Nguyên nhân nào khiến tình trạng không khí ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay?

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai đô thị bị ô nhiễm không khí lớn nhất nước ta hiện nay. Ô nhiễm không khí đang trở thành thách thức lớn đối với công tác quản lý môi trường của các chính quyền đô thị.

Những bất cập trong hệ thống giao thông và quy hoạch đô thị, hoạt động xây dựng là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí trầm trọng tại các thành phố lớn. Ảnh TL.

Tình trạng không khí bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) cho biết, vấn đề ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi lơ lửng tổng số (TSP), bụi mịn (PM10, PM2.5) đang trở thành thách thức lớn đối với công tác quản lý môi trường của các chính quyền đô thị.

Theo ông Thức đây là xu thế chung của các nước đang phát triển và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Với mức độ tăng trưởng nhanh trong thời gian gần đây, nguồn phát sinh khí thải từ các hoạt động giao thông vận tải, các khu công nghiệp và các làng nghề, các hoạt động phát triển đô thị đang có xu hướng gia tăng đòi hỏi sự quan tâm và quản lý đồng bộ của các cấp, các ngành và đặc biệt là chính quyền các địa phương tại 2 thành phố lớn của cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Kết quả quan trắc cho thấy chất lượng không khí theo xu hướng biến động của PM10 và PM2.5 tại thành phố Hà Nội chịu tác động rất nhiều từ điều kiện thời tiết khí hậu (hiện tượng nghịch nhiệt) kết hợp với các nguồn ô nhiễm vốn có và hoạt động đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch, dẫn đến chỉ số chất lượng không khí (AQI) tăng cao, hiện tượng này mang tính cục bộ tại một số khu vực, một số thời điểm nhất định.

Trong 4 tháng đầu năm 2020, Hà Nội có 47,3% số ngày có giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ vượt giới hạn quy chuẩn cho phép; trong đó có những ngày ô nhiễm ở mức khá cao (ngày 14/1, 02/2, 20/2 và 16/3), giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ vượt từ 2 – 3,4 lần giới hạn cho phép QCVN.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh kết quả quan trắc cho thấy có sự gia tăng mạnh mẽ nồng độ bụi PM2.5 trong không khí do hiện tượng nghịch nhiệt, sương mù quang hóa, tuy nhiên phần lớn thông số ô nhiễm vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN.

Như vậy, có thể nhận định vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh nói riêng và các đô thị khác trong toàn quốc chủ yếu tập trung vào ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5. Các thông số khác (NO2, O3, CO, SO2) vẫn có giá trị đạt QCVN.

Ô nhiễm không khi đến từ các nguồn phát thải của con người

Ông Thức cho rằng, chất lượng không khí bị tác động từ 2 yếu tố chính là nguồn phát thải (do con người) và điều kiện khí tượng (do tự nhiên). Nguyên nhân chính gây ra tình trạng bụi PM2.5 tăng cao là do các nguồn phát thải của con người, có thể kể đến các nguyên nhân chủ yếu như sau:

Thứ nhất, một trong các nguồn phát sinh bụi, khí thải chính ở các đô thị lớn, đặc biệt là tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là khí thải từ hoạt động giao thông. Tiêu chuẩn khí thải của Việt Nam đối với ô tô, xe máy cũng đang đi sau so với nhiều nước trên thế giới, vì vậy dẫn đến tình hình phát sinh khí thải từ các phương tiện giao thông chưa được kiểm soát hiệu quả.

Thứ hai, gây ô nhiễm không khí là do hoạt động xây dựng tại các đô thị như xây dựng, sửa chữa, cải tạo đường giao thông, các khu chung cư, nhà cao tầng, xây dựng công trình công ích (lát vỉa hè, cải tạo sửa chữa đường ống điện, nước v.v…).

Thứ ba, hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận cũng là một nguồn phát sinh bụi, khí thải lớn gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí.

