Nguyễn Phan Thảo Ðan: Giấc mơ phim hoạt hình
Ðan thổ lộ: Khi học lớp 4, cô đã biết mình muốn làm gì trong tương lai. 9 tuổi mơ làm phim hoạt hình. 17 năm sau, Nguyễn Phan Thảo Ðan vẫn nâng niu giấc mơ ấy. Ðan mơ một ngày nào đó, sẽ làm được một bộ phim hoạt hình chiếu tại rạp, mà, phải là rạp Việt, để phục vụ khán giả Việt. Ði muôn phương với những trải nghiệm cuộc sống phong phú, nhưng trái tim Thảo Ðan luôn hướng về đất mẹ.
Cảm hứng từ “huyền thoại” Miyazaki
Nguyễn Phan Thảo Đan, sinh năm 1995. Em gái cô chính là Nguyễn Phan Linh Đan, sinh năm 1996. Họ từng hợp tác tốt đẹp trong phim ngắn “Vô diện”, kể về hành trình của một cậu bé không tên đi tìm khuôn mặt của mình. Phim ngắn nhưng chạm tới trái tim khán giả, đặc biệt, khán giả trẻ. Bởi có bạn trẻ nào trước ngưỡng cửa vào đời, chưa từng đặt câu hỏi: Ta là ai? “Vô diện” là phim ngắn đầu tiên Nguyễn Phan Thảo Đan làm đạo diễn. Còn Nguyễn Phan Linh Đan giữ vai trò đạo diễn hình ảnh. “Vô diện” đã giành giải Cánh diều Vàng cho Phim ngắn xuất sắc nhất 2017. “Đứa con tinh thần” đầu tiên của Nguyễn Phan Thảo Đan cũng đã vinh dự lọt vào Góc phim ngắn của LHP Cannes 2018 và được trình chiếu tại nhiều LHP Quốc tế khác. Ở Việt Nam, khi “Vô diện” được tôn vinh tại giải Cánh diều, Thảo Đan vắng mặt bởi cô bận rộn với những dự án nghệ thuật ở Mỹ, không thể sắp xếp về nước.
Nguyễn Phan Thảo Ðan. Tranh: Kim Duẩn
Chênh nhau 1 tuổi, ngoài tình chị em ruột thịt, Nguyễn Phan Thảo Đan và Nguyễn Phan Linh Đan, còn như hai người bạn tâm đầu ý hợp. Cả hai chị em đều say mê sáng tạo nghệ thuật từ khi còn nhỏ. Họ cùng sở thích và năng khiếu vẽ, thường hay ngồi với nhau cả buổi để vẽ truyện tranh. Và chính từ những buổi vẽ truyện tranh, Nguyễn Phan Thảo Đan đã lờ mờ cảm nhận con đường mình sẽ theo đuổi. Đến khi cô được xem “đứa con tinh thần” của đạo diễn phim hoạt hình huyền thoại xứ Phù Tang Hayao Miyazaki thì con đường ấy đã hiện ra rõ ràng trước mắt: Khi lớn lên cô sẽ làm phim hoạt hình. Miyazaki từng ẵm giải Oscar Phim hoạt hình hay nhất với tác phẩm Spirited Away. Đan không nói rõ cô đã xem bộ phim hoạt hình nào của Miyazaki mà chỉ kể ấn tượng đọng lại trong cô mãnh liệt. Cô đã xem tác phẩm của Miyazaki nhiều lần, ở những độ tuổi khác nhau: Lần đầu, khi cô mới 9 tuổi. Lần thứ hai, khi cô hơn 10 tuổi. Lần thứ 3, khi cô đã ngoài 20 tuổi. Điều kỳ diệu đã tới với Đan, lần nào xem phim cô cũng thích và khám phá thêm những vẻ đẹp mới từ “đứa con tinh thần” của Miyazaki. Ai bảo phim hoạt hình chỉ hấp dẫn trẻ nhỏ, chỉ dành cho trẻ nhỏ? Đó là quan niệm hết sức sai lầm và tai hại. Chúng là một trong những nguyên nhân khiến phim hoạt hình ở ta không đủ sức bay cao, bay xa. Không dám mơ thành “tượng đài” như Miyazaki. Giấc mơ của Nguyễn Phan Thảo Đan: Một ngày nào đó, cô sẽ làm một bộ phim hoạt hình để chiếu ở rạp Việt Nam. Bao nhiêu năm tháng qua, cô đã kiên trì từng bước, từng bước biến ước mơ thành hiện thực.
