Nguyên nhân Tasco chọn đối tác từ Trung Quốc cho dự án lắp ráp ô tô 168 triệu USD
Chủ tịch HĐQT Vũ Đình Độ cho biết, Tasco không chọn Trung Quốc một cách ngẫu nhiên và tin rằng đây sẽ là quốc gia giữ vai trò dẫn dắt ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Chiều ngày 26/5, CTCP Tasco (HNX: HUT) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 tại Thành phố Hà Nội với sự tham dự của 93 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 741,2 triệu cổ phần, chiếm 83,04% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Tasco chọn đi buôn trước khi xây nhà máy
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tasco trong năm 2025 là tập trung triển khai dự án lắp ráp ô tô trong nước (CKD) để phục vụ thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu sang các quốc gia có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
CKD là dự án lắp ráp trong nước với linh kiện được nhập khẩu của liên doanh Tasco và Tập đoàn Geely (Trung Quốc), có công suất thiết kế đạt 75.000 xe/năm cho giai đoạn 1, quy mô diện tích đất 30ha. Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến ở mức 168 triệu USD, trong đó Tasco sẽ góp vốn đầu tư 64% và Geely sẽ góp vốn 36%.
Theo kế hoạch, liên doanh sẽ bước đầu lắp ráp các dòng xe thuộc thương hiệu Lynk & Co và Geely Auto, trong tương lai có thể mở rộng lắp ráp các thương hiệu xe khác.
Tại Đại hội, ông Phạm Văn Dũng – Chủ tịch HĐQT Tasco Auto cho biết, nhà máy này sẽ phục vụ cả thị trường nội địa và xuất khẩu sang các quốc gia có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, đặc biệt là các nước ASEAN, Đông Âu, Nam Mỹ và Trung Đông.
"Dự kiến, dự án sẽ khởi công trong năm 2025 và bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường vào năm 2026. Bên cạnh nhà máy, chúng tôi cũng đang xúc tiến hợp tác với các nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong nước nhằm nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, phục vụ mục tiêu xuất khẩu lâu dài", người đứng đầu Tasco Auto cho hay.
Hiện tại, Tasco đang phân phối các thương hiệu như Volvo, Lynk & Co. Các thương hiệu này đang trong giai đoạn xây dựng thị trường, làm tiền đề để khi nhà máy CKD đi vào hoạt động, sản phẩm có thể đạt đột phá về sản lượng và sức cạnh tranh.
Về nguyên nhân Tasco lựa chọn đối tác từ Trung Quốc trong liên doanh và chiến lược triển khai, ông Vũ Đình Độ - Chủ tịch HĐQT Tasco nhận định, nếu nhìn lại lịch sử ngành ô tô, 50 năm trước là thời kỳ thăng hoa của Nhật Bản, 20 năm trước là sự trỗi dậy của Hàn Quốc.
Còn trong 20 năm tới, Tasco tin rằng Trung Quốc sẽ là quốc gia giữ vai trò dẫn dắt ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, nhờ vào lợi thế cạnh tranh ngày càng rõ nét về công nghệ, quy mô sản xuất và chuỗi cung ứng.
"Chúng tôi không chọn Trung Quốc một cách ngẫu nhiên, mà lựa chọn một đối tác quốc tế nhất trong số các doanh nghiệp Trung Quốc, có năng lực toàn cầu, danh mục sản phẩm đa dạng, và đã hiện diện tại nhiều thị trường lớn", ông Vũ Đình Độ nhấn mạnh.
Việt Nam cũng có lợi thế địa lý gần Trung Quốc, là điểm trung chuyển lý tưởng trong chuỗi cung ứng, giúp tăng tốc độ và hiệu quả trong sản xuất, xuất khẩu, đặc biệt là sang thị trường ASEAN.
