Nguyên nhân Trung Quốc muốn EU tham gia đàm phán hòa bình ở Ukraine

Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài, Trung Quốc bất ngờ thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) tham gia đàm phán hòa bình. Động thái này không chỉ phản ánh lập trường ngoại giao của Bắc Kinh mà còn có thể ẩn chứa những toan tính chiến lược sâu xa.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (thứ 3, trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị (thứ 2, phải) tại cuộc gặp ở Johannesburg, Nam Phi ngày 20/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (thứ 3, trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị (thứ 2, phải) tại cuộc gặp ở Johannesburg, Nam Phi ngày 20/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Đài phát thanh Quốc tế Đức Deutsche Welle, trong khi Mỹ và Nga đang tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp về cuộc xung đột ở Ukraine, Trung Quốc lại bày tỏ mong muốn Liên minh châu Âu (EU) có vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình tại quốc gia Đông Âu này. Động thái trên không chỉ phản ánh chiến lược ngoại giao của Bắc Kinh mà còn hé lộ những toan tính địa chính trị sâu xa.

Trung Quốc kêu gọi đa phương hóa đàm phán

Tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC), Đại sứ Trung Quốc Fu Cong đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa EU vào bàn đàm phán. Ông này cho rằng, vì cuộc xung đột diễn ra trên đất châu Âu, nên EU cần đóng vai trò tích cực trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình. Điều này dường như trái ngược với lập trường của Nga, đối tác chiến lược hàng đầu của Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov thậm chí đã bác bỏ vai trò của EU, cho rằng khối này không cần thiết trong các cuộc đàm phán.

Theo nhà quan sát chính trị Kan Quanqiu tại Bắc Kinh, động thái của Trung Quốc nhằm ngăn chặn việc châu Âu bị cô lập. Ông Kan cho rằng, Nga đang tìm cách đạt được thỏa thuận nhanh chóng với Mỹ, bỏ qua EU và Ukraine. Một thỏa thuận song phương như vậy có nguy cơ làm đảo lộn hệ thống an ninh quốc tế vốn đã tồn tại từ thời Chiến tranh Lạnh.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc nhận thức rõ rằng EU là một cực quan trọng trong trật tự thế giới đa cực. Tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) 2025, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã khéo léo định vị Bắc Kinh như một đối tác đáng tin cậy của châu Âu. Ông nhấn mạnh rằng Trung Quốc chiếm 20% chi tiêu của Liên hợp quốc, tuân thủ đầy đủ Thỏa thuận Khí hậu Paris, và ủng hộ chủ nghĩa đa phương thực sự. Thông điệp này nhằm lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại khi chuyển sang chủ nghĩa biệt lập dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, các chuyên gia như Stephan Bierling tại Đại học Regensburg cho rằng tuyên bố của Trung Quốc cho thấy nước này đang tìm cách bảo vệ lợi ích của mình trong khi thúc đẩy ảnh hưởng toàn cầu.

Về phần mình, chuyên gia về châu Á Angela Stanzel từ Viện các vấn đề quốc tế và an ninh Đức (SWP) nhận định rằng Trung Quốc đang tận dụng sự rạn nứt trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Nếu Mỹ giảm hỗ trợ cho Ukraine dưới thời chính quyền Trump, Bắc Kinh sẽ coi đây là cơ hội để thúc đẩy các nước châu Âu hướng tới quyền tự chủ chiến lược, xa rời Washington và cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Trong khi đó, nhà kinh tế học Wang Huiyao, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa, dự đoán rằng trong trật tự thế giới tương lai, sẽ hình thành một tam giác quyền lực giữa Mỹ, EU và Trung Quốc. Ông cho rằng, EU có thể đóng vai trò cân bằng giữa hai siêu cường này, vốn tạo ra cơ hội hợp tác mới nhưng cũng phát sinh nhiều thách thức lớn.

Tuy nhiên, để đạt được điều này, EU cần xác định rõ lợi ích chiến lược của mình và phát triển các công cụ đảm bảo khả năng hành động độc lập. Các chuyên gia Sascha Lohmann và Johannes Thimm từ SWP nhấn mạnh rằng, khi Mỹ không còn là "đối tác tự nhiên", châu Âu cần chủ động hơn trong việc định hình tương lai của mình.

Có thể nói, việc Trung Quốc kêu gọi EU tham gia đàm phán hòa bình ở Ukraine không chỉ là một nước đi ngoại giao tinh tế mà còn phản ánh mục tiêu địa chính trị của Bắc Kinh. Trong bối cảnh quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang có dấu hiệu rạn nứt, Trung Quốc đang tìm cách lấp đầy khoảng trống quyền lực và củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế. Đối với EU, đây vừa là cơ hội để khẳng định vai trò độc lập, vừa là thách thức trong việc cân bằng quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo dw.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nguyen-nhan-trung-quoc-muon-eu-tham-gia-dam-phan-hoa-binh-o-ukraine-20250224161822744.htm