Nguyên nhân virus gây đậu mùa khỉ đột biến

Các nhà nghiên cứu tại Viện Y tế Quốc gia Doutor Ricardo Jorge (Bồ Đào Nha) cùng một đồng nghiệp ở Trường Đại học Lusófona đã phát hiện, virus đậu mùa khỉ đang phát triển với tốc độ nhanh hơn dự kiến.

Trong bài báo đăng trên tạp chí Nature Medicine, các nhà khoa học mô tả nghiên cứu di truyền của họ về loại virus được thu thập từ 15 mẫu.

Bệnh đậu mùa khỉ là một loại virus DNA sợi đôi từ cùng một chi với bệnh đậu mùa. Bệnh đậu mùa khỉ thường xuất hiện nhiều ở châu Phi. Các nhà khoa học đã biết về sự tồn tại của căn bệnh này từ những năm 1950.

Khác với tên gọi, loại virus này thường được tìm thấy ở loài gặm nhấm hơn là khỉ. Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, có hai loại bệnh đậu mùa khỉ chính: Tây Phi và Congo. Nghiên cứu trước đó cũng cho thấy, các loại virus như bệnh đậu mùa khỉ thường chỉ đột biến một hoặc hai lần trong một năm nhất định.

Vừa qua, các nhà nghiên cứu đã thu thập mẫu từ 15 bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. Sau đó, nhóm nghiên cứu phân tích gen của những mẫu này, nhằm tìm hiểu thêm về tốc độ phát triển của virus. Họ phát hiện, virus đã đột biến với tốc độ cao gấp 6 - 12 lần so với dự kiến.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, tốc độ đột biến tăng nhanh đột ngột này có thể là dấu hiệu cho thấy, virus đã phát triển một cách mới để lây nhiễm sang người. Hiện tại, virus được cho là di chuyển từ người sang người thông qua tiếp xúc gần với các vết thương hở, chất dịch cơ thể hoặc bởi các giọt nhỏ trong không khí.

Khi nghiên cứu các đột biến, nhóm nhà khoa học đã tìm thấy những dấu hiệu cho thấy, một số đột biến có thể là do tiếp xúc với hệ thống miễn dịch của con người, đặc biệt là các enzyme thuộc loại APOBEC3.

Những enzyme loại này tiêu diệt virus bằng cách kích động các sai lầm trong quá trình sao chép mã di truyền. Nếu sống sót sau cuộc tấn công như vậy và di truyền gen của chúng, virus sẽ giúp các thế hệ tương lai chống lại hệ thống miễn dịch của con người. Điều đó có thể giải thích tại sao virus biến đổi nhanh hơn dự kiến.

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý, virus có thể đã lưu hành ở mức độ thấp trong các cộng đồng người hoặc lây lan giữa các loài động vật ở những quốc gia khác. Họ cũng lưu ý rằng, tốc độ tiến hóa tăng có thể là phản ứng đối với chiến dịch “đàn áp” trong đợt bùng phát bệnh đậu mùa ở khỉ vào năm 2017.

Theo MedicalXpress

Kim Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguyen-nhan-virus-gay-dau-mua-khi-dot-bien-post599028.html