Nguyên nhân Liên bang Nga từ chối kế hoạch ngừng bắn ở Ukraine của ông Trump

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và nhà ngoại giao hàng đầu Sergey Lavrov đã tuyên bố rằng việc trì hoãn tư cách thành viên NATO của Ukraine sẽ không đủ để giải quyết xung đột Nga-Ukraine.

Theo truyền thông nhà nước Liên bang Nga, Moskva đã bác bỏ một kế hoạch do đội ngũ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đưa ra nhằm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine bằng cách hoãn tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Kiev để đổi lấy một lệnh ngừng bắn.

Chiến thắng của ứng cử viên đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024, những lời chỉ trích liên tục của ông Trump đối với Ukraine cũng như đối với việc Mỹ tài trợ cho Kiev, cùng lời hứa chấm dứt chiến tranh trong vòng một ngày sau khi nhậm chức, đã gây lo ngại cho các đồng minh NATO về những nhượng bộ mà chính trị gia này có thể yêu cầu Ukraine thực hiện.

Tuy nhiên, việc Điện Kremlin bác bỏ một yếu tố được cho là quan trọng trong đề xuất ngừng bắn từ đội ngũ của ông Trump đã nhấn mạnh cảnh báo từ một số nhà phân tích: Không nên cho rằng Liên bang Nga sẽ đồng ý kết thúc chiến tranh theo các điều kiện đặt ra cho họ.

Xem video ghi lại một cuộc trao đổi giữa Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (ngồi giữa) và Đặc phái viên về Ukraine và Nga (ngồi bên phải) Keith Kellogg. Nguồn: Reuters.

Kế hoạch của Trump về Ukraine là gì?

Ông Trump đã rất cẩn trọng khi không tiết lộ nhiều về kế hoạch của mình.

Trong một cuộc phỏng vấn podcast với Lex Fridman vào tháng 9/2024, ông Trump nói rằng: “Tôi không thể nói cho bạn biết kế hoạch đó vì nếu tôi nói ra, tôi sẽ không thể triển khai nó. Kế hoạch sẽ không thành công. Một phần là yếu tố bất ngờ”.

Còn trong chiến dịch tranh cử, ông Trump hứa sẽ chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, vào ngày 12/12/2024, Tổng thống đắc cử Mỹ đã thừa nhận với tạp chí Thời đại (The Time) rằng “Trung Đông là một vấn đề dễ giải quyết hơn so với những gì đang xảy ra giữa Liên bang Nga và Ukraine”.

Tổng thống đắc cử Mỹ và các trợ lý quan trọng của ông đã đưa ra một số ý tưởng về việc ngừng bắn ở Ukraine. Dưới đây là những gì đã được biết đến:

- Hoãn tư cách thành viên NATO của Ukraine:

Vào ngày 6/11/2024, Thời báo phố Wall (WSJ) trích dẫn ba nguồn tin gần gũi với ông Trump đưa tin rằng kế hoạch của Tổng thống đắc cử Mỹ liên quan đến việc trì hoãn tư cách thành viên NATO của Ukraine trong 20 năm.

- Khu phi quân sự:

Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình Shawn Ryan Show vào tháng 9/2024, Phó Tổng thống của ông Trump, ông JD Vance, đã tiết lộ các chi tiết tiềm năng của kế hoạch. Ông Vance nói rằng đường ranh giới hiện tại giữa Liên bang Nga và Ukraine sẽ trở thành một “khu phi quân sự”, được củng cố để Moskva không thể xâm nhập lần nữa.

Theo WSJ, khu phi quân sự này sẽ kéo dài gần 1.290 km. Hiện chưa rõ ai sẽ giám sát khu vực này, nhưng một thành viên giấu tên trong đội ngũ của ông Trump nói rằng: “Khẩu súng sẽ nằm trong tay người châu Âu”.

- Nhượng bộ lãnh thổ:

Ông Vance cũng đề xuất rằng theo kế hoạch, Ukraine sẽ phải nhượng một số lãnh thổ bị kiểm soát cho Liên bang Nga, bao gồm các phần của Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia. Liên bang Nga đã kiểm soát được khoảng 20% lãnh thổ Ukraine kể từ năm 2014.

