Nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng Ukraine thêm trầm trọng
Việc liên minh quân sự NATO nhất quyết thực hiện chiến lược Đông tiến áp sát biên giới nước Nga được cho là nguyên nhân sâu xa làm bùng phát cuộc khủng hoảng Ukraine và xung đột quân sự càng khốc liệt, càng kéo dài càng có nguy cơ làm leo thang sự nguy hiểm không chỉ tại điểm nóng xung đột mà trên bình diện khu vực châu Âu.
“Lằn ranh đỏ” Ukraine
Trong phát biểu mới đây, Đại sứ Trung Quốc tại Nga Zhang Han Hui (Trương Hán Huy) cho rằng, Liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là nguyên nhân chính làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng Ukraine. Theo người đứng đầu phái bộ ngoại giao Trung Quốc, trong hơn 30 năm, NATO đã gây căng thẳng ở khắp mọi nơi, phá vỡ sự ổn định và khuyến khích chủ nghĩa ly khai, giống như ở Kosovo, Libya và Afghanistan. “Tham vọng mở rộng về phía Đông của NATO tác động nghiêm trọng đến trật tự và an ninh ở châu Âu thời hậu Chiến tranh Lạnh và là nguyên nhân chính làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng Ukraine” - ông Zhang Han Hui nhấn mạnh.
Theo Đại sứ Trung Quốc tại Nga, là tàn dư của lịch sử, lẽ ra NATO không còn tồn tại khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tuy nhiên, theo nhà ngoại giao Trung Quốc, NATO vẫn tiếp tục thịnh vượng khi được nuôi dưỡng bằng cách gây ra chiến tranh và kích động xung đột. “Sự thật cho thấy nơi nào NATO can dự, nơi đó sẽ không có hòa bình” - ông Zhang Han Hui nói. Quan điểm của nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc tại Nga cũng là cách nhìn nhận được không ít nhà quan sát đưa ra trước đó. Theo họ, NATO do Mỹ đứng đầu và Tổ chức Hiệp ước Vacsava do Liên Xô cũ đứng đầu ra đời trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh như là hai đối thủ và đối trọng của nhau. Sự cân bằng chiến lược mà hai liên minh quân sự - chính trị này duy trì suốt mấy thập kỷ cũng là nhân tố quyết định để duy trì an ninh và ổn định tại không chỉ châu Âu mà trên toàn cầu. Tuy nhiên, sau khi Tổ chức Hiệp ước Vacsava giải thể cùng với đó là sự tan vỡ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô cũ, NATO không những không giải thể khi không còn lý do để tồn tại, trái lại còn tiếp tục mở rộng về phía Đông. NATO do Mỹ cầm đầu thực thi chiến lược “Đông tiến” đưa lực lượng của liên minh quân sự này áp sát biên giới nước Nga, quốc gia kế thừa Liên Xô cũ.
NATO từ năm 2014 chính thức thực thi chiến lược “Đông tiến” bằng Chương trình mang tên “Đối tác vì hòa bình” hợp tác với các nước Đông Âu và Liên Xô trước đây. Theo chương trình mang tên “hòa bình” nhưng Matxcơva cho là sự đe dọa nghiêm trọng tới cân bằng chiến lược ở châu Âu cũng như an ninh của nước Nga khi lần lượt các nước Đông Âu như Ba Lan, CH Czech, Hungary, Bulgaria, Romania, rồi các nước vùng Baltic thuộc Liên Xô trước đây như Estonia, Latvia và Litva chính thức gia nhập NATO. Chưa dừng ở đó, đến Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm 2008 ở Romania, NATO còn tiến thêm một bước nữa về phía Đông, đưa biên giới của liên minh quân sự này áp sát nước Nga khi lên kế hoạch tiếp nhận Ukraine và Gruzia thành thành viên của liên minh này.
