Nguyên tắc lập và trình bày báo cáo quyết toán của các đơn vị hành chính, sự nghiệp
Bài viết hệ thống hóa và trao đổi về những quy định liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo quyết toán tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp.
Theo quy định hiện hành, đơn vị hành chính, sự nghiệp có sử dụng ngân sách nhà nước phải lập báo cáo quyết toán ngân sách đối với phần kinh phí do ngân sách nhà nước cấp. Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước dùng để tổng hợp tình hình tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước của đơn vị hành chính, sự nghiệp, được trình bày chi tiết theo mục lục ngân sách nhà nước để cung cấp cho cơ quan cấp trên, cơ quan tài chính và cơ quan có thẩm quyền khác.
Nguyên tắc, yêu cầu lập và trình bày báo cáo quyết toán tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của bộ phận kế toán tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp là phải thực hiện lập và trình bày báo cáo quyết toán hàng năm để nộp theo đúng quy định. Theo Luật Kế toán 2015 của Quốc hội, Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp, đơn vị hành chính, sự nghiệp có sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) phải lập báo cáo quyết toán ngân sách đối với phần kinh phí do NSNN cấp.
Trường hợp đơn vị hành chính, sự nghiệp có phát sinh các khoản thu, chi từ nguồn khác, nếu có quy định phải quyết toán như nguồn NSNN cấp với cơ quan có thẩm quyền thì phải lập báo cáo quyết toán đối với các nguồn này.
Báo cáo quyết toán NSNN dùng để tổng hợp tình hình tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí NSNN của đơn vị hành chính, sự nghiệp, được trình bày chi tiết theo mục lục NSNN để cung cấp cho cơ quan cấp trên, cơ quan tài chính và cơ quan có thẩm quyền khác.
Thông tin trên Báo cáo quyết toán NSNN phục vụ cho việc đánh giá tình hình tuân thủ, chấp hành quy định của pháp luật về NSNN và các cơ chế tài chính khác mà đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện, là căn cứ quan trọng giúp cơ quan nhà nước, đơn vị cấp trên và lãnh đạo đơn vị kiểm tra, đánh giá, giám sát và điều hành hoạt động tài chính, ngân sách của đơn vị.
Như vậy, Báo cáo quyết toán NSNN là tài liệu tổng hợp tình hình tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí NSNN trong đơn vị hành chính, sự nghiệp. Báo cáo quyết toán NSNN cung cấp thông tin quan trọng phục vụ việc đánh giá tình hình tuân thủ, chấp hành quy định của pháp luật về NSNN mà đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện. Đây là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền đánh giá, kiểm tra, điều hành hoạt động sử dụng ngân sách của đơn vị hành chính, sự nghiệp.
Trong khi đó, báo cáo quyết toán nguồn khác phản ánh tình hình thu - chi các nguồn khác (ngoài nguồn NSNN) của đơn vị hành chính, sự nghiệp, theo quy định của pháp luật phải thực hiện quyết toán với cơ quan cấp trên, cơ quan tài chính và cơ quan có thẩm quyền khác. Thông tin trên Báo cáo quyết toán nguồn khác phục vụ cho việc đánh giá tình hình thực hiện cơ chế tài chính mà đơn vị áp dụng, là căn cứ quan trọng giúp cơ quan cấp trên, cơ quan tài chính, cơ quan có thẩm quyền khác và lãnh đạo đơn vị đánh giá hiệu quả của các cơ chế, chính sách áp dụng cho đơn vị.
Về nguyên tắc lập và trình bày báo cáo quyết toán, việc lập báo cáo quyết toán phải căn cứ vào số liệu sau khi khóa sổ kế toán. Theo quy định tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính, việc lập báo cáo quyết toán phải bảo đảm sự trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời, phản ánh đúng tình hình thu, chi đối với từng nguồn kinh phí của đơn vị hành chính, sự nghiệp. Báo cáo quyết toán phải được lập đúng nội dung, phương pháp theo quy định và được trình bày nhất quán giữa các kỳ báo cáo (Bảng 2).
Hệ thống chỉ tiêu của báo cáo quyết toán NSNN phải phù hợp và thống nhất với chỉ tiêu dự toán năm được cơ quan có thẩm quyền giao và mục lục NSNN, đảm bảo có thể so sánh được giữa số thực hiện với số dự toán và giữa các kỳ kế toán với nhau. Trường hợp báo cáo quyết toán ngân sách được lập có nội dung và phương pháp trình bày khác với các chỉ tiêu trong dự toán hoặc khác với báo cáo kỳ kế toán năm trước thì phải giải trình trong phần thuyết minh báo cáo quyết toán năm.
Nội dung, thời hạn nộp báo cáo quyết toán năm
Đơn vị hành chính, sự nghiệp nộp báo cáo cho đơn vị dự toán cấp trên hoặc cơ quan tài chính cùng cấp (trong trường hợp không có đơn vị dự toán cấp trên), gồm: Các báo cáo quyết toán năm quy định tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính; Các mẫu biểu đối chiếu dự toán ngân sách cấp theo hình thức rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước, tình hình tạm ứng và thanh toán tạm ứng kinh phí ngân sách tại Kho bạc Nhà nước, bảng đối chiếu số dư tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Thông tư số 61/2014/TT-BTC ngày 12/5/2014 của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế có liên quan (nếu có); và các báo cáo khác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác quyết toán NSNN.
