Nguyên nhân khiến Mỹ vẫn muốn trừng phạt OPEC dù giá dầu không cao
Vào đầu tháng 5, Ủy ban Tư pháp của Hạ viện Mỹ đang xem xét một dự luật nhằm gây áp lực buộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngừng cắt giảm sản lượng.
Theo trang oilprice.com, Mỹ muốn thu hồi quyền miễn trừ quốc gia vốn đã bảo vệ các thành viên OPEC+ (gồm OPEC và các đối tác) và các công ty dầu mỏ quốc gia khỏi các vụ kiện về thông đồng giá. Ủy ban này trước đó đã thông qua dự luật vào năm 2018, 2019 và 2021.
Nếu được ký thành luật, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ sẽ có khả năng kiện OPEC cùng các quốc gia thành viên như Saudi Arabia ra tòa án liên bang.
Các nhà sản xuất khác như Nga cũng có thể bị kiện khi nước này hợp tác với OPEC trong nhóm OPEC+.
Để trở thành luật, dự luật này phải được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua và được Tổng thống Joe Biden ký phê chuẩn. Tháng 3 vừa qua, một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng cũng đưa ra một dự luật tương tự tại Thượng viện Mỹ.
Dù vậy, giới phân tích hoài nghi khả năng dự luật trên sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua trong bối cảnh giá dầu tương đối thấp do thị trường lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế.
Giá dầu của OPEC dao động ở mức trên dưới 75 USD/thùng, không phải là mức cao trong lịch sử. Trong khi các chính trị gia Mỹ muốn giảm giá xăng trước khi mùa lái xe cao điểm trong hè bắt đầu, thì Saudi Arabia cần duy trì dầu ở mức giá 80,9 USD để cân bằng ngân sách và đa dạng hóa nền kinh tế.
Giá xăng ở Mỹ cao hơn so với thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump, nhưng tổ chức thăm dò ý kiến Gallup đã báo cáo vào tháng 4 rằng: “Người Mỹ hiện ít quan tâm hơn nhiều về tình hình năng lượng của Mỹ so với một năm trước”.
Khi người tiêu dùng Mỹ không phản ứng mạnh với giá xăng và việc cắt giảm sản lượng gần đây của OPEC đã không thể ngăn chặn giá dầu thô sụt giảm, nhưng tại sao Mỹ vẫn nhắm vào OPEC tại thời điểm này?
Một lý do có thể là các tin tốt ở Trung Đông: mối quan hệ thân thiện hơn giữa Iran và Saudi Arabia (do Trung Quốc làm trung gian); Ai Cập và Iran bắt đầu bình thường hóa quan hệ (Iraq làm trung gian); Syria tái gia nhập liên đoàn Arab; Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Iran đàm phán nhằm thúc đẩy quan hệ; khả năng hợp tác năng lượng giữa Iraq và Iran.
Dưới danh nghĩa bảo vệ người tiêu dùng Mỹ, dự luật trên của Mỹ có thể là động thái trả đũa nhằm vào các nước Arab trong OPEC và là lời cảnh báo cho các nước khác vì đã bình thường hóa quan hệ với Iran và Syria.
Không chỉ thế, một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng Mỹ vừa công bố “Đạo luật chống bình thường hóa với chế độ Assad năm 2023”, theo đó có mục đích ngăn chặn các chính phủ nước ngoài tiếp cận Syria và cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với bất kỳ ai làm ăn với chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Bình thường hóa quan hệ giữa các quốc gia Arab trong OPEC với Iran và Syria sẽ làm giảm căng thẳng trong khu vực, nhưng điều không có lợi cho Mỹ vì các khách hàng lớn như Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất có thể giảm mua vũ khí để chống Iran.
Trong khi đó, Khảo sát Thanh niên Arab năm 2022 cho thấy gần 3/4 (73%) người được hỏi muốn Mỹ rút lui khỏi khu vực Trung Đông. Trái lại, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga hiện được coi là những đồng minh mạnh nhất của khu vực và lập trường mặc định hướng về phương Tây trong thời kỳ khủng hoảng đang bị lung lay khi các nước có quan hệ tốt với Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tâm lý này có thể khiến các quốc gia Arab khác, như Saudi Arabia, không vội vã tham gia các dự án của Mỹ như Hiệp định Abraham - dự án mà Israel vẫn hy vọng sẽ là một con đường vòng để dẫn tới các cuộc đàm phán hòa bình với người Palestine. Thay vào đó, các nước Arab có thể ủng hộ các sáng kiến trong nước nhằm ổn định khu vực.
Trong bối cảnh đó, Mỹ muốn nhằm vào dầu mỏ - động cơ kinh tế của Trung Đông - và sử dụng các biện pháp trừng phạt để ngăn chặn các nỗ lực chấm dứt xung đột, đồng thời chia rẽ các nước Arab trong OPEC với Iran và Syria.