Nguyên tắc đối ngoại của Việt Nam là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, chính sách đối ngoại nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ. Nguyên tắc và phương châm đối ngoại của Việt Nam là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm đến Kazakhstan từ ngày 5 - 6/5/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc trao đổi với báo chí Kazakhstan.

Công tác đối ngoại ghi dấu ấn và đóng góp quan trọng đối với những thành tựu vĩ đại của Việt Nam

Phóng viên đưa ra nhận định rằng, "Việt Nam là một dân tộc kiên cường trong suốt lịch sử đấu tranh giành độc lập và bảo vệ chủ quyền trước các thế lực ngoại xâm trong thế kỷ XX"; từ đó đặt câu hỏi “Những bài học lịch sử quý giá nào đã định hình nên đường lối đối ngoại của Việt Nam trong quan hệ quốc tế hiện nay?”.

Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, những thành tựu vĩ đại trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và đổi mới hiện nay của Việt Nam đều có dấu ấn và đóng góp quan trọng của công tác đối ngoại. Những bài học lịch sử quý giá trong 80 năm qua vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục soi đường cho đối ngoại Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thứ nhất là bài học bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc. Đối ngoại luôn thấm nhuần lời Chủ tịch Hồ Chí Minh là "phải luôn luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ". Ngày nay, lợi ích quốc gia - dân tộc tiếp tục là kim chỉ Nam cho hành động, là căn cứ quan trọng nhất để xác định đường lối và chính sách đối ngoại của Việt Nam, trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Thứ hai là bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Trong giai đoạn hiện nay, ngoại giao tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong huy động các điều kiện, nguồn lực thuận lợi bên ngoài như xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển, những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và các xu hướng phát triển như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để phục vụ công cuộc phát triển đất nước.

Thứ ba là việc kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực khác trong hoạch định và triển khai đường lối đối ngoại. Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam xác định cùng với quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực, đối ngoại đóng vai trò quan trọng trong góp phần bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, bảo đảm vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, tạo dựng cục diện quốc tế hòa bình, ổn định, thuận lợi, tranh thủ các nguồn lực và điều kiện phục vụ phát triển đất nước.

Thứ tư là bài học về hội nhập với thế giới, đặt đất nước vào dòng chảy chính của thời đại; ngày nay là hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, đầy đủ, đưa hội nhập quốc tế trở thành động lực cho phát triển, trở thành sự nghiệp của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân.

Những bài học lịch sử quý giá này tiếp tục góp phần định hình nên đường lối đối ngoại của Việt Nam trong kỷ nguyên mới, phù hợp với bối cảnh quốc tế, giúp Việt Nam tiếp tục khẳng định và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Nguyên tắc đối ngoại của Việt Nam là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc

Trả lời câu hỏi “Đâu là những nguyên tắc và sự điều chỉnh chính sách giúp Việt Nam duy trì được thế cân bằng giữa các trung tâm quyền lực lớn trong bối cảnh phức tạp hiện nay , khi mà căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc kéo dài, đặt ra những thách thức đối với an ninh và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương?”, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, chính sách đối ngoại nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện.

Theo Bộ trưởng, nguyên tắc và phương châm đối ngoại của Việt Nam là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, "dĩ bất biến ứng vạn biến" để giữ vững hòa bình, ổn định, phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng thời, Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng "4 không": Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Trên cơ sở đó, bất chấp những biến động của môi trường quốc tế và khu vực hiện nay, Việt Nam kiến tạo một cục diện đối ngoại rộng mở với quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, là thành viên tích cực tại hơn 70 tổ chức và diễn đàn đa phương quốc tế, tạo dựng mạng lưới đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 34 nước, có quan hệ hữu nghị, hợp tác tích cực, thực chất với các nước lớn, đặc biệt là có quan hệ đối tác chiến lược trở lên với tất cả các nước ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an. Đồng thời, Việt Nam ngày càng có đóng góp tích cực, trách nhiệm vào xử lý các vấn đề toàn cầu và các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, khu vực, thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Bích Ngọc

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nguyen-tac-doi-ngoai-cua-viet-nam-la-bao-dam-cao-nhat-loi-ich-quoc-gia-dan-toc.html