Nguyên nhân và cách thức ứng phó khi các ngân hàng sụp đổ ở Mỹ: Những góc nhìn khác nhau
Sự kiện SVB sụp đổ, những học giả hàng đầu thế giới khá đồng thuận khi cho rằng đây là một thất bại của các cơ quan quản lý và chia sẻ với quyết định đảm bảo toàn bộ các khoản tiền gửi. Tuy nhiên, về hậu quả dài lâu của quyết định này thì cha đẻ của lý thuyết về bất cân xứng thông tin có quan điểm trái ngược với nhiều tên tuổi khác…Việc nới lỏng các quy định trong bảo đảm hoạt động của các ngân hàng vào năm 2018 được xem là một nguyên nhân chính dẫn đến trục trặc hiện nay.Cho dù phê bình và chỉ ra hậu quả có thể xảy ra của quyết định đảm bảo toàn bộ tiền gửi, nhưng quan điểm chung của giới nghiên cứu và phân tích khi ở trong vai của người ra quyết định cho rằng đó là lựa chọn không thể không làm.Bất cân xứng thông tin và hệ quả
Ngày 10-3-2023, Ngân hàng SVB bị Chính phủ Mỹ đóng cửa và tiếp quản khi người gửi tiền rút tiền hàng loạt vì lo sợ ngân hàng này vỡ nợ. Ba ngày sau, ngân hàng Signature cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Lo ngại hiệu ứng lây lan, người dân đồng loạt đến các ngân hàng rút tiền gây sụp đổ hệ thống, ngày 12-3-2023, Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương (Fed) và Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi (FDIC) của Mỹ đã ra thông cáo chung đảm bảo toàn bộ các khoản tiền gửi tại hai ngân hàng trên. Tình trạng đổ xô đi rút tiền đã không xảy ra.
Tuy nhiên, đám cháy vẫn đang lan. Ở Mỹ, ngày 16-3-2023, một nhóm 11 ngân hàng lớn đã gửi 30 tỉ đô la Mỹ để trợ giúp Ngân hàng First Republic tránh phải đóng cửa, nhưng ngày 17-3-2023 cổ phiếu của ngân hàng này vẫn giảm nghiêm trọng. Ở châu Âu, Credit Suisse – ngân hàng lừng danh một thời với giá thị trường lúc đỉnh điểm lên đến gần 75 tỉ đô la của Thụy Sỹ đã về tay ngân hàng UBS với giá chỉ 3,25 tỉ đô la.
Sự kiện trên có thể mổ xẻ từ nhiều khía cạnh khác nhau. Do vậy, đây là lúc trăm hoa đua nở của giới nghiên cứu và phân tích.
Đồng thuận về thất bại của các cơ quan quản lý
Việc nới lỏng các quy định trong bảo đảm hoạt động của các ngân hàng vào năm 2018 được xem là một nguyên nhân chính dẫn đến trục trặc nêu trên. Dưới đây là một số ý kiến (xếp theo thứ tự ABC).
William A. Galston, học giả cao cấp tại Viện Brookings, nguyên Hiệu trưởng Trường Chính sách công của Đại học Maryland viết trên Wall Street Journal: “Ở một mức độ nào đó, đây là câu chuyện về quản lý tồi… Nhưng có một câu chuyện đằng sau câu chuyện này… Trước khi sụp đổ, giám đốc điều hành của nó đã vận động hành lang để nới lỏng các cải cách Dodd-Frank, gây rủi ro cho sự ổn định tài chính. Một thống đốc của Fed khi đó là Lael Brainard, hiện là Kinh tế trưởng của Tổng thống Joe Biden, đã tuyên bố rằng bằng cách vượt quá các yêu cầu của các sửa đổi năm 2018, Fed đang đặt sự ổn định trong tương lai của hệ thống tài chính vào tình thế rủi ro. Bà ấy đã thua trong trận chiến đó, tạo tiền đề cho sự sụp đổ gần đây của ba ngân hàng cỡ vừa và có thể là mối đe dọa đối với nhiều ngân hàng khác”.
