Nguyên nhân sâu xa Pháp không tham gia sáng kiến Lá chắn phòng thủ tên lửa châu Âu

Pháp không muốn cuộc xung đột Nga - Ukraine xác định hướng phát triển năng lực quân sự của các nước NATO.

Pháp và Đức có quan điểm khác nhau về lá chắn phòng thủ tên lửa châu Âu. Ảnh: Independent

Pháp và Đức có quan điểm khác nhau về lá chắn phòng thủ tên lửa châu Âu. Ảnh: Independent

Justyna Gotkowska, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phương Đông Ba Lan (OSW) và chuyên gia về an ninh, quốc phòng Lukasz Maślanka thuộc OSW mới đây nhận định rằng, theo sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, một cuộc họp dành cho việc phối hợp các chính sách của châu Âu trong lĩnh vực phòng không đã được tổ chức tại Paris vào tuần trước. Cuộc họp có sự tham dự của Ủy viên EU về thị trường nội bộ Thierry Breton và Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoană, cùng các bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng từ 20 quốc gia châu Âu.

Trong bài phát biểu sau khi kết thúc cuộc họp, ông Macron đã trình bày tầm nhìn của Pháp về các hành động của châu Âu cho một "bầu trời an toàn". Ông Macron cũng thông báo rằng việc chuyển giao hệ thống phòng không tầm trung SAMP/T cho Ukraine, được Paris và Rome cam kết vào mùa thu năm 2022, cuối cùng đã diễn ra. Sự kiện cũng chứng kiến việc Bỉ tuyên bố tham gia chương trình Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai (FCAS) của Pháp - Đức với tư cách là quan sát viên.

Tuy nhiên, các chuyên gia Gotkowska và Maślanka cho rằng, mục đích cuộc họp tại Paris cũng nhằm phản đối đề xuất của Đức về Sáng kiến “Lá chắn Bầu trời châu Âu” (ESSI) được đưa ra vào tháng 10/2022. Theo kế hoạch ban đầu, 17 quốc gia tham gia ESSI sẽ cùng nhau mua các hệ thống phòng không chế tạo sẵn với các tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa.

Đây là những thiết bị mà quân đội Đức sử dụng hoặc sẽ sử dụng: hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn IRIS-T SLM của Đức, hệ thống phòng không tầm trung Patriot của Mỹ và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Arrow-3 của Israel - Mỹ. Khi công bố ESSI, Berlin có mục tiêu tăng cường năng lực của chính họ, thể hiện mình là một đồng minh có trách nhiệm cam kết xây dựng các khả năng quan trọng và còn thiếu trong NATO.

Kể từ khi bắt đầu triển khai sáng kiến trên vào tháng 5 năm nay, Estonia và Latvia đã khởi động việc đàm phán với nhà sản xuất về việc mua chung hệ thống IRIS-T SLM. Vào giữa tháng 6, Ủy ban ngân sách của Quốc hội Đức đã thông qua việc tài trợ cho mua 6 bệ phóng của hệ thống này (tổng chi phí - 950 triệu euro) và bắt đầu mua ba hệ thống Arrow-3 (560 triệu euro đã được phân bổ đợt đầu tiên, trong tổng giá trị hợp đồng là gần 4 tỷ euro). Hiện tại, Đức có khả năng hạn chế về phòng không tầm ngắn và tầm xa – nước này chỉ có 11 hệ thống Patriot tầm trung được hiện đại hóa (sau khi chuyển giao một hệ thống cho Ukraine).

Pháp đã không tham gia sáng kiến của Đức, coi ESSI là bất lợi từ góc độ lợi ích thương mại của mình, cùng với Italy. Nước này cũng sản xuất hệ thống tên lửa tầm trung SAMP/T. Quân đội Pháp có 8 hệ thống SAMP/T và đang bắt đầu hiện đại hóa chúng. Nước này cũng có 4 hệ thống Crotale NG tầm ngắn.

Trong ESSI, Pháp nhận thấy không chỉ có các công nghệ của Đức mà cả các công nghệ ngoài châu Âu (Mỹ và Israel). Do đó, trong bài phát biểu của ông Macron tại cuộc họp trên cũng cho thấy quan điểm khác từ Paris về phát triển năng lực phòng không ở châu Âu. Pháp không muốn cuộc xung đột Nga - Ukraine, được ông Macron định nghĩa là một cuộc xung đột "lỗi thời", xác định hướng phát triển khả năng quân sự của các nước NATO.

Trong khi coi nguy cơ NATO bị tấn công là thấp và mặc dù sẵn sàng hỗ trợ tăng cường phòng thủ tập thể ở mức độ hạn chế, Pháp muốn các nước NATO ở châu Âu đầu tư vào cơ sở công nghiệp và công nghệ của riêng họ thay vì mua vũ khí của nước ngoài, cũng như nên tính đến các mối đe dọa mới đối với không gian mạng, trong không gian hoặc đối với cơ sở hạ tầng dưới đáy biển, và trong lĩnh vực phòng không là đối phó với máy bay không người lái tấn công.

Những ưu tiên như vậy có trong dự luật của Pháp về lập kế hoạch chi tiêu quân sự trong giai đoạn 2024 - 2030, hiện đang được xem xét. Ngoài ra, Paris coi khái niệm "Lá chắn tên lửa châu Âu" mở rộng không chỉ tốn kém và không thực tế, mà còn gây tranh cãi từ góc độ chiến lược. Theo đó, chỉ riêng khả năng răn đe hạt nhân đã bảo vệ đáng kể trước một cuộc tấn công tiềm tàng.

Ngoài ra, Tổng thống Macron cũng lo ngại rằng việc tăng cường mạnh mẽ hệ thống phòng thủ tên lửa chống lại tên lửa đạn đạo (hệ thống Arrow-3) có thể thúc đẩy Nga phát triển hơn nữa các khả năng tấn công sẽ làm suy yếu lực lượng răn đe hạt nhân của Pháp. Paris đã nhắc lại điều khoản của Tuyên bố Thượng đỉnh NATO năm 2012 rằng "phòng thủ tên lửa không thể thay thế vũ khí hạt nhân".

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo osw.pl)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nguyen-nhan-sau-xa-phap-khong-tham-gia-sang-kien-la-chan-phong-thu-ten-lua-chau-au-20230627153511927.htm