Nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân đái tháo đường tử vong

Khi bị đái tháo đường, người bệnh có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 2-3 lần và nguy cơ tăng lên theo tuổi. Biến chứng tim mạch cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở bệnh nhân đái tháo đường chưa kiểm soát.

Nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 2-3 lần

Mới đây, bà Nguyễn Thị Hà (52 tuổi) vừa tái khám đái tháo đường type 2 theo lịch hẹn tại một bệnh viện tuyến quận ở TP.HCM. Các kết quả cận lâm sàng cho thấy bà Hà bị tăng huyết áp, có nguy cơ làm tăng mạnh quá trình xơ vữa động mạch về lâu dài. Bên cạnh thuốc uống, người bệnh được hướng dẫn cách phòng ngừa và phát hiện sớm dấu hiệu biến chứng tim mạch.

Theo bác sĩ Hoàng Thị Trang, Khoa Tim mạch - Khớp - Nội tiết, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM), đái tháo đường là bệnh mạn tính gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như tim, mạch máu, thận, mắt, thần kinh. Trong đó, thường gặp nhất là các biến chứng tim mạch, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở bệnh nhân đái tháo đường chưa kiểm soát.

Bác sĩ Trang cho biết bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 2-3 lần so với người không mắc đái tháo đường, nguy cơ tăng lên theo tuổi. Bệnh lý tim mạch là một nhóm bệnh liên quan đến tim hoặc mạch máu, bao gồm: bệnh động mạch vành, bệnh động mạch ngoại biên, bệnh mạch máu não (đột quỵ).

Người bệnh mạn tính chờ thanh toán và nhận thuốc BHYT tại bệnh viện quận. Ảnh: GL.

Người bệnh mạn tính chờ thanh toán và nhận thuốc BHYT tại bệnh viện quận. Ảnh: GL.

Về cơ chế, bác sĩ lý giải khi đường huyết trong máu cao kéo dài, các mạch máu bắt đầu bị thương tổn, thường xảy ra ở các mạch máu bị xơ vữa, làm tăng tính kết dính ở thành mạch, dễ gây kết tụ tiểu cầu hình thành các mảng huyết khối. Sự tích tụ này có thể gây hẹp và tắc nghẽn mạch máu. Nếu hẹp hoặc tắc nghẽn ở mạch vành sẽ gây nên thiếu máu cơ tim hoặc nhồi máu cơ tim.

Trong khi đó, bệnh nhân đái tháo đường thường bị tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì. Đây là các yếu tố làm tăng tính xơ vữa mạch máu.

Vì thế, để phát hiện sớm bệnh lý tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường, cần chú ý các triệu chứng phổ biến sau:

- Đau ngực, đặc biệt đau ngực sau xương ức, lan tới cổ, vai, hàm, cánh tay trái xảy ra sau gắng sức hoặc xúc động.

- Khó thở, đặc biệt khó thở khi gắng sức, hoặc khi nằm đầu thấp.

- Phù chân.

- Vã mồ hôi hoặc buồn nôn.

- Hồi hộp đánh trống ngực, tim loạn nhịp.

- Ngất, chóng mặt, mệt mỏi.

Bác sĩ Trang lưu ý các biến chứng tim mạch có thể diễn tiến âm thầm không triệu chứng. Ví dụ, người bệnh đái tháo đường mắc bệnh mạch vành có thể không đau ngực vì bệnh đái tháo đường đã gây tổn thương lên các dây thần kinh cảm giác ở vùng ngực. Việc tái khám định kỳ theo hướng dẫn bác sĩ sẽ giúp tầm soát và phát hiện sớm các bất thường.

Phòng ngừa biến chứng tim mạch ở bệnh đái tháo đường

Để phòng ngừa biến chứng tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường, có thể áp dụng phương pháp quản lý đái tháo đường theo các bước “ABCs”:

- A: HbA1C. Đây là xét nghiệm giúp đánh giá đường huyết trung bình 3 tháng vừa qua. Mục tiêu chung là duy trì HbA1C dưới 7% (có thể thay đổi tùy thuộc vào trường hợp cụ thể).

- B: Blood pressure (huyết áp). Mục tiêu cho đa số bệnh nhân đái tháo đường duy trì huyết áp dưới 140/90 mmHg, đối với bệnh nhân nguy cơ tim mạch cao, mục tiêu huyết áp có thể dưới 130/80 mmHg.

- C: Cholesterol máu. LDL-Cholesterol là tác nhân chính gây xơ vữa mạch máu. Tùy thuộc vào đánh giá nguy cơ tim mạch xơ vữa, bác sĩ sẽ đề ra mục tiêu hạ LDL-c cho từng bệnh nhân, thông thường dưới 70 mg/dl, hoặc dưới 55 mg/dl đối với bệnh nhân có nguy cơ cao.

- S: Smoking (thuốc lá). Ngưng hút thuốc lá đặc biệt quan trọng ở bệnh nhân đái tháo đường, giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, cũng như cải thiện sức khỏe.

Quan trọng không kém việc tuân thủ điều trị ở người bệnh đái tháo đường là duy trì lối sống lành mạnh.

- Chế độ dinh dưỡng: Tăng cường ăn các loại rau xanh, hạn chế ăn các loại thức ăn chế biến sẵn như khoai tây chiên, đồ ngọt, thức ăn nhanh. Ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt (hạt điều, bắp, lúa mì, hạnh nhân), chất đạm nạc (thịt đỏ, cá mòi, cá hồi), tránh ăn các thức ăn nhiều chất béo đặc biệt là mỡ động vật.

Chế độ ăn cho bệnh nhân đái tháo đường cần tăng cường nhiều rau xanh. Ảnh minh họa: GL.

Chế độ ăn cho bệnh nhân đái tháo đường cần tăng cường nhiều rau xanh. Ảnh minh họa: GL.

- Chế độ luyện tập: Tham gia các hoạt động thể lực có cường độ trung bình hoặc cường độ cao tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân (đi bộ nhanh, bơi lội, đi xe đạp, yoga) cố gắng dành 150 phút/ tuần, ít nhất 3 ngày/ tuần, mỗi ngày 30 phút, không ngưng quá 2 ngày liên tục.

Thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2021 ước tính toàn cầu có khoảng 537 triệu người trưởng thành đang sống chung với bệnh đái tháo đường.

Căn bệnh này cũng là nguyên nhân gây tử vong cho 6,7 triệu người trong năm 2021. Hơn 1,2 triệu trẻ em và thanh thiếu niên có bệnh đái tháo đường typ 1 và 16,67% số phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường thai kỳ.

Ước tính có khoảng 240 triệu người mắc bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán trên toàn thế giới. Có tới gần 90% người mắc bệnh này không được chẩn đoán sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Tại Việt Nam, theo Điều tra quốc gia năm 2020 của Bệnh viện Nội tiết Trung ương ở đối tượng 30-69 tuổi, tỷ lệ đái tháo đường là 7,3%; tỷ lệ tiền đái tháo đường là 17,8%. Có 62,6% người mắc đái tháo đường không được phát hiện và 52,3% số người chưa bao giờ làm xét nghiệm đường huyết

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/benh-tim-mach-la-nguyen-nhan-tu-vong-hang-dau-cua-nguoi-dai-thao-duong-2216692.html