Nguyên Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình ra mắt tập thơ 'Về với yêu thương'

Mới đây, nhà thơ Trương Hòa Bình - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã cho ra mắt tập thơ 'Về với yêu thương' khá dày dặn giàu cảm xúc, chan chứa bao tình yêu quê hương, đất nước.

Đọc thơ của Trương Hòa Bình từ khá sớm, nhà thơ Thanh Thảo cho biết qua từng giai đoạn, ông nhận thấy sự phát triển của nghệ thuật thơ, tình yêu thơ hòa trong tình yêu quê hương đất nước, yêu nhân dân và yêu “người Nam Bộ mình”.

Khi đọc bài tựa của nhà thơ-nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, nhà thơ Thanh Thảo chú ý tới đoạn: “Tôi đồng cảm với bài thơ “Ngọn lửa Tagore” của anh Trương Hòa Bình. Trời đã cho anh năng lượng cảm xúc để có thể biểu hiện một bài thơ có dung lượng chữ lớn nhưng không dài dòng. Một bài thơ đa thanh, phức điệu như một trường ca trong âm nhạc theo kiểu như “Trường ca sông Lô” của Văn Cao. Không ca ngợi cái hay của thơ Tagore mà Trương Hòa Bình ca ngợi sự lan tỏa của thơ Tagore ra nhân loại mà anh là một thành viên trong nhân loại ấy".

 Nhà thơ Trương Hòa Bình ra mắt tập thơ 'Về với yêu thương'.

Nhà thơ Trương Hòa Bình ra mắt tập thơ 'Về với yêu thương'.

Thơ Trương Hòa Bình chính là miền kí ức đầy đam mê và cảm xúc của một người đàn ông Nam Bộ sau bao nhiêu năm xa quê, từ lúc mái đầu xanh tới lúc đã ngả bạc nay có thể được thong dong trở về với con sông quê hương mà ông vẫn hằng yêu, hằng thương và thổn thức, cất một điệu “Dạ cổ hoài lang” - Xề u liu cống xự xàng”.

Khi đọc thơ Trương Hòa Bình khiến người ta ngỡ ngàng nhận ra tuổi trẻ con người có thể qua đi nhưng tình yêu với cuộc sống, niềm khát vọng sống, khát vọng yêu trong con người luôn mãnh liệt. Ông già hiền lành đất Long An luôn mong mỏi được là “một mùa xuân nho nhỏ, được làm con chim hót, được làm một cành hoa, để nhập vào hòa ca, một nốt trầm xao xuyến”, để dành tặng cho cuộc đời mà ông đã từng sống và đáng sống.

Nhà thơ Thanh Thảo cho biết thêm, ông đọc rất kỹ bài thơ “Ngọn lửa Tagore” của Trương Hòa Bình. Có thể nói, đây là bài thơ hay nhất của anh trong tập thơ “Về với yêu thương” này. Xin trích một đoạn ngắn trong bài thơ: “Em nhìn kia những cánh én bay Bầu trời ấy cao xanh lồng lộng Một đời anh khát vọng tự do Anh muốn làm ghềnh đá xám Nhô ra khỏi bờ cát trắng Để được nhìn được ngắm em yêu Vì em là sóng biển dâng triều Hãy quấn lấy anh thật chặt Rồi vỡ tan ra thành trăm ngàn mảnh nhỏ Như muôn ngàn hạt pha lê Trải trên ghềnh đá xám”…

Ấy chính là tinh thần thế giới, tinh thần nhân loại của thơ Tagore. Phải thật thấm thơ Tagore mới viết được bài thơ mà nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha gọi là một “trường ca âm nhạc” này. Và, với sự đồng cảm sâu sắc, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã phổ bài thơ “Ngọn lửa Tagore” của Trương Hòa Bình thành một bản trường ca âm nhạc.

"Điều tôi đánh giá cao đầu tiên, là trong khi phổ nhạc, Nguyễn Thụy Kha đã giữ nguyên phần lời thơ của Trương Hòa Bình. Và âm nhạc đã nâng bài thơ này lên mà vẫn bảo vệ được hồn cốt của bài thơ. Đó là điều rất khó với một nhạc sĩ", nhà thơ Thanh Thảo chia sẻ.

Theo nhà thơ Thanh Thảo, Nguyễn Thụy Kha là nhà thơ và ông đã vượt qua sự khó khăn này do khả năng thẩm thơ rất tốt của mình. Thanh Thảo nói ông đã nghe đi nghe lại bản trường ca "Ngọn lửa Tagore” với lời thơ Trương Hòa Bình được Nguyễn Thụy Kha phổ nhạc.

Đặc biệt, khi âm nhạc đã đồng hành đẹp đẽ với thơ, thì thế mạnh khi thể hiện cao trào âm nhạc giúp cho thơ lan tỏa mạnh mẽ và thu hút người nghe. Trường ca là kể lại một câu chuyện, kể cả trường ca âm nhạc cũng vậy. Trương Hòa Bình và Nguyễn Thụy Kha đã bất ngờ phối hợp ăn ý với nhau khi tạo ra tác phẩm mới này.

Việt Trung

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguyen-pho-thu-tuong-thuong-truc-truong-hoa-binh-ra-mat-tap-tho-ve-voi-yeu-thuong-post303590.html