- Đặc phái viên và viện trợ quân sự:

Vào ngày 27/11/2024, ông Trump bổ nhiệm tướng về hưu Keith Kellogg làm đặc phái viên về Liên bang Nga và Ukraine. Trước đó vào tháng 4/2024, ông Kellogg là đồng tác giả một bài báo chiến lược, đề xuất rằng Mỹ có thể tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, với điều kiện Kiev đồng ý tham gia đàm phán hòa bình với Moskva

Bài báo cũng đề nghị NATO có thể tạm hoãn tư cách thành viên của Ukraine và Liên bang Nga có thể được giảm nhẹ một số lệnh trừng phạt để đổi lấy việc tham gia đàm phán hòa bình.

- Chỉ trích Ukraine tấn công lãnh thổ Liên bang Nga:

Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Thời đại, ông Trump chỉ trích Ukraine vì đã phóng tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Liên bang Nga vào tháng 11/2024. Ông Trump nói: “Tôi hoàn toàn phản đối việc phóng tên lửa hàng trăm dặm vào Liên bang Nga. Tại sao chúng ta lại làm điều đó?” và cho rằng điều này chỉ làm chiến tranh leo thang.

Vào cuối tháng 11/2024, Ukraine đã tấn công vào lãnh thổ Liên bang Nga bằng vũ khí tầm xa (ATACMS và Storm Shadows) do Mỹ và Anh sản xuất, sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thúc giục Washington và London cho phép sử dụng tên lửa để tấn công bên trong lãnh thổ Liên bang Nga, điều trước đây bị hạn chế.

Xem video về hoạt động vận chuyển và lắp đặt tên lửa tầm xa Storm Shadows lên máy bay chiến đấu. Nguồn: Reuters

Phía Liên bang Nga đã nói gì?

Trong buổi họp báo thường niên vào ngày 26/12/2024, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin bác bỏ ý tưởng rằng việc trì hoãn tư cách thành viên NATO của Ukraine sẽ đủ để làm hài lòng Moskva.

Tổng thống Liên bang Nga nói rằng mặc dù ông không biết chi tiết về kế hoạch của ông Trump, nhưng Tổng thống đương nhiệm Mỹ Joe Biden đã đưa ra một đề xuất tương tự vào năm 2021, đó là trì hoãn việc Ukraine gia nhập NATO từ 10 đến 15 năm.

Theo bản ghi của Điện Kremlin, trả lời câu hỏi liên quan của nhà báo tại buổi họp báo thường niên vào ngày 26/12/2024, ông Putin nhấn mạnh: “Về mặt lịch sử và khung thời gian, đây chỉ là một khoảnh khắc. Đối với chúng ta, hôm nay, ngày mai, hay 10 năm nữa thì có gì khác biệt?”.

Vào 29/12/2024, hãng thông tấn nhà nước Liên bang Nga TASS dẫn lời Ngoại trưởng Sergey Lavrov khẳng định lại sự bác bỏ của ông Putin đối với một số đề xuất từ phía ông Trump về Ukraine.

“Chúng tôi chắc chắn không hài lòng với các đề xuất do đại diện của đội ngũ tổng thống đắc cử (Mỹ) đưa ra, bao gồm việc hoãn tư cách thành viên NATO của Ukraine trong 20 năm và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của ‘Anh và châu Âu’ tại Ukraine”, ông Lavrov nói với TASS.

Ngoại trưởng Liên bang Nga cũng cho biết là Moskva chưa nhận được bất kỳ “tín hiệu” chính thức nào từ Mỹ về “giải pháp Ukraine”.

Nhà ngoại giao Liên bang Nga giải thích rằng cho đến khi ông Trump chính thức nhậm chức tại Washington vào ngày 20/1/2025 thì chỉ có chính quyền sắp mãn nhiệm của ông Biden mới được phép đối thoại với Moskva.

Trong khi đó, vào 26/12/2024, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin cho biết Moskva sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine tại Slovakia.

Phía Liên bang Nga sẽ làm gì?

Chuyên gia Timothy Ash tại chương trình Nga và Âu-Á của Chatham House, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại London, cho rằng: “(Tổng thống Liên bang Nga) Putin đang chơi bài bluff, ông ấy muốn đạt được một thỏa thuận” .

