Nguyễn Thị Minh Ngọc với văn chương

Với sự thành công trong nhiều tác phẩm kịch nghệ lẫn các bộ phim điện ảnh, khán giả thường nhớ đến Nguyễn Thị Minh Ngọc trong các vai trò như diễn viên, biên kịch và đạo diễn sân khấu. Tuy thế bà cũng là một nhà văn cá tính với những truyện ngắn lôi cuốn, hấp dẫn, cuộn trào hơi thở thời đại.

Mới đây, bà đã cho ra mắt tập truyện Hồ nước mùa xuân gồm 21 truyện ngắn, bắt đầu từ những Dọn nhà, Trăng huyết… được viết vào năm 1971, đến Tình đầu hay tình cuối được viết vào năm 2018. Qua tác phẩm này, độc giả sẽ thấy một Nguyễn Thị Minh Ngọc nhà văn với bút lực dồi dào, sắc sảo, có một cõi riêng với những nhân vật của đa đoan, nhạy cảm, hiện lên sống động như những vở kịch mà bà dựng nên.

Nhà văn, biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc. Ảnh: FBNV

Nhà văn, biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc. Ảnh: FBNV

Câu chuyện của người phụ nữ

Không thể không thấy trong đa số truyện ngắn của bà, phụ nữ vẫn là đối tượng được bà quan tâm một cách đặc biệt. Có thể khởi phát từ sự cảm thông của kiếp đàn bà mà Nguyễn Thị Minh Ngọc đồng cảm, nhưng cũng có thể bởi nhìn thấy quá nhiều số phận éo le dành đến cho những con người từ khi sinh ra đã trễ một nhịp từ chiếc xương sườn, kế đến là bị vu tội rời khỏi vườn thiêng để rồi giáng trần cũng là bể khổ.

Các nhân vật của bà ở nhiều độ tuổi, từ những người trẻ khao khát được yêu, quằn quại vì yêu cho đến ở tuổi trung niên khi đã bình lặng, trải qua hết mọi cảm xúc trong cuộc đời này. Họ được đặt vào nhiều môi trường nhưng cái chung nhất đó là khổ đau, từ nghèo khó, sa cơ, lỡ vận cho đến mất mát dù là thể chất hay là tinh thần.

Trong truyệt đầu tiên là Dọn nhà, bà đã quăng quật nhân vật một đời sống có nhiều khốc liệt. Truyện ngắn kể về một gia đình phải nói dối là đi nghỉ hè ở biển để trốn khỏi những món nợ không thể trả được. Kể từ góc nhìn của người chị cả, Nguyễn Thị Minh Ngọc cho thấy sự trưởng thành sớm của nhân vật này, từ tuổi ăn học đã biết buôn bán gánh bưng và mang theo mình 2 chiếc mặt nạ: một là con ranh sành sỏi buôn bán, xoay xở mọi cách để có đồng nào hay đồng nấy trong những thùng xe trôi nổi trong hè hầm hập, và hai là một cô nữ sinh chăm chỉ học tập, nhu mì trong ba mùa còn lại.

Ảnh hưởng của những gia đình chộn rộn, phức tạp này sẽ còn nhìn thấy ở Trái khổ qua – kể về một cô con gái có mẹ trải qua nhiều đời chồng, bạ đâu mắng đó, làm nghề đầu nậu cá mà như người ta hay nói là phường chợ búa. Hay như ở Quán trọ - một thiếu nữ tuổi đang đi học và buộc phải nghe, phải thấy những chuyện lén lút trong các căn buồng mà gia đình cô ngăn ra cho thuê theo giờ…

Đó cũng còn là không gian xã hội rộng hơn, trong Những giấc mơ riêng trong ngôi nhà chung kể về những người nghèo nhất, đáng thương nhất trong một tòa chung cư “sắp” giải tỏa hay Đám cưới – một khu phố ổ chuột nghèo nhếch nhác, xô bồ, và những cô gái quyết được đổi đời dù phải đánh đổi…

Bìa sách Hồ nước mùa xuân do NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành. Ảnh: Minh Anh

Không quá khó thấy Nguyễn Thị Minh Ngọc đưa các nhân vật vào những tình huống rất đời, rất thực, nơi truyền thống lễ nghĩa và yếu tố môi trường gần như chi phối số phận con người. Họ hoặc dang dở bởi không thể làm gì khác như cô gái trong Dọn nhà, hoặc rồi sẽ không còn tin vào thứ đẹp đẽ trong cuộc đời này khi hạnh phúc ghé qua bởi khoảng cách quá lớn từ xuất thân trong Trái khổ qua hay những ô uế nghe từ Quán trọ…

Và không dừng ở đời sống, những nhân vật này cũng thường trực lạc lối trong những cảm xúc đã phong bế mình. Đó là những tình yêu phức tạp, nỗi cô đơn, kỷ niệm và sự bật gốc rễ khỏi những gì tưởng neo họ lại với cuộc sống. Đây có thể coi là mảng sáng tác dồi dào, phong phú và nổi bật nhất của Nguyễn Thị Minh Ngọc, qua đó cho thấy khả năng khai thác tâm lý cũng như nhân vật xuất sắc của bà…

Nhưng dù có là ai, thì những người phụ nữ trong các truyện này vẫn luôn là người thiệt thòi. Cái hay của tác giả là tuy vẫn cho thấy nỗi đau mà họ vương mang, nhưng không bi lụy, quá “kịch” hoặc là sến sẩm. Họ hẳn cũng có những phút bùng nổ về mặt cảm xúc, nhưng dưới sức nén và một điểm chạm tinh tế, nhà văn luôn luôn dừng lại đúng điểm tới ấy, khiến cho tác phẩm đọng lại vương vấn nhưng vẫn thanh thoát, ấn tượng và không ôm đồm.