Thời hạn nộp Báo cáo quyết toán năm của đơn vị hành chính, sự nghiệp có sử dụng kinh phí NSNN thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn pháp luật về NSNN. Để giúp các đơn vị hành chính, sự nghiệp dễ dàng trong việc lập các báo cáo quyết toán, Bộ Tài chính đã ban hành danh mục báo cáo, mẫu báo cáo, giải thích phương pháp lập báo cáo quyết toán ngân sách nêu tại Phụ lục số 04, kèm theo Thông tư số 107/2017/ TT-BTC (Bảng 2).
Cần lưu ý rằng, danh mục và mẫu biểu báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động được áp dụng cho cả đơn vị sử dụng kinh phí và đơn vị cấp trên tổng hợp số liệu quyết toán. Riêng “Báo cáo thực hiện xử lý kiến nghị của kiểm toán, thanh tra, tài chính” cơ quan cấp 1 tổng hợp theo biểu mẫu quy định tại Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Đối với Báo cáo quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản, trường hợp đơn vị có phát sinh kinh phí NSNN cấp cho hoạt động xây dựng cơ bản thì thực hiện theo chế độ báo cáo hướng dẫn tại Thông tư 85/2017/ TT-BTC ngày 15/8/2017 quy định việc quyết toán tình hình sử dụng vốn đầu tư nguồn NSNN theo niên độ ngân sách hàng năm và các văn bản hướng dẫn bổ sung, sửa đổi (nếu có).
Một số khuyến nghị
Để việc lập và trình bày báo cáo quyết toán tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp đúng theo quy định của pháp luật, các đơn vị kế toán cần chú ý một số vấn đề sau:
Một là, trong quá trình lập báo cáo quyết toán của đơn vị hành chính, sự nghiệp, cần lưu ý đối với các nguồn NSNN và nguồn khác, cụ thể:
- Đối với Báo cáo quyết toán NSNN, số quyết toán NSNN bao gồm số kinh phí đơn vị đã nhận và sử dụng từ nguồn NSNN cấp trong năm, bao gồm cả số liệu phát sinh trong thời gian chỉnh lý quyết toán theo quy định của pháp luật về NSNN. Số liệu quyết toán NSNN của đơn vị phải được đối chiếu, có xác nhận của Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch.
- Đối với báo cáo quyết toán nguồn khác, số liệu quyết toán bao gồm số thu, chi từ nguồn khác không thuộc NSNN mà đơn vị đã thực hiện từ đầu năm đến hết ngày 31/12 hàng năm.
Hai là, đối với kỳ báo cáo.
Báo cáo quyết toán NSNN, báo cáo quyết toán nguồn khác được lập báo cáo theo kỳ kế toán năm. Số liệu lập báo cáo quyết toán NSNN hàng năm là số liệu thu, chi thuộc năm ngân sách của đơn vị hành chính, sự nghiệp, được tính đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán NSNN (ngày 31/01 năm sau) theo quy định của pháp luật về NSNN.
Số liệu lập báo cáo quyết toán là số thu, chi thuộc nguồn khác của đơn vị hành chính, sự nghiệp, được tính đến ngày kết thúc kỳ kế toán năm (ngày 31/12). Trường hợp pháp luật có quy định lập thêm báo cáo quyết toán theo kỳ kế toán khác thì ngoài báo cáo quyết toán năm đơn vị phải lập cả báo cáo theo kỳ kế toán đó.
Ba là, thời hạn nộp báo cáo quyết toán năm.
Các đơn vị hành chính sự nghiệp sử dụng NSNN nộp báo cáo quyết toán NSNN theo thời gian quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn pháp luật về NSNN.
Đơn vị hành chính, sự nghiệp là đơn vị dự toán cấp I; đơn vị vừa là đơn vị dự toán cấp I vừa là đơn vị sử dụng NSNN (không có đơn vị trực thuộc) do cơ quan tài chính trực tiếp duyệt quyết toán thì báo cáo gửi cho cơ quan tài chính. Các đơn vị còn lại gửi báo cáo cho cơ quan cấp trên.
Bốn là, trách nhiệm của các đơn vị trong việc lập, nộp báo cáo quyết toán.
Đơn vị hành chính, sự nghiệp phải lập và nộp báo cáo quyết toán NSNN, ngoài các mẫu biểu báo cáo quyết toán NSNN quy định tại Thông tư số 107/2017/ TT-BTC, còn phải lập các mẫu báo cáo phục vụ công tác quyết toán NSNN, các yêu cầu khác về quản lý NSNN theo quy định của pháp luật về NSNN.
Đơn vị hành chính, sự nghiệp có phát sinh thu - chi nguồn khác không thuộc NSNN theo quy định phải quyết toán với cơ quan cấp trên, cơ quan tài chính và cơ quan có thẩm quyền khác thì đơn vị phải lập và nộp báo cáo quyết toán kinh phí nguồn khác theo quy định tại Thông tư này. Đơn vị hành chính, sự nghiệp là đơn vị cấp trên phải tổng hợp báo cáo quyết toán năm của các đơn vị cấp dưới trực thuộc theo quy định hiện hành.
Tài liệu tham khảo:
Quốc hội (2015), Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015;Bộ Tài chính, Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp;Nguyễn Thế Cường (2020), Quy định về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước trong đơn vị hành chính, sự nghiệp, https://wketoan.vn/10058/ quy-dinh-ve-bao-cao-quyet-toan-ngan-sach-nha-nuoc-trong-don-vi- hanh-chinh-su-nghiep/;Quy định về báo cáo quyết toán đối với đơn vị hành chính sự nghiệp, https:// vn/quy-dinh-ve-bao-cao-quyet-toan-doi-voi-don-vi-hanh- chinh-su-nghiep.html.