Nguyên nhân xe ô tô mất lái và cách xử lý an toàn

Việc không thể kiểm soát tay lái và điều khiển vô lăng theo hướng mong muốn, hay còn gọi là xe mất lái, là tình huống rất nguy hiểm khi ô tô đang tham gia giao thông. Vậy nguyên nhân và cách xử lý như thế nào cho an toàn khi bị mất lái.

1. Nguyên nhân xe mất lái là gì?

Xe bị mất lái có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, khách quan lẫn chủ quan.

- Nguyên nhân khách quan: Xảy ra tình trạng mất lái có thể do các bộ phận kỹ thuật của xe bị hư hỏng như nổ lốp, chi tiết của hệ thống lái bị hỏng, kẹt phanh, bánh xe bị lệch,… Ngoài ra, điều kiện thời tiết không thuận lợi như đường mưa trơn trượt, đường bị xuống cấp hư hỏng nặng,... cũng có thể khiến tài xế không kiểm soát được tay lái.

- Nguyên nhân chủ quan: Không ít trường hợp xe bị mất lái do lỗi điều khiển của tài xế. Người điều khiển xe trong trạng thái không tỉnh táo, buồn ngủ, mất tập trung hoặc chưa có nhiều kỹ năng lái xe thường khiến việc kiểm soát tay lái trở nên khó khăn hơn khi xảy ra sự cố.

2. Cách xử lý an toàn khi xe mất lái

Khi ô tô bị mất lái, tài xế càng hoảng loạn thì càng khó xử lý tình huống. Vì vậy điều quan trọng cần làm là cố gắng giữ bình tĩnh. Sự bình tĩnh giúp người điều khiển xe nắm bắt chính xác tình hình, từ đó đưa ra phán đoán tốt và xử lý tình huống khéo léo hơn.

Quan sát nếu thấy đoạn đường phía trước khô ráo, vắng xe, tài xế cần đạp phanh gấp để dừng xe ngay lập tức, đồng thời giữ tay lái một cách chắc chắn cho đến khi xe dừng hẳn. Cách xử lý này sẽ giúp hạn chế thương vong cho người lái và người ngồi trên ô tô, tuy nhiên việc phanh gấp có thể khiến xảy ra một số va chạm với xe phía sau. Nếu được, hãy bật đèn cảnh báo để báo hiệu cho các phương tiện xung quanh.

Nếu đoạn đường phía trước khá trơn, ướt, việc phanh đột ngột có thể khiến xe bị trượt dài. Thay vào đó, hãy rà phanh để duy trì kiểm soát hướng di chuyển, vì khi bánh bị khóa cứng, lực bám ngang không còn, xe sẽ bị văng đi. Nếu về số thấp và phanh bằng động cơ, xe sẽ vào vị trí an toàn hơn.

Trường hợp bị mất lái trên đoạn đường đông xe hoặc đường cao tốc, tài xế cần chú ý phát tín hiệu cảnh báo bằng đèn hoặc còi nhằm tạo cảnh báo cho các phương biệt khác. Đặc biệt, nếu mất lái khi di chuyển vào ban đêm, lái xe phải liên tục bật đèn cảnh báo sự cố, nháy đèn pha - cốt để gây sự chú ý. Đồng thời, hãy kết hợp giảm tốc, đảm bảo các phương tiện khác có thời gian di chuyển ra xa vùng nguy hiểm.

Bên cạnh việc quan sát và phán đoán tình hình, lái xe cần phối hợp nhịp nhàng khi thực hiện thao tác nhấp nhả phanh chân, phanh tay, về số để lấy lại quyền kiểm soát xe. Sau khi khoảng cách với các xe phía sau đã giãn ra, tài xế nên thực hiện phanh gấp kết hợp nắm tay lái dứt khoát để dừng xe an toàn.

3. Biện pháp phòng tránh tình trạng mất lái

Cầm vô lăng đúng cách, tư thế ngồi lái xe thoải mái để có thể xử lý linh hoạt trong mọi tình huống.

Chạy xe đúng tốc độ quy định, không phóng nhanh vượt ẩu gây nguy hiểm. Đặc biệt giữ khoảng cách an toàn với các xe đang di chuyển cùng chiều.

Giảm tốc độ trước khi chuẩn bị vào cua. Khi vào cua, cần giữ vững tay lái và hết sức cẩn thận. Không đạp ga tăng tốc quá sớm, giảm ga đột ngột hoặc phanh gấp khi đang giữa cua. Chỉ áp dụng kỹ thuật đánh vô lăng ô tô chéo tay khi chạy xe tốc độ thấp. Còn khi chạy xe tốc độ cao nên áp dụng kỹ thuật đánh lái kéo đẩy.

Khi chạy xe dưới thời tiết xấu, đường nhiều sương mù, đường mưa trơn trượt…người lái nhất định không được chủ quan. Bật đèn đúng quy định và giữ tốc độ chậm. Hạn chế phanh gấp.

Ngoài chú ý về kỹ thuật lái xe còn cần chú ý tình trạng của xe. Để đảm bảo xe hoạt động trơn tru, không bị gặp lỗi trục trặc cần đưa xe đi kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ về động cơ, hộp số, hệ thống lái, hệ thống treo xe, lốp xe…

Trong quá trình sử dụng xe, nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường, nhất là ở hệ thống lái như vô lăng bị rơ, xe bị nhao lái, lốp xe mòn không đều, đèn báo lỗi động cơ, đèn báo lỗi hộp số phát sáng…nên đưa xe đi kiểm tra sớm nhất.

Bảo Khánh (t/h)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguyen-nhan-xe-o-to-mat-lai-va-cach-xu-ly-an-toan-post257455.html