Paul Krugman – chủ nhân của giải Nobel kinh tế năm 2008 viết trên New York Times: “Sự sụp đổ có lẽ đã không xảy ra nếu ngành tài chính ngân hàng không thành công trong việc vận động chính quyền Donald Trump và Quốc hội nới lỏng các quy định mà khi đó Lael Brainard, người vừa trở thành Kinh tế trưởng của Tổng thống Joe Biden, đã lên án gay gắt”.
Joe Stiglitz cha đẻ của lý thuyết bất cân xứng thông tin và được trao giải Nobel kinh tế về vấn đề này năm 2001 viết trên Project-Syndicate: “SVB cho thấy nhiều thứ hơn là sự thất bại của một ngân hàng đơn lẻ. Đó là những thất bại thảm hại trong việc quản lý, giám sát và thực thi chính sách tiền tệ”.
Larry Summers, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, Chủ tịch Đại học Harvard, trả lời trên Harvard Gazette: “Đây là một thất bại nghiêm trọng về quản lý và giám sát… Thật không may, vào năm 2018,… đã hủy bỏ một số thay đổi quan trọng đã được đưa ra, có tác dụng nới lỏng các bài kiểm tra căng thẳng (stress test) và nới lỏng các yêu cầu đối với các ngân hàng cỡ trung bình… Chúng ta sẽ nhìn lại và xem những chính sách đó là sai lầm nghiêm trọng, mặc dù một số phần trong số chúng đã được Quốc hội soạn thảo thành luật với sự ủng hộ hợp lý của lưỡng đảng”.
Martin Wolf, Kinh tế trưởng của Financial Times: “Sự thất bại của SVB cho thấy có những lỗ hổng trong cơ chế quản lý của Mỹ. Đó không phải là tai nạn. Đó là những gì các nhà vận động hành lang kêu gọi: loại bỏ các quy định phiền phức, họ đã kêu gọi, và chúng tôi sẽ mang đến những điều kỳ diệu về tăng trưởng”.
Quan điểm khác nhau về khả năng xảy ra rủi ro đạo đức
Joe Stiglitz: “Một số người sẽ nói rằng việc giải cứu người gửi tiền của SVB sẽ dẫn đến “rủi ro đạo đức”. Chẳng có lý chút nào cả. Các trái chủ và cổ đông của ngân hàng vẫn gặp rủi ro nếu họ không giám sát các nhà quản lý đúng cách. Người gửi tiền thông thường không thể quản lý rủi ro; họ chỉ có thể dựa vào các cơ quan quản lý để đảm bảo rằng nếu một tổ chức tự gọi mình là ngân hàng, thì phải có đủ khả năng trả lại những khoản tiền gửi tiết kiệm”.
William A. Galston: “Một số nhà quan sát lo ngại rằng quyết định bỏ qua mức trần 250.000 đô la đối với tiền gửi được bảo hiểm có thể tạo ra áp lực không thể cưỡng lại để bảo hiểm toàn bộ tiền gửi bất kể số tiền là bao nhiêu. Điều này sẽ làm suy yếu mục đích của giới hạn, đó là khuyến khích những người gửi tiền lớn giám sát hành vi của các ngân hàng của họ và buộc hệ thống phải tuân theo kỷ luật thị trường. Nhiều người lập luận rằng một sự bảo đảm hoàn toàn là một sự mời gọi đến sự vô trách nhiệm. Điều này có thể đúng”.
Paul Krugman: “Trong ngân hàng, bảo hiểm tiền gửi có nghĩa là người gửi tiền không có lý do gì phải lo lắng về việc ngân hàng sử dụng tiền của họ như thế nào. Điều này lại tạo ra động cơ cho các ngân hàng tham gia vào các hành vi xấu, chẳng hạn như thực hiện các khoản cho vay có rủi ro cao nhưng lãi suất cao. Nếu các khoản vay trả hết, ngân hàng kiếm được rất nhiều tiền; nếu không, chủ sở hữu chỉ cần bỏ đi… Vấn đề là, không có gì mới cả, việc bảo lãnh người gửi tiền tạo ra rủi ro đạo đức”.
Kenneth Rogoff, Giáo sư kinh tế và chính sách của Đại học Harvard, nguyên Kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) viết trên Financial Times: “Chúng ta cứ để rủi ro đạo đức cho mai sau”.