Thứ tư, khí thải từ hoạt động dân sinh (trên địa bàn Hà Nội có khoảng 60.000 bếp than tổ ong); bụi, khói mù từ hoạt động đốt rơm rạ sau thu hoạch ở khu vực ngoại thành; hoạt động đốt chất thải sinh hoạt, chất thải sản xuất không đúng quy định cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí.

Bên cạnh các nguyên nhân trên, chất lượng không khí ở các đô thị cũng có thể bị ảnh hưởng do lan truyền ô nhiễm không khí xuyên biên giới, ví dụ chất lượng không khí ở thành phố Hồ Chí Minh có thể bị ảnh hưởng nhất định do cháy rừng ở Indonesia. Tuy nhiên, các nguyên nhân ô nhiễm nội tại vẫn là chủ yếu.

Các biện pháp để kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí

Để tăng cường công tác quản lý, kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí, trong thời gian tới, theo ông Thức cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ như; tổ chức triển khai thực hiện hoạt động phun nước rửa đường tại các trục, tuyến đường giao thông chính của thành phố, đặc biệt là khi thời tiết hanh khô để hạn chế bụi phát tán.

Thu gom triệt để rác, bụi bẩn trên các trục, tuyến, giải phân cách đường giao thông; kiểm soát chặt chẽ các phương tiện đổ thải, đảm bảo che chắn cẩn thận, không làm rơi vãi, phát tán bụi ra môi trường, đặc biệt là tại khu vực tập trung điểm tập kết rác thải.

Khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm xe phương tiện cá nhân, loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu gây ô nhiễm môi trường; trồng thêm nhiều cây xanh trong các khu vực đô thị; kiềm chế tốc độ “bê tông hóa" tại đô thị, các công trình giao thông, công trình xây dựng phải được che chắn, giảm thiểu đến mức tối đa ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển giao thông vận tải công cộng khối lượng lớn thay thế việc sử dụng xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do các hoạt động xây dựng, phá dỡ cải tạo công trình.

Tiến hành thống kê, đánh giá nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường từ các cơ sở công nghiệp, trong đó tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất có lò đốt, ống khói xả thải trên địa bàn khu vực ven đô, yêu cầu lắp đặt ngay trạm quan trắc khí thải tự động theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.

Tổ chức kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm đối với các hành vi, hoạt động xử lý chất thải, đốt rác thải theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP.

Tuyên truyền, vận động người dân về tác hại của ô nhiễm môi trường, sức khỏe khi đốt chất thải, rơm rạ, sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt để có ý thức chấm dứt hoạt động đốt.

Tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ và hệ thống các trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn. Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí cần được công bố, công khai trên Cổng thông tin điện tử và phương tiện truyền thông.

Chỉ đạo cơ quan truyền thông trên địa bàn sử dụng các nguồn dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường không khí chính thống do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện để cung cấp thông tin cho cộng đồng xã hội.

Đối với các Bộ, ngành trung ương, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường, đặc biệt là lĩnh vực giao thông, xây dựng; kiểm soát các nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí (giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng), xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để tạo tính răn đe.

Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT), đặc biệt là quy định về BVMT không khí, giám sát, kiểm soát, đánh giá chất lượng môi trường không khí trong Luật BVMT (sửa đổi); thiết lập các hàng rào kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường, tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới.

Đẩy nhanh lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải xe ô tô, xe gắn máy theo hướng chặt chẽ hơn; có cơ chế chính sách, công cụ kinh tế để thúc đẩy phát triển các loại phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch (điện, khí CNG,…).

Xây dựng, thiết lập được mạng lưới các trạm quan trắc không khí tự động, liên tục, đảm bảo cho việc quan trắc, thu nhận, truyền dẫn số liệu giúp các cơ quan quản lý có thể theo dõi, giám sát, cảnh báo, dự báo được chất lượng môi trường không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn.

Thực hiện hiệu quả các Chương trình tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong công tác BVMT; sớm đưa nội dung giáo dục về bảo vệ môi trường vào chương trình đào tạo tại các cấp học.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguyen-nhan-nao-khien-tinh-trang-khong-khi-o-nhiem-nghiem-trong-nhu-hien-nay-post81712.html