Nguyễn Phan Thảo Ðan
Ði bằng đôi chân của mình
Nguyễn Phan Thảo Đan may mắn được sinh ra ở một gia đình có nhiều người thành công trong văn nghệ. Cha cô là đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình. Ông ngoại cô là nhà văn Ngô Thảo. Bà nội của cô là người dịch “Nỗi buồn chiến tranh” ra tiếng Anh đầu tiên, dịch giả Phan Thanh Hảo. Nhưng Nguyễn Phan Thảo Đan “thần tượng” cụ nội, mẹ của dịch giả Phan Thanh Hảo. Chính cụ nội đã dạy tiếng Pháp cho Đan. Một câu nói của cụ đã đi thẳng vào trái tim Đan: Hãy theo đuổi ước mơ của mình đến cùng. Cụ nội từng mơ ước trở thành một nhà văn nhưng cuộc sống đời thường cản trở, khiến giấc mơ của cụ bị dang dở. Đan đã có một giấc mơ và sẽ sống với giấc mơ ấy. Từ 5 tuổi đến hết cấp 3 Đan học ở Trường Quốc tế Pháp Lyceé Francais Alexandre Yersin d’Hanoi. Sau đó, Đan đến New York (Mỹ) theo học Khoa Hoạt hình và Kỹ xảo tại Đại học SVA, một trong những trường đại học nổi tiếng về làm phim hoạt hình. Trong quá trình học tập, Nguyễn Phan Thảo Đan luôn có tên trong danh sách những sinh viên xuất sắc của trường. Cô được nhận thực tập tại Framestore. Đây là một studio nổi tiếng đã sản xuất kỹ xảo cho những bộ phim đình đám của Hollywood như Harry Potter, Avatar, Avengers… Tại Framestore cô có cơ hội tham gia một số dự án quảng cáo và phim ngắn cho Gecko Geico. Sau khi ra trường, Đan ở lại New York và có những trải nghiệm thú vị. Cô tham gia nhiều dự án tại những studio nổi tiếng như Psyop, R/GA, Hornet Inc.
Nguyễn Phan Thảo Đan đã trở về Việt Nam một thời gian. Thời gian qua, Đan đã có dịp gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều bạn trẻ. Họ cùng chung tình yêu với phim hoạt hình như cô. Cô sẽ không cô đơn trên con đường hiện thực hóa giấc mơ. Con đường đi tới một bộ phim hoạt hình chiếu rạp còn xa, đầy chông gai, thứ thách, trước hết ở quan niệm của phần đa người Việt, phim hoạt hình là “món ăn” của trẻ con. Để làm phim hoạt hình chiếu rạp rất cần một nguồn tài chính dồi dào nhưng cô nói luôn, nhất quyết không dựa vào “bệ đỡ” gia đình. Cô thích đi bằng chính đôi chân của chính mình, cho dù đường đi báo hiệu gian nan.
Nguyễn Phan Thảo Ðan
Tôi nói với Đan, rằng: “Bạn quá may mắn. Bởi không ít bạn trẻ đã đánh rơi giấc mơ của mình trên hành trình mưu sinh”. Đan cười và thú nhận: Cô cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh ấy. Đó là những ngày đầu lập nghiệp ở New York. Đan phải một mình bươn chải để tồn tại giữa một thành phố thứ gì cũng đắt đỏ. Mưu sinh làm người ta lãng quên mơ ước, khát vọng. Nhưng rồi Đan cũng ổn định được cuộc sống, kéo giấc mơ trở lại.
