Nguyên nhân mưa như trút ở TPHCM
Theo các chuyên gia khí tượng, hình thái chủ đạo ở TPHCM và Nam bộ hiện nay là nắng - mưa xen kẽ. Ban ngày có nhiệt độ cao nên đến chiều sẽ xảy ra dông nhiệt.
Mưa bắt đầu tái xuất hiện và gia tăng ở Nam bộ, Tây Nguyên từ hôm qua đến chiều nay 7-6. Nguyên nhân do đang có một vùng hội tụ xoáy ở tầng trung trên Biển Đông (tại khu vực Trường Sa), nên khu vực Tây Nguyên và Nam bộ sẽ “hút” mây, mưa.
Số liệu từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, trong ngày 7-6, tại Nam bộ và Tây Nguyên đã có đợt mưa to đến rất to trên diện rộng. Tính đến chiều 7-6, nhiều trạm đo mưa trong khu vực đã ghi nhận lưu lượng mưa vượt 50mm trong khoảng thời gian ngắn, như: Ya Xiêr (Kom Tum) 56mm, Đoàn Kết (Lâm Đồng) 67mm, Mỹ Lợi (TPHCM) 152mm, Phú Thạnh (Đồng Nai) 127mm, Phước Hội (Vũng Tàu) 61mm…
Dự báo ngày 8-6, Tây Nguyên và Nam bộ tiếp tục mưa rào và dông, cục bộ có mưa to trên 50mm (thời gian tập trung vào chiều và đêm).
Trong khi ngày 7-6, khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận lại có nắng nóng 35-36 độ C. Những địa phương như Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận… trên 36 độ C. Dự báo, tình trạng này còn kéo dài thêm hai ngày 8 và 9-6, từ ngày 10-6 nắng nóng ở khu vực này mới tạm lắng dịu.
Tối 7-6, một số nơi ở phía Tây Nam Hà Nội lại có mưa kèm sấm sét. Cơ quan khí tượng cảnh báo, từ ngày 8 đến 9-6, do xuất hiện đợt không khí lạnh trái mùa, tình trạng mưa lũ sẽ tái xuất ở Bắc bộ, dự báo lũ tiểu mãn (đầu mùa) trên sông Thao (sông Hồng) có thể lên trở lại.
Dự báo, lưu lượng mưa ngày 8-6 ở Bắc bộ khoảng 100mm, ngày 9-6 khoảng 120mm (có nơi có mưa rất to). Đến ngày 11-6, mưa mới giảm, sau đó nắng nóng từ ngày 12-6, nhưng từ ngày 16-6 có mưa trở lại. Từ ngày 20-6, miền Bắc và miền Trung có thể xuất hiện một đợt nắng nóng đáng kể trong tháng 6.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguyen-nhan-mua-nhu-trut-o-tphcm-post743590.html