Bút pháp phong phú

Không chỉ độc đáo trong cách thể hiện muôn hình vạn trạng đời sống thông qua nhân vật người phụ nữ, Nguyễn Thị Minh Ngọc cũng là một nữ văn sĩ có sự đa dạng trong bút pháp, khi khai triển các hình thức nghệ thuật tiệm cận với các chuyển biến của thời thế, xu hướng văn chương.

Ấn tượng lớn nhất trong cuốn sách này phải kể đến Trăng huyết – truyện ngắn được viết trong giai đoạn đầu (1971). Tuy lấy bối cảnh thân thuộc là một miền quê, nhưng không thể không thấy những đặc trưng Gothic phương Tây trong tác phẩm này, từ bầu không khí u ám, không gian bị phong bế, các nhân vật đau khổ cho đến những cơn mộng mị và các ước muốn đậm tính huyền ảo…

Ở giai đoạn mà nó ra đời, có thể coi đây là một truyện ngắn vô cùng độc đáo trong cách tỏa bày nội tâm nhân vật thông qua hệ thống hình tượng ẩn dụ và hành trình phô diễn cảm xúc vi tế. Ở đó một cô gái mất tình yêu thiêng liêng và một người cha mất con đã dìu nhau đến miền không tưởng chạy trốn thực tại, thế nhưng càng đi họ càng nhận ra sai lầm đang vây lấy mình, từ đó thức tỉnh dẫu đầy khó khăn trên một cù lao với thứ rong mơ trên cổ cào xước da thịt.

Cuốn sách đi kèm nhiều tranh minh họa của họa sĩ Đinh Trường Chinh - con trai họa sĩ Đinh Cường. Ảnh: NXB Phụ nữ

Cuốn sách đi kèm nhiều tranh minh họa của họa sĩ Đinh Trường Chinh - con trai họa sĩ Đinh Cường. Ảnh: NXB Phụ nữ

Không dừng ở đó, cái tĩnh cũng thường trực xuất hiện ở giai đoạn giữa trong quãng sáng tác của Nguyễn Thị Minh Ngọc. Rời xa hiện thực của những buổi đầu, có thể ở đoạn trung tuổi bà đã thấm nhuần được nỗi mênh mang mà sự tịch lặng mang đến, từ đó truyền tải trong các truyện ngắn như bức thủy mặc trông tưởng là phẳng nhưng ẩn trong đó là những cảm xúc ngổn ngang, rối tung rối mù.

Đó là người phụ nữ trong Hồ nước mùa xuân – người như bị cuốn vào sức hút của con sông lờ đờ chảy là dòng thời gian. Đó cũng là người đàn bà làm nước mắm trong Hải Nguyệt – người còn sống mãi trong dòng ký ức về bà của mình trên hòn đảo xa. Hay là Nhụ Hương trong Hương – một người đóng vai Komachi trong vở kịch Noh nổi tiếng mà “Nếu biết là mộng/ Thức chi người ơi!...”

Ở đây không quá khó thấy từ sự bất lực mà ngoại cảnh gây cho nhân vật, Nguyễn Thị Minh Ngọc đã tiến sâu hơn và chi tiết hơn vào đời sống nội tâm của những người này, và cũng chỉ bằng những gợn sóng nhỏ, một cõi tâm tình có nhiều bão giông cũng đã hiện ra không cần gắng sức.

Bên cạnh những truyện đậm tính văn chương, cũng không thể không thấy những truyện đậm màu sắc kịch hoặc thậm chí có các nhân vật làm nghề nghệ thuật như nữ tác giả (Chiếc nhẫn, Người bán tuồng xuân mới, Chờ duyên…) Có thể nói sân khấu đã vận vào bà, từ đó cho ra đời những cá tính, những éo le, những nghịch lý cũng đầy bất ngờ như số phận vậy. Số này tuy không độc đáo và bình lặng như những yếu tố đã nhắc bên trên, nhưng cũng cho thấy tài năng của Nguyễn Thị Minh Ngọc ở đa dạng đề tài, thể loại, câu chuyện, nhân vật.

Từ những điều trên có thể nói Hồ nước mùa xuân là một tập truyện hấp dẫn, qua đó cho thấy một nhà biên kịch, một nữ đạo diễn sân khấu đại tài cũng đồng sở hữu những truyện ngắn hay, rung động lòng người và là một trong những nữ nhà văn vô cùng cá tính của văn chương Việt Nam hiện đại.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nguyen-thi-minh-ngoc-voi-van-chuong-47133.html