Những năm qua, Nga đã làm tất cả những điều có thể làm để ngăn chặn chiến lược “Đông tiến” của NATO. Vào tháng 12-2021, Nga đã công bố đề xuất Hiệp ước an ninh mới với NATO gồm 8 điểm với một loạt yêu cầu liên quan đến vấn đề an ninh. Nổi bật nhất là yêu cầu NATO cam kết “tự kiềm chế không mở rộng về phía Đông, bao gồm kết nạp Ukraine và các nước khác”, không triển khai quân đến các quốc gia chưa từng có lực lượng NATO hiện diện trước năm 1997 như Ba Lan, Hungary, CH Czech, các nước Baltic thuộc Liên Xô trước đây. Nga cũng thúc giục Mỹ loại bỏ vũ khí hạt nhân ở châu Âu, tham vấn trước khi tổ chức các cuộc tập trận ở khu vực sát biên giới Nga…
Trước tham vọng mở rộng chưa thấy điểm dừng của NATO, Matxcơva đã đặt ra “lằn ranh đỏ” đối với việc mở rộng liên minh quân sự này về phía Đông là Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng không ít lần khẳng định, việc NATO kết nạp Ukraine hoặc triển khai vũ khí đến nước này là “lằn ranh đỏ” mà Matxcơva sẽ “không bao giờ cho phép phương Tây vượt qua bởi nó là mối đe dọa quá lớn tới an ninh quốc gia Nga”. Ông nhấn mạnh, nước Nga “không còn đường lui” bởi từ đó NATO có thể “triển khai tên lửa bắn tới Matxcơva chỉ sau 4-5 phút” và đó là “lằn ranh cuối cùng mà họ không thể vượt qua được nữa”. Thế nhưng, những gì diễn ra trên thực tế cho thấy, NATO chưa bao giờ từ bỏ chiến lược “Đông tiến” với một trong những ưu tiên hàng đầu là kết nạp Ukraine. Liên minh quân sự do Mỹ cầm đầu này vẫn muốn đưa biên giới của mình áp sát nước Nga bất chấp “lằn ranh đỏ” mà Matxcơva đặt ra cũng như điều mà Tổng thống Vladimir Putin từng tuyên bố thẳng rằng, Nga phải áp dụng “mọi biện pháp quân sự-kỹ thuật” để chống lại.
Nga luôn sẵn sàng cho mọi kịch bản
Khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine tháng 2-2022, một trong những lý do mà Matxcơva nêu ra là ngăn NATO vượt qua “lằn ranh đỏ” an ninh. Tổng thống Vladimir Putin trước đó đã nhiều lần cảnh báo, sự mở rộng về phía Đông của NATO là mối đe dọa hiện hữu và viễn cảnh Ukraine gia nhập liên minh quân sự của phương Tây là “hành vi thù địch”. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh, quan điểm “Ukraine không chỉ là quốc gia láng giềng, mà là một phần không thể thiếu đối với lịch sử, văn hóa và tinh thần của Nga”. Bất chấp mọi cảnh báo và cả chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, NATO tiếp tục chiến lược mở rộng, áp sát nước Nga từ nhiều hướng.
Tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trung tuần tháng 7 vừa qua tại quốc gia Baltic là Litva, NATO có thêm bước “Đông tiến” mang tính “lịch sử” khi lần đầu tiên có sự tham gia của thành viên thứ 31 là Phần Lan và “bật đèn xanh” đối với yêu cầu gia nhập liên minh của Thụy Điển… Với việc kết nạp và sẽ kết nạp trong thời gian gần sắp tới thêm 2 quốc gia Bắc Âu mà cách đây không lâu còn là những quốc gia trung lập, biên giới của NATO lại tiến thêm một bước dài, áp sát nước Nga từ cả phía Tây và phía Bắc. Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự lấy Nga làm đối trọng chính sẽ khiến đường biên giới trên bộ giữa NATO và Nga dài thêm gấp đôi và Biển Baltic có nguy cơ trở thành “ao nhà” của khối này. Điều này khiến Matxcơva phải tăng chi phí quân sự cho việc triển khai thêm binh sĩ ở biên giới, đồng thời tăng cường các hạm đội tàu chiến, hiện đại hóa các cơ sở quân sự cũng như là bố trí thêm các lực lượng phòng không bổ sung tại khu vực Kaliningrad và Leningrad…
Với điểm nóng xung đột Ukraine, đây không còn là chỉ là cuộc xung đột quân sự giữa giữa Nga và quốc gia từng thuộc Liên Xô trước đây này mà ngày càng mang đậm bóng dáng của một cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và phương Tây do Mỹ đứng đầu. NATO trong hơn 1 năm qua đã hỗ trợ tối đa vũ khí trang bị, đạn dược, trao đổi thông tin tình báo, tham vấn quân sự cho Ukraine đối phó với Nga. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi tháng 4-2023 cho biết, liên minh quân sự này đã hỗ trợ hơn 165 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2-2022. Ông Jens Stoltenberg cho biết thêm, các thành viên NATO đã huấn luyện hàng chục nghìn binh sĩ Ukraine và tích cực cung cấp “thêm máy bay phản lực, xe tăng và xe bọc thép” cho Ukraine khi nước này tiến hành chiến dịch phản công.
Cùng với mức độ khốc liệt của cuộc xung đột tại Ukraine, đã xuất hiện những lo ngại cho rằng, cuộc chiến này có thể leo thang thành cuộc đối đầu tực diện giữa NATO và Nga. Khi được hỏi về khả năng đối đầu trực tiếp giữa quân đội Nga và NATO, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 29-7 vừa qua nêu rõ, Matxcơva không muốn một cuộc đối đầu với liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu, nhưng luôn sẵn sàng cho mọi kịch bản. “Nếu ai đó muốn xung đột thì đó không phải là chúng tôi, nhưng Nga luôn sẵn sàng” - nhà lãnh đạo nước Nga nhấn mạnh.