Chia sẻ với nhà quản lý
Cho dù cho rằng quyết định của Chính phủ Mỹ có thể gây ra rủi ro đạo đức về sau, nhưng đó là quyết định cần thiết để ngăn ngừa rủi ro hệ thống. Nói cách khác, cho dù phê bình và chỉ ra hậu quả có thể xảy ra của quyết định đảm bảo toàn bộ tiền gửi, nhưng quan điểm chung của giới nghiên cứu và phân tích khi ở trong vai của người ra quyết định cho rằng đó là lựa chọn không thể không làm.
William A. Galston: “Quyết định của Chính phủ liên bang về đảm bảo tiền gửi không được bảo hiểm, đòi hỏi phải có hai phần ba phiếu bầu của hội đồng quản trị của cả Fed và FDIC, đặt ra một số câu hỏi khó. Thực hiện bước này yêu cầu các quan chức liên bang xác định rằng hệ thống tài chính phải đối mặt với “rủi ro hệ thống”. Có lý do để tự hỏi liệu sự sụp đổ của một số ngân hàng hạng trung có thực sự gây ra mối đe dọa như vậy hay không, mặc dù có thể hiểu rằng các cơ quan quản lý không thích rủi ro. Với hệ thống tài chính đã lỗ 620 tỉ đô la, sự lây lan của nỗi sợ hãi có thể lan rộng khắp hệ thống với kết quả thảm khốc.
Paul Krugman: “Tôi hiểu logic: Nếu tôi là nhà hoạch định chính sách, tôi sẽ miễn cưỡng để SVB thất bại, chỉ bởi vì mặc dù nó có thể sẽ không gây ra một cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn, nhưng người ta không thể hoàn toàn chắc chắn và những rủi ro khi phạm sai lầm. Rủi ro của việc làm quá nhiều nhỏ hơn nhiều so với làm quá ít”.
Kenneth Rogoff: “Không nghi ngờ gì các quyết định dứt khoát của các nhà lãnh đạo tài chính nhằm ngăn chặn xảy ra rủi ro hệ thống”.
Tóm lại, phân tích nguyên nhân của những gì đã xảy ra và kịch bản có thể xảy ra với các chính sách thường đưa ra những kết quả khác nhau vì thường không có các lý thuyết giải thích được các vấn đề một cách rốt ráo và thông tin thường không đầy đủ. Tuy nhiên, ở đây có hai vấn đề có thể rút ra. Thứ nhất, việc tranh luận với những quan điểm hay góc nhìn khác nhau là hết sức quan trọng. Thứ hai, khả năng đưa ra các quyết định hợp lý của các nhà hoạch định chính sách phụ thuộc vào kiến thức của chính họ và sự hiểu biết chung của toàn xã hội, trong đó vai trò của giới nghiên cứu và phân tích là đáng kể.
Bất cân xứng thông tin là tình trạng một bên có nhiều thông tin hơn trong các giao dịch và có những hành động gây bất lợi cho bên kia. Có hai hệ quả của bất cân xứng thông tin là lựa chọn ngược (adverse selection) và rủi ro đạo đức (moral hazard).
Lựa chọn ngược xảy ra do thông tin bị che đậy. Ví dụ, chỉ những người có tiềm ẩn bệnh tật mới mua bảo hiểm sức khỏe là một ví dụ điển hình của tình trạng này. Đối với hoạt động ngân hàng, khi lãi suất bị đẩy lên quá cao, chỉ những người đầu tư vào những dự án rủi ro mới vay vốn làm cho vòng xoáy rủi ro và lãi suất tiếp tục tăng cao dẫn đến sụp đổ ngân hàng.
Rủi ro đạo đức xảy ra do hành vi bị che đậy. Ví dụ điển hình nhất là người đã được bảo hiểm mất trộm xe sẽ bất cẩn hơn vì nếu mất thì tổ chức bảo hiểm sẽ trả. Người ủy quyền và người thừa hành là một dạng của rủi ro đạo đức. Những người điều hành ngân hàng được trả lương để tạo ra lợi nhuận cao và rủi ro thấp cho các cổ đông, nhưng họ không quan tâm đến rủi ro của cả ngân hàng mà chỉ đầu tư vào những hoạt động mang lại lợi nhuận trước mắt để được chia thưởng.