Nguyên phó chủ tịch Khánh Hòa: 'Thấy hồ sơ trên bàn, tôi ký thôi'
Trả lời HĐXX, bị cáo Đào Công Thiên nói rằng khi ký cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án trên núi Chín Khúc ông mới giữ chức phó chủ tịch tỉnh được 15 ngày.
Chiều 5/4, TAND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án Vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và biệt thự sông núi Vĩnh Trung, thuộc khu vực núi Chín Khúc.
Trong phiên xét xử buổi chiều, HĐXX tập trung xét hỏi bị cáo Đào Công Thiên - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - về tính pháp lý khi ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dự án rộng hơn 513 ha trên núi Chín Khúc cho Công ty Khánh Hòa làm dự án Cửu Long Sơn Tự.
Cho chuyển mục đích sử dụng đất trái luật
Theo cáo buộc, ngày 25/5/2015, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, nội dung đầu tư có mục tiêu trồng rừng và bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái trên diện tích 513,53 ha cho Công ty Khánh Hòa trên núi Chín Khúc.
Để thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Khánh Hòa tại văn bản số 6781 ngày 12/10/2015 về việc cho Công ty Khánh Hòa được chuyển mục đích sử dụng đất từ 0,75 ha đất thương mại dịch vụ sang đất ở lâu dài, ngày 23/10/2015, ông Võ Tấn Thái - nguyên Giám đốc Sở TN&MT - ký tờ trình 717 đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa điều chỉnh nội dung diện tích các loại đất, thời hạn sử dụng đất tại quyết định số 1690 ngày 30/6/2014.
Cụ thể, phần đất thương mại dịch vụ từ 5,23 ha giảm xuống còn 4,48 ha; 0,75 ha được điều chỉnh thành đất ở nông thôn theo mục đích, diện tích tại quyết định chủ trương đầu tư.
Ngày 23/10/2015, bị cáo Nguyễn Chiến Thắng - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - ký điều chỉnh 0,75 ha đất thương mại dịch vụ thành đất ở lâu dài trong dự án Khu biệt thự và du lịch sinh thái Đất Lành - Khu B của Công ty Khánh Hòa.
Đến ngày 25/12/2015, căn cứ tờ trình số 880 do bị cáo Võ Tấn Thái trình, ông Đào Công Thiên đã ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Khánh Hòa đối với diện tích 513,53 ha đất gồm: 107,31 ha đất trồng rừng, 370,98 ha đất khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ phục hồi rừng, 30 ha đất nông nghiệp khác, 4,48 ha đất thương mại và 0,75 ha đất ở nông thôn.
HĐXX cho rằng trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất từ năm 2011-2015 của tỉnh Khánh Hòa được phê duyệt theo Nghị quyết số 52 của Chính phủ xác định 0,75 ha đất ở nông thôn nêu trên được quy hoạch là đất đồi núi chưa sử dụng; 4,48 ha đất thương mại dịch vụ nêu trên được quy hoạch đất trồng rừng sản xuất là 1,2 ha và đất đồi núi chưa sử dụng là 3,28 ha.
Cơ quan tố tụng kết luận toàn bộ diện tích đất (hơn 513 ha) đã giao để thực hiện dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự đều thuộc khu vực quy hoạch đất trồng rừng sản xuất và đất đồi núi chưa sử dụng.
"Tôi chỉ nhận thiếu sót"
Tại tòa, bị cáo Đào Công Thiên phân trần trước khi về làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa giữ chức Bí thư Huyện ủy Cam Lâm. “Bị cáo vừa về làm Phó chủ tịch tỉnh được 15 ngày thì được giao phụ trách mảng môi trường nên không có thời gian nghiên cứu hồ sơ. Lúc đó tôi đi họp về, thấy trên bàn tôi ký thôi”, ông Thiên nói.
Bị cáo Thiên cũng cho rằng trước đó không hề biết dự án nào tên Cửu Long Sơn Tự và việc ký quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Khánh Hòa đúng quy trình thủ tục, trình tự.
"Hồ sơ này đi theo quy trình 1 cửa, trước khi hồ sơ đặt trên bàn tôi thì đã có 8 chữ ký từ cơ quan tham mưu, trong đó có Sở TN&MT, Văn phòng UBND tỉnh nên tôi ký. Họ có trách nhiệm giúp việc cho lãnh đạo tỉnh, nên khi họ trình lên chỉ nửa ngày sau tôi ký ngay", ông Thiên nói và cho biết bị cáo chỉ nhận thiếu sót trong phần này, ngoài ra không có vi phạm nào khác.
Khi HĐXX truy vấn việc lúc ký cấp giấy chứng đầu tư bị cáo có biết 370 ha là đất rừng và được giao trái pháp luật, bị cáo Thiên nói rằng lúc ký đó ông chưa thấy sai. "Giờ ngồi mổ xẻ ra mới thấy sai và đã cho thanh tra, kiểm tra lại. Sau thanh tra, chủ đầu tư có đơn xin trả lại 370 ha vì không có nhu cầu sử dụng, lúc đó bị cáo đã chỉ đạo tiếp nhận ngay”, ông Thiên nói.
Nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng vai trò bị cáo chỉ là ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn về vấn đề tài chính liên quan dự án là do Sở Tài chính và Cục thuế tỉnh tính toán.
Một lần nữa, bị cáo Thiên chỉ nhận bản thân có thiếu sót trong việc ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. "Cái nào tôi chưa đúng tôi nhận chứ không đổ thừa cho cán bộ cấp dưới nào cả", bị cáo Thiên nói.
HĐXX truy vấn bị cáo Thiên về trách nhiệm của bản thân khi ký cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Khánh Hòa, trong đó có mục miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích hơn 370 ha, trong khi việc này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng?
Bị cáo Thiên nói rằng việc này trách nhiệm chính vẫn là của Sở TN&MT, cụ thể là ông Võ Tấn Thái khi ký tờ trình 880 lên UBND tỉnh. "Hồ sơ rất nhiều nội dung, tôi già rồi nên không thể phân biệt được chữ 'miễn tiền sử dụng đất' hay 'không thu tiền sử dụng đất' trong đó được. Tôi nhận thiếu sót ở khâu này", bị cáo Thiên thừa nhận.
Tháng 3/2019, Zing có loạt bài phản ánh về các sai phạm khi UBND tỉnh Khánh Hòa giao, cấp phép cho Công ty TNHH sản xuất và xây dựng Khánh Hòa thực hiện 2 dự án trên núi Chín Khúc. Sau phản ánh, tháng 10/2019, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, rà soát hàng loạt các vấn đề các dự án khu vực núi Chín Khúc.
Ngày 8/6/2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố vụ án Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, xảy ra tại dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung, khu vực núi Chín Khúc.
Cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố bị can, thực hiện các lệnh khám xét chỗ ở và bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Chiến Thắng và ông Lê Đức Vinh. Các bị can Đào Công Thiên, Lê Mộng Điệp, Võ Tấn Thái, Lê Văn Dẽ và Trần Văn Hùng lần lượt bị khởi tố, bắt giam sau đó.