Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế: 'Thuốc không thiếu, vấn đề là đấu thầu'
PGS.TS Lê Văn Truyền chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc, đồng thời ông cũng cho rằng cần phải sửa quy chế đấu thầu.
Vướng ở quy chế đấu thầu
Thời gian qua tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện được nhắc đến nhiều, ngay cả các bệnh viện hạng đặc biệt như Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai... cũng đang than khó trong việc công tác đấu thầu. Nguyên nhân được đưa ra là do nhiều mặt hàng không có nhà thầu tham dự do không có hàng, giá tăng cao không có lợi nhuận, không đạt kỹ thuật...
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin bên lề Hội thảo “Thuốc và thực phẩm chức năng giả - Thực trạng và giải pháp”, PGS.TS Lê Văn Truyền, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc (Bộ Y tế) khẳng định: “Tình trạng thuốc không thiếu, vấn đề ở đây là đấu thầu”.
Ông Truyền chỉ ra nguyên nhân do tâm lý cán bộ bệnh viện sợ sai không dám đầu thầu và quy chế đấu thầu cần phải xem xét lại.
“Có tình trạng bệnh nhân mua thuốc tại các nhà thuốc trong bệnh viện và kết quả là không có thuốc. Tuy nhiên, khi ra thị trường bên ngoài thì phổ biến. Tất nhiên sẽ có một số loại thuốc bị đứt gãy nguồn cung ứng. Như vừa rồi thiếu thuốc Protamin sulfat thì ngay lập tức ta nhập về 28.000 hộp, đây là tình trạng đứt gãy nguồn cung ứng tạm thời”, ông Truyền chia sẻ.
Theo ông Truyền để tránh tình trạng khan hiếm thuốc thì cần sửa quy chế đấu thầu. “Thuốc không thiếu, nhưng nếu Bộ Kế hoạch và Đầu tư không sửa quy chế đấu thầu thì sẽ không có thuốc”, ông Truyền nói.
Kiểm soát được nguồn thuốc và giá thuốc
Ông Truyền cũng cho biết, tại Hội nghị Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân mới đây, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy đã đưa ra ví dụ thực tế: “Trước đây sử dụng dao mổ giá tốt chỉ rạch một đường mổ, giờ trúng thầu dao mổ giá rẻ phải rạch 3 lần thì da mới đứt".
Lãnh đạo bệnh viện kêu khó khăn trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm…tại Khoản 2, Điều 11, Thông tư 58 năm 2016 của Bộ Tài chính. Đó là yêu cầu phải đầy đủ 3 báo giá thì mới xây dựng kế hoạch mua sắm được.
Phân tích thêm về việc mua sắm trang thiết bị gặp khó là do phải tìm được đủ 3 nhà thầu, báo giá mới xây dựng được kế hoạch mua sắm. Ông Truyền đặt câu hỏi: “Quý vị mua một chiếc xe Mercedes đến lúc hỏng phanh thì có đi mua phanh của Kia morning không? Cho nên, khi thiết bị y tế của một hãng A bị hỏng, phải mua mới của đúng hãng A thì lại bị quy vào chỉ định thầu…”. Vì thế, các lãnh đạo các bệnh viện kiến nghị giá mua sắm trong y tế không nên chọn giá thấp nhất mà cần quy định rõ chọn giá hợp lý nhất.
Bên cạnh đó, trước thực trạng thuốc giả tồn tại trong đời sống xã hội, không ít người lo ngại thuốc giả có khả năng len lỏi trong bệnh viện.
Trả lời về điều này, ông Truyền khẳng định: “Quy trình thông qua đấu thầu thuốc vào bệnh viện phải có lý lịch của doanh nghiệp. Thậm chí, doanh nghiệp đã được đấu thầu bao nhiêu lần thì cơ quan quản lý nắm rất vững lý lịch của các doanh nghiệp đó (hồ sơ đấu thầu, hồ sơ dự thầu). Khi doanh nghiệp đấu thầu đồng nghĩa với việc họ bán lượng lớn thuốc cho bệnh viện, cho nên nếu có hoạt động gian lận thì không khác gì doanh nghiệp tự sát, tự hại chính mình”.
“Nếu như có thuốc giả thì chỉ sợ thông qua hệ thống nhà thuốc bệnh viện, nếu bệnh viện quản lý không chặt thì sẽ lọt qua khâu đó. Vì thế, nhà thuốc bệnh viện phải kiểm soát được nguồn thuốc và giá thuốc”, ông Truyền bày tỏ.