Về chiến lược triển khai, Tasco lựa chọn làm phân phối và bán lẻ trước khi đầu tư nhà máy, ưu tiên kiểm nghiệm phản ứng thị trường thực tế xem dòng xe nào phù hợp, được ưa chuộng rồi mới quyết định đầu tư sản xuất.
"Cách làm này giúp giảm rủi ro chọn nhầm sản phẩm và tối ưu hóa hiệu quả đầu tư. Phải đi buôn trước khi đầu tư để lựa chọn đúng, tránh đi vào lối mòn sản xuất trước mà không biết có bán được hay không", Chủ tịch HĐQT Tasco nói.
Không lập thương hiệu ô tô riêng
Tại Đại hội, ông Vũ Đình Độ cho rằng Tasco đang bước vào giai đoạn khởi đầu của một "kỷ nguyên mới", nơi chưa phải lúc để nghĩ tới việc gặt hái thành quả, mà cần tập trung lập kế hoạch và hành động quyết liệt.
Ông Độ đánh giá, thị trường ô tô Việt Nam đang bước vào một giai đoạn cạnh tranh vô cùng đặc biệt, có thể nói là đặc biệt nhất thế giới.
Theo đó, Việt Nam là nơi hội tụ cả các ông lớn lâu đời từ Nhật Bản, Hàn Quốc lẫn các thương hiệu xe Trung Quốc như Geely, BYD – những cái tên đang vươn lên mạnh mẽ không chỉ ở khu vực mà cả trên toàn cầu.
Ngoài ra, thị trường ô tô Việt Nam còn có sự tham gia của các nhà sản xuất nội địa, khiến cuộc chơi càng thêm gay gắt.
Đối với Tasco, ông Độ khẳng định chiến lược trọng tâm của công ty là "tích hợp theo chiều dọc", thay vì phát triển xe mang thương hiệu riêng. Điều này có nghĩa rằng "Tasco chỉ chọn làm những gì phục vụ trực tiếp trải nghiệm của khách hàng từ đầu đến cuối, từ thượng nguồn đến hạ nguồn".
"Chúng tôi không có ý định tạo ra một thương hiệu xe riêng của Tasco Auto. Chúng tôi đi theo hướng hợp tác công nghệ với các đối tác như Geely", ông Độ nói.
Theo Chủ tịch Tasco, thượng nguồn nghĩa là công nghệ, là khâu thiết kế, sản xuất xe cùng các tập đoàn lớn thay vì tự phát triển nội bộ. Trong khi đó, hạ nguồn là mọi dịch vụ mà người sử dụng ô tô cần hàng ngày như sửa chữa, bảo dưỡng, thậm chí cả rửa xe.
"Tôi không ngại việc hôm nay bán một chiếc Volvo, ngày mai lại đi xây hệ thống rửa xe, bởi rửa xe chính là một điểm chạm quan trọng với khách hàng", lãnh đạo Tasco nêu quan điểm.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của Tasco.
Một nội dung quan trọng khác tại ĐHĐCĐ là việc bầu ông Ngô Đức Vũ - Chủ tịch CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico, HoSE: SVC) vào Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2027 của Tasco.
Ông Ngô Đức Vũ sinh năm 1976, có trình độ Thạc sĩ. Ông được bổ nhiệm vào HĐQT Savico từ giữa tháng 10/2024, và trở thành Chủ tịch HĐQT Savico từ ngày 22/10/2024, thay thế ông Vũ Đình Độ.
Hiện ông Ngô Đức Vũ còn đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư ngành nước DNP, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP DNP Holding, Thành viên HĐQT CTCP Đô thị Ninh Hòa.
Như vậy, hiện HĐQT Tasco có 8 thành viên, bao gồm Chủ tịch HĐQT Vũ Đình Độ, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Hồ Việt Hà, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Minh, Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Danh Hiếu; các Thành viên HĐQT gồm bà Phan Thị Thu Thảo, bà Đàm Bích Thủy, ông Bùi Quang Bách và ông Ngô Đức Vũ.