Nguyên Phó Hiệu trưởng lừa đảo rồi thuê người mang súng đến nhà mình để 'dàn cảnh' uy hiếp chủ nợ

'Nổ' kinh doanh buôn bán đất đai, vàng bạc, đô la, có khả năng xin việc, chạy trường… Đỗ Thị Minh Huệ đã lừa đảo hơn 5,5 tỷ đồng của nhiều người dân ở Gia Lai. Tiếp đó, cùng với chồng cũ bàn bạc, thống nhất, thuê các đối tượng dùng súng uy hiếp, đập phá tài sản của nhà mình rồi ghi lại hình ảnh để sử dụng uy hiếp lại chủ nợ.

Đỗ Thị Minh Huệ (SN 1979, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Tự Trọng, đóng chân trên địa bàn xã Ia Dêr, huyện Ia Grai), cần tiền để trả nợ, đầu cơ đất và tiêu xài cá nhân nên từ năm 2018 đến năm 2020, Huệ đã đưa ra nhiều thông tin không có thật với các cá nhân trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Được biết, giữa Đỗ Thị Minh Huệ và Trần Phú Quý (SN 1969, hiện đang công tác tại Trường Chính trị tỉnh Gia Lai) là hai vợ chồng. Ngày 22/02/2017, Quý và Huệ ly hôn và được TAND TP. Pleiku ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự. Cả hai quen biết với bà B. từ lâu.

Đỗ Thị Minh Huệ thời điểm bị bắt giữ

Đỗ Thị Minh Huệ thời điểm bị bắt giữ

Tháng 7/2018, Huệ đưa ra thông tin gian dối cần tiền để đầu tư kinh doanh mua bán vàng, đô la với “sếp lớn” có lợi nhuận cao. Để tạo sự tin tưởng và chứng minh cho việc kinh doanh của mình, Huệ đã gửi các hình ảnh vàng, đô la và sửa số dư tiền trong tài khoản lên gấp nhiều lần so với số dư thực tế gửi cho bà B. xem.

Tin tưởng Huệ kinh doanh vàng, - đô la là thật, bà B. đã sử dụng tiền cá nhân và vay tiền của bà Nguyễn Thị S. để cho Huệ vay nhiều lần với tổng số tiền hàng tỷ đồng.

Cũng trong năm 2019, bà Lê Thị B. có nhu cầu xin chuyển công tác cho cháu gái (thời điểm này đang làm giáo viên), tại huyện Ia Grai về dạy tại các trường ở TP. Pleiku.

Lúc này, Huệ đưa ra thông tin gian dối với bà B. là Huệ và Trần Phú Quý có mối quan hệ quen biết với lãnh đạo TP. Pleiku và một số người có chức vụ, quyền hạn bên ngành giáo dục nên có khả năng xin chuyển công tác với chi phí là 150 triệu đồng.

Như vậy, sau nhiều lần vay và trả, đến nay Huệ đã chiếm đoạt của bà B. tổng cộng là hơn 4,2 tỷ đồng.

Với các thủ đoạn tương tự như mua đất giá rẻ, xin chuyển trường, Đỗ Thị Minh Huệ đã chiếm đoạt tiền của bà Nguyễn Thị Kim Ng. 700 triệu đồng, bà Trần Thị H. 300 triệu đồng, ông Đoàn Trọng D. 200 triệu đồng, ông Phan Văn Nh. và ông Trương Quang T. mỗi người 100 triệu đồng.

Mặc dù Trần Phú Quý biết Huệ thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và chưa trả cho bà B. Nhưng để che giấu hành vi chiếm đoạt tài sản của Huệ, tháng 4/2020 Quý và Huệ đã trao đổi bàn bạc thống nhất, thuê đối tượng Hà Văn Đại, Nguyễn Tư Biên và đối tượng Tý (chưa xác định được nhân thân lai lịch), đến nhà Huệ và Quý (tại số 204/33 Trần Quý Cáp, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) dùng hung khí (súng) uy hiếp, đập phá tài sản của Quý và Huệ để đòi nợ. Sau đó, Huệ và Quý đẩy màn kịch mà cả 2 đã dàn dựng qua cho bà B.

Từ đây, Huệ sử dụng camera tại nhà ghi lại hình ảnh để sử dụng uy hiếp bà B. nhằm làm cho bà B. lo sợ, hủy giấy nhận nợ và không dám tố giác Huệ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vậy nhưng, tháng 7/2020, bà B. làm đơn tố cáo Quý và Huệ đến Cơ quan công an…

Bà B. tố cáo Huệ lên cơ quan Công an.

Bà B. tố cáo Huệ lên cơ quan Công an.

Cơ quan chức năng xác định, Huệ đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Hành vi của Trần Phú Quý phạm vào tội: “Che giấu tội phạm” thuộc tình tiết định khung quy định tại khoản 2 Điều 389 Bộ Luật Hình sự với khung hình phạt từ 2-7 năm.

Đối với Hà Văn Đại, Nguyễn Tư Biên, Vũ Minh Tiên (Tý) là người được thuê dàn dựng cảnh đòi nợ và uy hiếp bà B. Quá trình thực hiện hành vi này, không có ý thức chiếm đoạt tài sản, không biết mục đích của việc Huệ thuê là để che giấu tội phạm cho Huệ. Tuy nhiên, quá trình điều tra Cơ quan điều tra không xác định được Hà Văn Đại đang ở đâu (Đại đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng không trở về địa phương). Do đó chưa có căn cứ xác định Đại giúp Huệ dàn dựng cảnh đòi nợ như trên để nhằm mục đích che giấu tội phạm cho Huệ hay nhằm mục đích lấy tài sản của Huệ. Cơ quan Cơ quan điều tra tiếp tục xác minh, khi nào có căn sẽ đề nghị xử lý sau.

Đối với khẩu súng mà Đại khai, đã sử dụng để uy hiếp Đỗ Thị Minh Huệ, do không thu giữ được để trưng cầu giám định nên không có căn cứ để xử lý về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.

Trần Sỹ

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/nguyen-pho-hieu-truong-lua-dao-roi-thue-nguoi-mang-sung-den-nha-minh-de-dan-canh-uy-hiep-chu-no-393792.html