc tại các quán karaoke. Qua đó đã rà soát, sàng lọc, xác định và giải cứu thêm 7 nạn nhân dưới 16 tuổi chủ yếu ở Kon Tum, Gia Lai, Bình Định, Phú Yên

 Lực lượng biên phòng đang hướng dẫn các nạn nhân làm thủ tục để trở về gia đình. Ảnh: BĐBP

Lực lượng biên phòng đang hướng dẫn các nạn nhân làm thủ tục để trở về gia đình. Ảnh: BĐBP

Qua điều tra xác minh làm rõ hoạt động tội phạm, lực lượng chức năng xác định 9 đối tượng liên quan. Trong đó 6 đối tượng có hành vi mua bán người dưới 16 tuổi, 3 đối tượng có hành vi bắt giữ người trái pháp luật và tổ chức hoạt động mại dâm.

Qua đó,Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Trung đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự, bắt khẩn cấp 6 đối tượng về tội mua bán người dưới 16 tuổi. Tiếp tục triệu tập 3 đối tượng liên quan đến hoạt động bắt giữ người trái pháp luật và tổ chức hoạt động mại dâm để tiếp tục điều tra làm rõ.

Vụ án sau đó được chuyển giao cho Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bình Định để tiếp tục điều tra, làm rõ.

 Các đối tượng bị bắt giữ. Ảnh: BĐBP

Các đối tượng bị bắt giữ. Ảnh: BĐBP

Hiện, lực lượng biên phòng đã bàn giao 4 nạn nhân cho Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Định tiến hành các hoạt động bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân trở về với gia đình, cộng đồng…

Chuyên án mua bán người lớn nhất cả nước

Đại tá Lê Thiết Hùng cho biết đây là 1 chuyên án về mua bán người trong nước đầu tiên mà lực lượng biên phòng triệt phá. Quá trình đấu tranh, triệt phá đường dây này lực lượng biên phòng cũng gặp không ít khó khăn, nhưng ngược lại cũng có nhiều thuận lợi.

“Hầu hết khi xác minh đến địa phương nào thì các lực lượng chức năng các tỉnh họ rất ủng hộ và phối hợp, hỗ trợ hết mình”, Đại tá Hùng cho biết thêm.

NGỌC OAI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/vu-mua-ban-nguoi-o-binh-dinh-phu-yen-nan-nhan-bi-khong-che-ep-tiep-khach-karaoke-post757878.html