Về “phe” thiệt thòi
Trên hành trình sáng tạo nghệ thuật của Đan, nếu để ý sẽ thấy, cô đặc biệt quan tâm tới những đối tượng bị thiệt thòi, hoặc dễ bị bắt nạt. 15 tuổi cô đã làm phim ngắn tài liệu về lao động trẻ em ở Việt Nam được phát trên sóng TV5Monde, một mạng lưới truyền hình toàn cầu, chủ yếu các chương trình sử dụng tiếng Pháp. Trong khoảng thời gian cộng tác với studio R/GA ở New York, Đan đã hợp tác với một xưởng phim hoạt hình để làm phim “Feeling Sad”, của đạo diễn Uri Lotan. “Feeling Sad” là phim ngắn hướng về trẻ em ung thư. Hay mới đây, tại Việt Nam, cô chia sẻ hạnh phúc khi được đóng góp một phần công sức của mình vào chiến dịch chống tin “vịt”, trong việc tiêm vắc xin COVID-19 cho những người nhiễm HIV. Nhờ clip có yếu tố hoạt hình nên vấn đề tưởng khô cứng, căng thẳng đã trở nên dễ tiếp nhận. Một chú vịt (hoạt hình) đặt ra hàng loạt câu hỏi, đó chính là những băn khoăn của người có HIV trong việc tiêm vắc xin. Thí dụ: Người có HIV tiêm vắc xin sẽ bị bệnh nặng hơn? Và bác sỹ đã giải đáp tất cả những băn khoăn ấy trên cơ sở khoa học.
Nguyễn Phan Thảo Ðan đặc biệt quan tâm tới những đối tượng bị thiệt thòi, hoặc dễ bị bắt nạt, trên hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình. 15 tuổi cô đã làm phim tài liệu ngắn về lao động trẻ em ở Việt Nam, được phát trên sóng TV5Monde, một mạng lưới truyền hình toàn cầu.
Đan giải thích rằng: Cô là người Việt Nam. Đất nước Việt Nam trải qua bao đau thương trong chiến tranh, vượt qua bao thiên tai, bão lũ, mới có ngày hôm nay. Sinh ra và lớn lên ở một đất nước như thế, tại sao không yêu thương, không sẻ chia với những người kém may mắn hay bị bắt nạt? Đan kể, khi cô được học ở ngôi trường nghệ thuật danh giá, nhìn xung quanh thấy ai cũng đa tài, họ vừa biết chơi nhạc, vừa biết vẽ tranh… Nhưng cô luôn thấy mình tự tin và nổi bật trong đám đông, bởi cô là người Việt Nam. Văn hóa Việt giúp Đan trở nên khác biệt.
Năm 2019, một chuyện buồn đổ xuống Đan. Cô bị mất thị lực ở một bên mắt. Trong căng thẳng và lo âu, Đan tự hỏi mình: Điều gì có ý nghĩa với cuộc đời cô? Cuối cùng, cô quyết định trở về nước, cô muốn tiếp tục con đường sáng tạo nghệ thuật ở Việt Nam. Đến nay, bóng tối của khủng hoảng tinh thần đã lùi xa, Nguyễn Phan Thảo Đan đang đi dần về phía giấc mơ của mình.
Luôn thèm ngủ
Để có cuộc trò chuyện với Nguyễn Phan Thảo Đan có khi khó hơn hẹn hò với một số “sao” của làng giải trí. Chẳng phải Đan “chảnh” mà cô ấy bận. Bận đến mức ngủ không đủ. Luôn có một thứ để Đan thèm, là ngủ. Nghệ sỹ sử dụng kỹ xảo, đạo diễn trẻ đang sống và làm việc tại Việt Nam, đồng thời vẫn tiếp tục những dự án ở nước ngoài. “Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng”, cô cười, giải thích. Trên trang cá nhân, cô vừa khoe một công việc cô vừa hoàn thành nhân kỷ niệm 100 năm của thương hiệu thời trang Gucci. Trước đó Đan bắt tay với Suboi, đạo diễn video cho album “No nê” của rapper. Đây là một video ấn tượng với bạn trẻ, như một “bài thơ trực quan” kết hợp hoạt hình, nghệ thuật số, hiệu ứng hình ảnh.
Tuy bận rộn tối ngày, song Đan vẫn dành cho mình chút ít thời gian thư giãn. Cô không làm thơ song lại mê thơ, nhất là thơ ca Pháp: “Hiện tại, tôi đang thích Ocean Vương, nhà thơ, tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Việt”, cô tiết lộ.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguyen-phan-thao-an-giac-mo-phim-hoat-hinh-post1406100.tpo