Chuyên gia Ash nói với Al Jazeera rằng Putin “sẽ chơi cứng rắn trước các cuộc đàm phán bằng cách bác bỏ mọi thứ”, nhưng “ông ấy cần một thỏa thuận vì không thể duy trì một cuộc chiến dài hơi với tổn thất lớn như vậy”.

Theo chuyên gia Ash, nếu ông Trump đưa ra một thỏa thuận mà theo đó Liên bang Nga có thể giữ lãnh thổ Ukraine mà nước này hiện đang kiểm soát — như ông Vance đã đề xuất — Moskva có thể sẽ chấp nhận.

Chuyên gia Ash nói: “(Tổng thống đắc cử Mỹ) Trump đang ở vị thế mạnh, còn ông Putin thì yếu” và “ông Trump có thể duy trì một cuộc chiến dài hơi vì Mỹ hưởng lợi từ doanh số bán vũ khí khổng lồ mà không có tổn thất nhân mạng nào”.

Xem video ghi cảnh người dân thủ đô Kiev của Ukraine sống trong cảnh mất điện sau cuộc tấn công đường không quy mô lớn hôm 28/11/2024 của các lực lượng Liên bang Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Nguồn: Reuters

Phản ứng của phía Ukraine

Vào ngày 7/12/2024, ông Trump đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris. Sau cuộc họp ba bên, ông Trump nói với tờ Bưu điện New York (NYP) rằng ông Zelensky muốn có một lệnh ngừng bắn.

“Ông ấy muốn hòa bình. Chúng tôi không nói về chi tiết”, ông Trump cho biết thêm.

Trước đó, Ukraine nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải bao gồm việc vô hiệu hóa các hành động sáp nhập lãnh thổ của Liên bang Nga, bao gồm cả Crimea, khu vực bị Moskva sáp nhập vào năm 2014.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với Sky News được công bố vào ngày 29/11/2024, ông Zelensky đã thay đổi lập trường.

“Nếu chúng ta muốn chấm dứt giai đoạn nóng của chiến tranh, chúng ta cần đưa các vùng lãnh thổ của Ukraine mà chúng ta kiểm soát vào dưới chiếc ô của NATO”, ông Zelensky nói.

“Chúng ta cần làm điều đó nhanh chóng. Sau đó, với các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, Ukraine có thể giành lại bằng con đường ngoại giao”, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết thêm.

Theo chuyên gia Ash, đây là một sự nhượng bộ lớn của ông Zelensky về vấn đề lãnh thổ.

Trong khi các thành viên NATO đảm bảo rằng Ukraine đang trên con đường “không thể đảo ngược” để gia nhập liên minh, họ vẫn thận trọng trong vấn đề kết nạp Ukraine trong khi nước này vẫn đang có chiến tranh với Liên bang Nga.

Điều này là do hiệp ước NATO có điều khoản phòng thủ tập thể, quy định rằng tất cả các thành viên đều bị coi là bị tấn công nếu một thành viên bị tấn công. Vì vậy, việc Ukraine gia nhập NATO đồng nghĩa với việc tất cả các thành viên NATO sẽ ở trong tình trạng chiến tranh với Liên bang Nga.

Với việc Liên bang Nga bác bỏ sự thỏa hiệp về tư cách thành viên NATO – tức Ukraine sẽ được gia nhập nhưng chỉ sau hai thập kỷ – hiện vẫn chưa rõ Kiev và Moskva có thể quay lại bàn đàm phán như thế nào. Trong khi đó, tư cách thành viên NATO là trọng tâm trong kế hoạch hòa bình mà ông Zelensky đã thúc đẩy.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Ash, ông Zelensky có thể sẵn sàng thỏa hiệp về tư cách thành viên NATO còn điều mà ông Zelensky sẽ không thỏa hiệp là về vấn đề an ninh của Ukraine.

“Điều đó có nghĩa là các bảo đảm an ninh song phương từ phương Tây hoặc những cam kết chắc chắn rằng họ sẽ cung cấp cho Ukraine tất cả các công cụ cần thiết để tự vệ – giống như Israel hoặc Hàn Quốc”, chuyên gia Ash nhận định.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo Al jazeera)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nguyen-nhan-lien-bang-nga-tu-choi-ke-hoach-ngung-ban-o-ukraine-cua-ong-trump-20250101072915775.htm