Nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM Đỗ Duy Liên: Sâu nặng ân tình với Sài Gòn - TPHCM

Với 97 năm tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng, cô Đỗ Duy Liên đã sống trọn vẹn một cuộc đời, một sự nghiệp vinh quang và cũng đầy thử thách. Người phụ nữ ấy đã gắn bó với Sài Gòn - TPHCM qua hai cuộc kháng chiến gian lao và những năm tháng đầy khó khăn trong công cuộc xây dựng đất nước.

1. Những năm đầu giải phóng, công việc bộn bề, cô Duy Liên là một nữ lãnh đạo bản lĩnh, năng động và xông xáo, nhất là trên lĩnh vực văn hóa, xã hội. Cô được nể phục bởi sự từng trải, sự hiểu biết, khả năng tập hợp, tấm lòng yêu thương con người và sự bình dị, chân phương.

Những năm đầu thành phố sau giải phóng, cô Tư công tác ở Hội Phụ nữ TPHCM và ngay sau đó là thành viên của UBND TPHCM phụ trách xã hội. Từ năm 1977 đến năm 1980, cô là Giám đốc Sở LĐTB-XH. Giai đoạn 1980-1989, cô giữ trọng trách Phó Chủ tịch UBND TPHCM trong 2 nhiệm kỳ. Nhiều công trình, nhiều dấu ấn gắn với cô. Đó là xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM ở Thủ Đức (TP Thủ Đức bây giờ), tổ chức Trường nuôi dạy con liệt sĩ Lý Tự Trọng, thành lập Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè, Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè, Nông trại Phú Văn (Bình Phước), thành lập những trung tâm cai nghiện ma túy và giúp những người lỡ lầm sớm hoàn lương.

Với nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, cô Tư luôn sẵn lòng lắng nghe, xem xét, giải quyết những tâm tư, nguyện vọng, giúp vượt qua khó khăn hay những hiến kế trong lĩnh vực phụ trách và đón nhận những góp ý với lãnh đạo thành phố. Cô Tư rất vui khi tham gia các hoạt động của thanh thiếu nhi và hết lòng thương yêu cán bộ trẻ. Hễ có điều gì cần nhắc nhở, góp ý, cô rất sẵn lòng. Có khi không tiện nói thì viết mấy lời gửi gắm.

Năm 1990, cô về hưu nhưng vẫn tiếp tục làm công tác xã hội thêm 20 năm ở Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi. Năm 2010, khi sức khỏe yếu dần, cô mới nghỉ hẳn.

2. Cô Duy Liên làm báo từ lúc còn trong nhà tù của địch, tờ Tung Xiềng năm 1951, sau đó là báo Cờ Giải Phóng 1963. Và chỉ 19 ngày sau giải phóng, cô Tư xin phép cho ra tờ báo Phụ nữ Sài Gòn (nay là báo Phụ nữ TPHCM). Cô viết và nói sắc sảo, ngắn gọn, thuyết phục.

Cô Tư cũng có duyên làm công tác đối ngoại. Cô có mặt trong đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam tại Hội nghị Paris (Pháp), đàm phán 4 bên về chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Cô cũng tham dự Hội nghị Thanh niên thế giới tại Moskva và nhiều sự kiện ngoại giao đấu tranh cho chính nghĩa, lẽ phải của nhân dân Việt Nam.

Cô Tư gắn bó với con người, công việc bởi lý tưởng cao đẹp và cái tâm trong sáng. Thời buổi khó khăn, gia đình cô cũng nuôi heo, gà, chim cút, cá rô phi… Cô không bao giờ tư lợi hoặc màng đến các danh hiệu khen thưởng nhưng luôn tiết kiệm cho việc chung. Có câu chuyện đáng nhớ là năm 1976, sau khi đi dự hội nghị chống ma túy ở Hồng Công, cô đã trả lại công tác phí cho Bộ Tài chính.

Đối với gia đình, cô là một người vợ thủy chung, người mẹ chăm 3 con ruột cùng các con của đồng chí, đồng đội, các con của các anh hùng liệt sĩ. Nhiều năm sau khi chồng hy sinh, cô vẫn viết thư tâm sự với người bạn đời với lời lẽ đầy yêu thương. Và những năm cuối đời cô đã ghi lại trong tập sách “Cuộc đời của mẹ” dành gửi cho các con. Cô mong muốn: “Các con báo hiếu bằng chính phẩm chất của mình với Tổ quốc và nhân dân”.

Luôn kính phục cô Đỗ Duy Liên - một cuộc đời, một sự nghiệp sâu nặng ân tình với nước, với dân, với Sài Gòn - TPHCM.

Cô ra đi thanh thản. Xin kính tiễn cô Đỗ Duy Liên!

3 lần bị địch bắt và 2 lần bị giam cầm gần 4 năm, mặc dù bị tra tấn dã man, các đầu ngón tay bị đốt, cô luôn giữ vững khí tiết cách mạng. Năm 1968, sau khi được trả tự do, cô được ra Hà Nội chữa bệnh, làm công tác đối ngoại tại Ban Thống nhất, rồi Vụ Đô thị miền Nam thuộc Văn phòng Trung ương Đảng. Đến năm 1973 cô về miền Nam và trở lại hoạt động ở nội đô Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguyen-pho-chu-tich-ubnd-tphcm-do-duy-lien-sau-nang-an-tinh-voi-sai-gon-tphcm-post741870.html