Nguyên tắc ứng xử 'vòng tròn an toàn' trong gia đình

Đã có ông chồng trong cơn bực tức vì bị vợ nặng lời, không kìm giữ được nóng giận mà vướng vào vòng lao lý.

Hình minh họa

Hình minh họa

“Tôi đã quá chán vì bị vợ bắt nạt”

Mới đây, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Công Nam (SN 1982, ở huyện Ba Vì) ra xét xử tội giết người. Nạn nhân của Nam là người vợ đã 14 năm chung sống.

Theo cáo trạng, Nam kết hôn với chị Lê Thị Kim Oanh vào năm 2005 và có hai đứa con. Nam thường say rượu, dẫn đến vợ chồng mâu thuẫn, cãi mắng nhau. Khoảng 16h ngày 12/2/2019, Nam đi uống rượu say rồi về nhà ngủ. Chị Oanh đi làm về, thấy chồng đang đắp chăn ngủ, chị lật chăn lên mắng: "Đồ khốn nạn, suốt ngày nhậu nhẹt". Nam thức dậy thì bị vợ dùng máy sấy tóc ném vào đầu.

Bực tức, bị cáo tát vợ. Chị Oanh chạy về phòng ngủ và tiếp tục mắng chồng. Trong cơn bực tức, Nam vớ con dao gọt trái cây đuổi theo vợ, đâm một nhát vào bụng làm chị Oanh bị thương nặng. Chị Oanh được đưa đi cấp cứu, nhưng 18h cùng ngày thì tử vong.

Có mặt tại tòa, bố mẹ vợ của Nam rớt nước mắt trình bày, Nam ở rể 10 năm nay, được yêu quý như con trai. Đại diện phía bị hại không yêu cầu bồi thường và xin HĐXX giảm nhẹ tội cho bị cáo để Nam có cơ hội sớm trở về gia đình, nuôi dạy, chăm sóc hai con nhỏ. Sau khi xem xét, HĐXX cho rằng, trong vụ án này, bị hại cũng có một phần lỗi và tuyên phạt bị cáo mức án 15 năm tù.

Đó là câu chuyện ở trên tòa, còn ở trên mạng xã hội, cũng mới đây một ông chồng đã phải đăng lá đơn gửi trả vợ về nhà bố mẹ vợ. Dẫu biết rằng vợ không phải là món hàng nhưng người chồng này cũng có nỗi bức xúc của mình phía sau lá đơn lạ lùng này.

Anh cho rằng: "Sáng ngày hôm nay, tôi đã quá chán đời vì chuyện bị vợ bắt nạt suốt ngày nên tôi quyết định viết đơn trao trả lại vợ tôi cho mẹ vợ. Tôi hy vọng vợ tôi sẽ cảm thấy ăn năn, hối lỗi với những hành động trong quá khứ của mình. Từ khi tôi lấy vợ đến giờ tôi chưa một lần được ăn to nói lớn, tôi mà nói lớn là y như rằng một là bị mắng ngược lại, hai là bị vợ tôi đuổi xuống gầm bàn. Chưa kể đến những lần vợ tôi cầm chổi cầm, gạch đuổi đánh tôi quanh làng, mất hết thể diện của thằng đàn ông".

Đọc những dòng tâm sự trong lá đơn trả vợ này, nhiều người cảm thấy chất văn hài hước nhưng không kém phần thật lòng của ông chồng, họ cũng hy vọng rằng người vợ sẽ biết thay đổi vì hạnh phúc gia đình, để anh chồng không còn sợ hãi khi ở chung dưới một mái nhà.

Thiết lập một “vòng tròn an toàn”

Nói về văn hóa ứng xử giữa người với người, dân gian có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”; “Nói ngọt lọt đến xương”… Đó là lời răn dạy cho mọi người nhưng với tình chồng vợ cũng rất đúng, rất cần thiết.

Chuyện hôn nhân là điều chẳng ai có thể nói hay được. Việc sống chung một nhà và dung hòa tất cả mọi việc so với lúc còn yêu nhau khiến nhiều cặp vợ chồng phải đau đầu, thậm chí cãi vã bởi những thói hư, tật xấu bị bại lộ.

Còn nhớ, trong một chuyến công tác liên quan đến vấn đề phòng chống bạo lực gia đình tại Hải Dương, PV đã từng hỏi chuyện một người chồng đánh vợ. Thừa nhận mình sai nhưng người chồng ấy cũng cho biết “giá như vợ tôi nói ít hơn thì tôi đã không mất bình tĩnh như vậy”. Lấy phải bà vợ lắm mồm, mắng chồng con như hát hay, bất kể thời gian, không gian nào, là nỗi sợ của rất nhiều đức ông chồng.

