Nguyên nhân nào dẫn tới vụ sập cổng trường khiến 3 học sinh tử vong?

Vụ sập cổng trường khiến 3 học sinh tử vong có nhiều nguyên nhân cần cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Nhưng với trẻ chỉ khoảng 20-30 kg đu nghịch đã dẫn tới đổ sập, không loại trừ khả năng thiết kế sai, chất lượng thi công kém.

Liên quan đến vụ đổ sập cổng trường trên địa bàn xã Khánh Yên Thượng (Văn Bàn, Lào Cai) khiến 3 trẻ tử vong, 3 bé khác bị thương mới đây, theo lãnh đạo xã, việc xây dựng được tiến hành bằng cách đào 2 hố, xây gạch và vữa lên.

Bên cạnh đó, bản vẽ thiết kế ban đầu cổng trường cũng không có phần giằng sắt, chỉ có 2 trụ đỡ để giữ tấm biển sắt “Điểm trường Bản Phung”.

Tuy nhiên, để xác định và kết luận được nguyên nhân, theo tôi cần điều tra và phân tích kỹ hiện trường. Theo như những hình ảnh tại hiện trường cho thấy, cột trụ đổ sập tận chân, do đó loại trừ khả năng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố địa chất như sụt lún hay đất mềm nhão gây ra nghiêng đổ.

Theo như những hình ảnh hiện trường, kết cấu bên trong cột và chân cột dường như không có cốt thép.

Theo như những hình ảnh hiện trường, kết cấu bên trong cột và chân cột dường như không có cốt thép.

Hiện trường vụ sập cổng trường

Hiện trường vụ sập cổng trường

Cột trụ được thiết kế không có cốt thép bên trong, như vậy đây là loại trụ chịu trọng lực. Với loại này, tùy theo chiều dài cánh cổng và chất liệu, vẫn có thể xây dựng không có cốt thép bên trong, miễn đơn vị thiết kế tính toán chuẩn.

Ở đây, nguyên nhân có thể do trụ cổng xây không có chân đế móng. Thông thường, khi xây dựng cần phải có chân móng sâu khoảng 60-80 cm bên dưới và chiều rộng thêm 15-20 cm các bên.

Tất cả móng này được đặt trên lớp tạo phẳng bằng đá dăm và cát dày khoảng 10 cm. Nền móng bên dưới phải được đầm chặt, sau đó mới xây móng và thân trụ cổng.

Do đó, việc trụ cổng bị gẫy đôi có thể do bị lật trụ và va đập xuống đất.

Với những loại cổng chịu trọng lực như vậy, để có thể chịu được lực uốn - gồm trọng lượng của cánh cổng và ngoại lực tác động (như xe ô tô đâm phải hay học sinh trèo lên cổng,...) - cần phải có trọng lượng hợp lý, tức kích thước trụ cổng và móng phải được mở rộng, đủ sâu để đảm bảo chống lật .

Như vậy, nguyên nhân có thể do đơn vị thiết kế không đúng hoặc thiết kế đúng nhưng việc thi công có vấn đề nên đã gây ra thảm họa

Trong những trường hợp này, cần thiết kế loại cổng dạng trụ uốn (vốn có khả năng chịu lực cao hơn), trong đó có cột bê tông cốt thép mới có thể thật sự vững chắc và chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt.

Thời Vũ

(Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/sap-cong-truong-khien-3-hoc-sinh-tu-vong-thiet-ke-sai-thi-cong-kem-672673.html