Nguyên nhân sông Krông Nô 'ngoặm' đường, 'nuốt' trên 45ha đất
Trên sông Krông Nô (đoạn chảy qua huyện Krông Nô, Đắk Nông), tình hình sạt lở diễn biến hết sức nghiêm trọng. Hiện có 24 điểm sạt lở nghiêm trọng, 'ngoặm' cả đường, 'nuốt' trên 45ha đất sản xuất.
Thời gian qua, tại hai bên bờ sông Krông Nô (huyện Krông Nô, Đắk Nông) diễn ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng.
Theo UBND huyện Krông Nô, tổng chiều dài sông chảy qua địa phận huyện khoảng 42km, trải dài trên 6 xã (Quảng Phú, Đắk Nang, Đức Xuyên, Nâm N’Đir, Đăk Drô, Buôn Choah).
Trong những năm qua, đặc biệt là trong thời gian gần đây, tình hình sạt lở diễn biến hết sức nghiêm trọng. Tổng chiều dài sạt lở ước tính 11,7km với 24 điểm sạt lở nghiêm trọng (trước năm 2023 là 18 điểm, hơn 9km); sạt lở ngày càng tiến sâu vào đất sản xuất của người dân và các công trình giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất, dân sinh.
Theo người dân và chính quyền các xã, trước kia dòng sông Krông Nô có chiều rộng trung bình khoảng 20-25m; đến thời điểm hiện tại chiều rộng trung bình khoảng từ 30-35m, đặc biệt có nhiều vị trí lên trên 70-80m (sạt lở chủ yếu xảy ra trên phần đất địa giới hành chính huyện Krông Nô), tổng diện tích sạt lở khoảng trên 45ha.
Hiện, trên địa bàn huyện có 3 điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, rất nguy hiểm: Điểm thứ nhất nằm phía thượng lưu trạm bơm 1A thuộc cánh đồng 38 xã Nâm N’Đir chiều dài khoảng 120m, rộng 18m, sạt 1 phần đất phía dưới đường giao thông trục chính nội đồng; điểm thứ hai tại cánh đồng Đắk Pri xã Đức Xuyên chiều dài 90m đã sạt sát mép đường bê tông nội đồng; điểm thứ ba tại thôn Đắk Tân xã Đắk Nang (sạt lở bờ suối Đắk Nang) chiều dài 1.200m (2 bên).
Mới đây nhất (ngày 24 và 25/10), tại điểm sạt lở cũ của bờ sông Krông Nô (đoạn qua xã Nâm N'đir) lại tiếp tục sạt lở thêm 95m, nâng chiều dài đoạn sạt lở lên 205m và lấn sâu vào bờ nên đã làm sạt lở 30m đường bê tông xuống sông. Ước tính, có hàng ngàn m3 đất và hơn 100 cây cà phê của người dân bị sạt trôi xuống sông.
Ông Võ Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông cho biết, đã chỉ đạo huyện Krông Nô cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, khuyến cáo người dân không tiếp cận để đảm bảo an toàn.
Đồng thời, sở cũng đã lập đoàn đi kiểm tra, đánh giá sơ bộ nguyên nhân dẫn đến tình hình sạt lở. Trong đó, xác định có một số nguyên nhân như: Do tình trạng khai thác cát; do hoạt động của các nhà máy thủy điện; do quy luật dòng chảy và do địa chất bờ sông yếu, chủ yếu là đất pha cát.
Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông đã mời các đơn vị, doanh nghiệp liên quan về làm việc, đối thoại với người dân và đưa ra phương án khắc phục, hỗ trợ người dân bị thiệt hại.
Về quản lý lưu vực sông lâu dài, theo ông Minh, cần có sự tham gia đánh giá của các bộ, ngành để mỗi lần những sự cố sạt lở có thể xác định rõ trách nhiệm của những đơn vị, doanh nghiệp có liên quan.
Về giải pháp lâu dài, theo ông Minh, tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì đánh giá lại việc bồi lắng cũng như sạt lở lòng sông.