Về phía phụ nữ, có vô vàn lý do khiến người vợ mất bình tĩnh, dẫn tới mắng chồng. Mắng mỏ chồng là cách để họ tuôn ra hết những ấm ức trong cuộc sống hôn nhân, gia đình. Điều đáng nói là khi nóng giận, cảm xúc tiêu cực lấn át, khiến người vợ chỉ thấy khuyết điểm của chồng khiến người chồng bị tổn thương.

Nhiều người vợ ngay sau “cơn mắng chồng” cũng cảm thấy ân hận vì quá lời với chồng, họ lại chủ động hàn gắn, tự hứa sẽ luôn bình tĩnh, không bao giờ mắng chồng. Tuy nhiên, lúc lửa giận ngùn ngụt bốc lên đầu, họ lại tái phạm điệp khúc “mắng chồng - mắng con”.

Kết quả điều tra tình hình bạo lực gia đình năm 2013 nhằm nghiên cứu các giải pháp phòng chống bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay do Vụ Gia đình, Bộ VH,TT&DL thực hiện cho thấy trong số 130 gia đình từng xảy ra bạo lực gia đình, hành vi vợ chồng mắng nhau là được ghi nhận cao thứ hai chỉ sau hành vi cha mẹ mắng con.

Con cái (ở độ tuổi trẻ em) chính là đối tượng bị bạo lực nhiều nhất, cho dù chủ yếu bạo lực về tinh thần (do cha mẹ mắng). Trong các gia đình, tỷ lệ người mẹ mắng con cao hơn so với tỷ lệ người bố mắng con.

Mà lời nói đã phát ra thì sao có thể lấy lại. Mỗi lần vợ chồng mắng nhau thì giống như cái bát bị mẻ một góc. Dăm lần mẻ thì thành cái bát hỏng, không dùng được nữa. Đó là chưa kể đến ở góc độ pháp luật, theo điểm b Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, “lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm” là hành vi bạo lực gia đình.

Về mặt hành chính, người có hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Để khắc phục, theo các chuyên gia tâm lý, ngay từ khi mới chung sống, vợ chồng cần đặt ra những nguyên tắc ứng xử như một vòng tròn an toàn. Khi được đặt trong vòng tròn an toàn, đôi bên sẽ biết đâu là điểm dừng; chẳng hạn, giận nhau đến mấy cũng không được nặng lời, mắng rủa hay đánh đập nhau…

Tiếp đến, vợ chồng cần bình tĩnh trao đổi, tranh luận. Tránh chồng đánh mắng, vợ cam chịu và ngược lại. Khi tự nhận ra mỗi bên cần điều chỉnh bản thân thế nào, vợ chồng sẽ sống hòa hợp hơn.

“Nên kiềm chế cái tôi của mình”

Lắng nghe, cùng nhau thảo luận những vấn đề chung, hòa nhã với nhau là một nội dung quan trọng trong Bộ tiêu chí ứng xử gia đình. Theo đó, điều đầu tiên trong giao tiếp vợ chồng là sự biết lắng nghe nhau trong giao tiếp.

Dù là vợ hay chồng, cả hai đều cần phải biết đặt mình vào vị trí, tình cảnh của người khác để hiểu được họ có cảm nghĩ như thế nào, hiểu được tâm tư tình cảm của nhau. Trong cuộc sống gia đình, vợ chồng phải biết giữ hòa khí và phải biết thỏa hiệp.

Đây là cách tốt nhất để giải quyết bất đồng, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng. Từ xa xưa, ông cha ta đã đúc kết: “Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn” hay “Chồng giận thì vợ bớt lời/Cơm sôi nhỏ lửa có đời nào khê”.

Do đó, khi vợ chồng bất đồng quan điểm mỗi người nên kiềm chế cái tôi của mình. Không nên vì cái tôi mà khăng khăng làm theo ý mình, cho rằng mình đúng và quyết bảo vệ đến cùng. Điều này không hề có lợi trong quan hệ vợ chồng mà trái lại dễ gây mâu thuẫn, xung đột dẫn đến sự rạn nứt tình cảm và dần dần tan vỡ gia đình.

Khi không cùng quan điểm vợ chồng nên tìm cách để có thể nói chuyện được với nhau một cách cởi mở, chân thành trên tinh thần xây dựng; học cách ứng xử khéo léo, tế nhị. Mỗi người hãy cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để thông cảm và thấu hiểu.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/nguyen-tac-ung-xu-vong-tron-an-toan-trong-gia-dinh-468030.html