Nguyên nhân khiến Chính phủ Anh thay đổi chiến lược chống COVID-19

Báo cáo dữ liệu mới nhất của đội ngũ y khoa là lý do khiến Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson thay đổi chiến lược đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra.

Đường dây nóng 111 của Cơ quan Dịch vụ y tế Anh NHS cung cấp để người dân báo cáo triệu chứng do dịch COVID-19. Ảnh: Sky News

Đường dây nóng 111 của Cơ quan Dịch vụ y tế Anh NHS cung cấp để người dân báo cáo triệu chứng do dịch COVID-19. Ảnh: Sky News

Theo báo Anh Guardian, các biện pháp cách ly mới mà Thủ tướng Boris Johnson vừa công bố nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 được cho là dựa trên mô hình khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Hoàng gia London.

Trong cuộc họp báo ngày 16/3, Thủ tướng Johnson kêu gọi người dân tránh tụ tập chỗ đông người, không tới các câu lạc bộ, nhà hát và cách ly 14 ngày với các hộ dân có triệu chứng nhiễm virus, trong khi những người có sẵn vấn đề về sức khỏe thì tự giác cách ly 12 tuần. Nhà chức trách đã đề nghị người dân Anh làm việc tại nhà và tránh mọi giao tiếp xã hội nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2.

Tuyên bố của ông Johnson báo hiệu Chính phủ Anh đang thay đổi chính sách và cách tiếp cận đối với dịch COVID-19, sau khi dịch bệnh bùng phát và lây lan nhanh chóng tại nước này những ngày gần đây.

Trước đó 4 ngày, Thủ tướng Johnson đã hứng chịu một vài chỉ trích khi không làm theo các biện pháp phòng dịch như một số quốc gia Liên minh châu Âu (EU), bao gồm lệnh đóng cửa trường học, cấm nhập cảnh và ngừng hoạt động các quán bar, nhà hàng. Thay vào đó, ông cùng đội cố vấn y khoa chỉ khuyến cáo những người bị ho hoặc sốt mới nên tự cách ly ở nhà 7 ngày, người cao tuổi thì nên tránh xa các du thuyền.

Vậy điều gì đã khiến Chính phủ Anh thay đổi chiến lược trong phương thức tiếp cận dịch bệnh COVID-19? Thủ tướng Anh giải thích quyết định triển khai "các biện pháp quyết liệt hơn" là phản ứng của chính phủ trước báo cáo tại một số khu vực trong quốc gia, “đỉnh dịch sẽ xảy đến nhanh hơn”. Đặc biệt, thủ đô London nằm trong khu vực được đánh giá là “diễn biến nhanh và phức tạp nhất”.

Cụ thể, vào ngày 12/3, Giáo sư Chris Whitty, Cố vấn trưởng về y tế, và Patrick Vallance, Cố vấn trưởng về khoa học trong đội ngũ y khoa của Thủ tướng Johnson, thông báo diễn biến dịch của nước Anh sẽ "sau Italy 4 tuần". Tuy nhiên, trong buổi họp báo ngày 16/3 (theo giờ địa phương), nhóm này tuyên bố thời gian đó bị rút ngắn chỉ còn 3 tuần, vì dịch bệnh diễn biến nhanh hơn dự đoán.

Người dân Tây Ban Nha ở nhà sau lệnh phong tỏa toàn quốc trong nỗ lực của chính phủ ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Getty Images

Người dân Tây Ban Nha ở nhà sau lệnh phong tỏa toàn quốc trong nỗ lực của chính phủ ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Getty Images

Giáo sư Neil Ferguson - người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London và Đại học Y học Nhiệt đới London – đóng vai trò cố vấn và có tác động lớn tới phản ứng của Chính phủ Anh trong việc đưa ra chiến lược COVID-19. Ông cho hay có hai nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi lớn trong quyết định của bộ máy Thủ tướng Johnson.

“Đầu tiên, Cơ quan Dịch vụ Y tế Anh (NHS) đã đánh giá mức độ hiệu quả của chiến lược. Thứ hai, chúng tôi chứng kiến những diễn biến xấu từ Italy và rút ra bài học từ những kinh nghiệm ban đầu tại các bệnh viện ở Anh. Nó báo hiệu rằng chúng ta cần phải tăng gấp đôi quy mô chăm sóc đặc biệt so với dự đoán lúc đầu”. Theo dữ liệu mới nhất mà nhóm nghiên cứu này thu thập, có đến 30% bệnh nhân Italy nhập viện vì mắc COVID-19 cần được điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt.

Giáo sư Neil Ferguson cùng các đồng nghiệp chỉ ra rằng nếu vẫn áp dụng chiến lược như giai đoạn 1 của Chính phủ Anh, với tên gọi “Giai đoạn Kiềm chế”, 260.000 người tại quốc gia này có thể thiệt mạng. Những nạn nhân này không chỉ tử vong vì virus Corona chủng mới mà còn chết do các bệnh lý khác không thể chữa trị kịp thời do NHS bị quá tải.

Theo ông Ferguson, những biện pháp phòng COVID-19 của Chính phủ Anh mặc dù không bao gồm đủ mọi đề xuất mà mô hình nhóm nghiên cứu đưa ra (thiếu lệnh đóng cửa các trường và đại học), song nó có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong xuống chỉ còn 20.000 hoặc thậm chí là vài nghìn người, trong trường hợp xấu nhất. Tuy nhiên, để thực sự đạt được hiệu quả này, Chính phủ Anh cần sự hợp tác từ người dân.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nguyen-nhan-khien-chinh-phu-anh-thay-doi-chien-luoc-chong-covid19-20200317162615553.htm