Nguyên nhân thảm họa đường sắt Ấn Độ

Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ cho biết vụ đâm tàu kinh hoàng ở miền Đông Ấn Độ khiến hơn 300 người thiệt mạng là do lỗi hệ thống tín hiệu khiến tàu chuyển sai đường ray.

 Các nhân viên cứu hộ khẩn trương tìm kiếm người sống sót sau thảm họa đường sắt tại Ấn Độ. Ảnh: AP.

Các nhân viên cứu hộ khẩn trương tìm kiếm người sống sót sau thảm họa đường sắt tại Ấn Độ. Ảnh: AP.

“Người chịu trách nhiệm và nguyên nhân vụ tai nạn sẽ được công bố sau một cuộc điều tra”, Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ Ashwini Vaishnaw nói trong một cuộc phỏng vấn, AP đưa tin ngày 4/6.

Lời giải thích được đưa ra khi nhà chức trách Ấn Độ khẩn trương tìm kiếm người sống sót và dọn dẹp đống đổ nát của hai đoàn tàu chở khách bị trật bánh vào tối 2/6 tại Balasore, bang Odisha.

Đây là một trong những vụ tai nạn đường sắt tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.

Hãng thông tấn Press Trust of India trước đó đưa tin các cuộc điều tra sơ bộ cho thấy một tín hiệu đã chỉ dẫn tàu Coromandel Express đi vào tuyến đường ray chính, nhưng tín hiệu sau đó đã bị tắt. Đoàn tàu đi vào một tuyến đường vòng và đâm vào một đoàn tàu chở hàng đậu ở đó.

Vụ tai nạn xảy ra vào thời điểm Thủ tướng Narendra Modi đang tập trung hiện đại hóa mạng lưới đường sắt có từ thời thuộc địa Anh. Bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm cải thiện an toàn đường sắt, hàng trăm vụ tai nạn xảy ra mỗi năm trên đường sắt Ấn Độ.

Thủ tướng Narendra Modi ngày 3/6 đã tới hiện trường, nói chuyện với các nhân viên cứu hộ và thị sát đống đổ nát. Ông cũng đến thăm các nạn nhân đang điều trị tại bệnh viện.

Ông Vaishnaw tuyên bố gia đình của những người thiệt mạng sẽ nhận được một triệu rupee (12.000 USD), trong khi những người bị thương nặng sẽ nhận được 200.000 rupee và 50.000 rupee cho những người bị thương nhẹ. Chính quyền một số bang cũng đã công bố tiền hỗ trợ, Reuters đưa tin.

Hầu hết vụ tai nạn tàu hỏa ở Ấn Độ do lỗi của con người hoặc thiết bị tín hiệu lỗi thời. Vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng nhất ở Ấn Độ xảy ra vào năm 1981, khi một đoàn tàu lao khỏi cầu xuống một con sông ở bang Bihar, khiến khoảng 800 người thiệt mạng.

Tuấn Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguyen-nhan-tham-hoa-duong-sat-an-do-post1436989.html