Nguyên nhân khiến người đàn ông suy thận sau khi ăn cá biển tự câu

TRUNG QUỐC - Ăn cá biển tự câu mỗi ngày, ông Lý bàng hoàng khi biết mình suy thận trong một lần khám sức khỏe.

Hầu như mỗi bữa, ông Lý, 64 tuổi, đều ăn cá do chính tay mình câu được. Tuy nhiên, trong một lần khám sức khỏe, ông được thông báo chức năng thận chỉ còn một nửa. Điều này khiến nam bệnh nhân vô cùng lo lắng, đặc biệt khi mẹ ông từng phải chạy thận trong suốt 5 năm trước khi qua đời.

Sau khi kiểm tra chuyên sâu, bác sĩ cho biết, ông Lý bị suy thận do phơi nhiễm asen quá mức. Sau hai tháng sử dụng thuốc, chức năng thận của ông đã dần hồi phục.

Bạn cần cẩn trọng chọn nguồn cá biển an toàn cho bữa ăn gia đình. Ảnh minh họa: Ban Mai

Bạn cần cẩn trọng chọn nguồn cá biển an toàn cho bữa ăn gia đình. Ảnh minh họa: Ban Mai

Bác sĩ chuyên khoa thận Du Đống Mẫn cho biết kết quả khám sức khỏe của ông Lý cho thấy bệnh thận mạn ở mức độ trung bình, ông không có các yếu tố nguy cơ phổ biến như cao huyết áp hay tiểu đường. Nồng độ asen trong nước tiểu cao gấp 5 lần thông thường xác nhận bệnh nhân nhiễm asen nghiêm trọng. Sau khi dùng thuốc giải độc và điều chỉnh chế độ ăn uống, hai tháng sau, nồng độ asen trong nước tiểu đã trở về mức bình thường, chức năng thận hồi phục.

Trước khi phát bệnh, ông Lý không có triệu chứng rõ ràng của ngộ độc nhưng đã bị tổn thương thận. Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Environmental Health, cứ 5 người có chức năng thận bất thường thì có 1 người liên quan đến ngộ độc asen.

Nghiên cứu thực hiện trên hơn 1.600 người dân Trung Quốc ghi nhận phơi nhiễm lâu dài với kim loại nặng (asen, chì, cadimi) có thể dẫn đến suy giảm chức năng thận. Nếu kết hợp thêm tình trạng thiếu axit folic hoặc tăng acid uric máu, nguy cơ mắc bệnh thận có thể tăng từ 2,8 đến 4 lần.

Nguồn phơi nhiễm kim loại nặng trong môi trường chủ yếu đến từ thực phẩm, nước uống và môi trường làm việc, trong đó có những nguồn ít được chú ý như: thảo dược không rõ nguồn gốc, thực phẩm chức năng chưa được kiểm định hợp pháp, các loại khoáng chất bổ sung, động vật biển sâu bị ô nhiễm, thuốc trừ sâu, hóa chất.

Bác sĩ Du cho biết thêm, nếu người dân phát hiện chức năng thận bất thường không rõ nguyên nhân, nên cân nhắc khả năng nhiễm kim loại nặng và tiến hành xét nghiệm phù hợp. Việc kiểm tra đầy đủ và can thiệp sớm có thể ngăn chặn thận bị tổn thương nặng hơn, có thể phục hồi chức năng thận.

Triệu chứng nhiễm độc asen

Asen trong cá và hải sản tồn tại chủ yếu ở dạng hữu cơ (ít độc). Tuy nhiên, một số loài vẫn chứa lượng nhỏ asen vô cơ (độc, gây ung thư). Asen vào cơ thể cá qua nước, thức ăn và do ô nhiễm từ khai khoáng, thuốc trừ sâu, phân bón, nước thải chưa xử lý.

Nhiễm độc cấp tính asen xảy ra khi người bệnh nuốt hoặc hít phải lượng lớn asen. Triệu chứng gồm khô miệng, khó nuốt, đau bụng dữ dội, nôn và tiêu chảy giống bệnh tả, chuột rút, co giật, ít đi tiểu, huyết áp tụt. Trường hợp nặng có thể tử vong trong 24 giờ, nếu sống sót, hồi phục rất chậm.

Nhiễm độc mạn tính asen thường diễn ra âm thầm, kéo dài. Triệu chứng ban đầu là mệt mỏi, đau bụng, ngứa, đau khớp. Sau đó xuất hiện tiêu chảy/táo bón, rối loạn thần kinh (tê bì, co giật, liệt), tổn thương da (loét, sạm da), rụng tóc, tổn thương gan thận và nguy cơ ung thư da, phổi, xương.

An Yên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguyen-nhan-khien-nguoi-dan-ong-suy-than-sau-khi-an-ca-bien-tu-cau-2425341.html