Nguyên tắc dạy con bị nhiều cha mẹ bỏ quên

Cha mẹ luôn quan tâm đến những bài học dạy con thành tài nhưng nhiều người lại bỏ quên một điều rất quan trọng để thúc đẩy sự cố gắng và quyết tâm của trẻ.

 Những đứa trẻ mạnh mẽ luôn tin tưởng vào khả năng của mình. Ảnh: Pexels.

Những đứa trẻ mạnh mẽ luôn tin tưởng vào khả năng của mình. Ảnh: Pexels.

Là một nhà tâm lý học, giáo sư Aliza Pressman tại trường Y khoa Icahn (Mỹ) đã dành gần 20 năm để nghiên cứu cách chăm sóc và nuôi dạy những đứa trẻ tốt.

Nhờ đó, bà nhận ra rằng một điều mà các cha mẹ gần như bỏ qua khi dạy con chính là khơi dậy nỗ lực, tác động bên trong của đứa trẻ.

Điểm chung của những đứa trẻ không bỏ cuộc

Tác động từ bên trong là niềm tin của một cá nhân vào khả năng của chính mình, là niềm tin rằng bản thân sẽ đạt được mục tiêu mình đặt ra.

Cha mẹ cần cho trẻ thực hiện những thử thách phù hợp với tuổi. Ảnh: Pexels.

Cha mẹ cần cho trẻ thực hiện những thử thách phù hợp với tuổi. Ảnh: Pexels.

Ví dụ, lòng tự trọng của một người nói rằng "tôi thật tuyệt vời" và tác động nội tại của người đó sẽ luôn nói "tôi có những điều này và tôi có thể đạt được mục tiêu của mình".

Bà Pressman nói với CNBC rằng những đứa trẻ có ý thức mạnh mẽ về tác động nội tại có thể nỗ lực nhiều hơn, dám thử thách bản thân nhiều hơn.

Thay vi đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc đổ lỗi cho tài năng, đứa trẻ đó sẽ tập trung vào các yếu tố nằm trong tầm kiểm soát để xử lý vấn đề.

Theo bà Pressman, tác động nội tại của một đứa trẻ bắt nguồn từ những yếu tố sau.

Thứ nhất là kinh nghiệm xử lý đúng mọi việc. Để có được điều này, trẻ cần được thử thách ở những mức độ phù hợp. Việc cha mẹ đẩy con vào những trải nghiệm giáo dục không phù hợp với độ tuổi có thể gây phản tác dụng.

Yếu tố thứ hai là cho trẻ quan sát người thật việc thật. Điều quan trọng là cha mẹ phải cho con quan sát những người hoặc hành vi tương tự (ví dụ quan sát người cùng tuổi hoặc người cùng sở thích) để con đạt được mục tiêu tương tự.

Yếu tố thứ ba là kể lại những trải nghiệm trong "quá khứ". Theo góc độ tâm lý, những câu chuyện trong quá khứ sẽ tạo động lực cho tương lai. Những người lạc quan, có tư duy phát triển và tin tưởng bản thân thường nhớ đến những thành công thay vì chỉ đắm chìm trong thất bại.

Yếu tố thứ tư là tạo cho trẻ cảm giác bình yên. Nếu trẻ cảm thấy căng thẳng, bồn chồn khi đối mặt với thử thách, trẻ rất khó hoàn thành nhiệm vụ vì các em không được quan tâm đến phản ứng sinh lý. Cha mẹ có thể dạy con những phương pháp tự xoa dịu bản thân như hít thở, thả lỏng cơ thể...

 Trẻ cần được khuyến khích thay vì bị thúc ép. Ảnh: Pexels.

Trẻ cần được khuyến khích thay vì bị thúc ép. Ảnh: Pexels.

Cha mẹ cần làm gì

Để trẻ hình thành những động lực từ bên trong, cha mẹ cần lưu ý 4 nguyên tắc sau.

Thứ nhất là khuyến khích con làm điều gì đó mà con chưa giỏi ngay được. Thay vì ép con "thực hành để trở nên hoàn hảo hơn", cha mẹ cần nhớ rằng mấu chốt không phải tìm kiếm sự hoàn hảo mà là giúp con thử thách để trưởng thành hơn.

Thứ hai là chỉ rõ cho con biết con sai ở đâu. Cha mẹ lưu ý bạn không nên chỉ đánh dấu lỗi sai của con rồi nói con sai rồi, bạn cần chỉ rõ lỗi sai và giúp con hiểu con sai ở đâu và sửa lại thế nào cho đúng. Ví dụ, con bạn chỉ vào một quả táo màu đỏ và nói là táo xanh, bạn có thể nói rằng "Đúng là táo cũng có màu xanh, nhưng đây là quả táo màu đỏ con nhé".

Thứ ba là khen ngợi con. Lời khen phải chân thành và cụ thể, không được "khen cho có". Bạn cần cho trẻ biết rằng bạn thấy được sự nỗ lực, kiên trì, sáng tạo của con, như vậy trẻ sẽ có thêm động lực để phát huy điều đó mạnh mẽ hơn.

Thứ tư là dạy con vạch ra chiến lược để hành động. Việc giúp trẻ vạch ra chiến lược sẽ giúp các em đi đúng hướng, đồng thời giúp trẻ biết được cái sai của mình ở đâu để sửa, từ đó tạo ra cơ hội để trẻ đạt được thành tựu trong tương lai.

Thái An

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguyen-tac-day-con-bi-nhieu-cha-me-bo-quen-post1457713.html