Nguyễn Tiến Trung - Giám đốc điều hành thương hiệu thời trang họa tiết thiết kế HAKAN: Câu chuyện ly kỳ của người họa sĩ làm kinh doanh
Xuất thân từ một gia đình yêu hội họa và thiết kế, Giám đốc điều hành thương hiệu khăn quàng và quần áo thời trang họa tiết HAKAN Nguyễn Tiến Trung là một trong những người đã nâng tầm giá trị của chiếc khăn lụa thông thường trở thành tác phẩm nghệ thuật tại Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về hành trình của 'người họa sĩ vẽ trên khăn' này, DN&PL đã có cuộc trao đổi với anh...
Chào anh, xin anh chia sẻ đôi nét về bản thân và hành trình xây dựng thương hiệu HAKAN?
Xin chào độc giả của DN&PL. Mối duyên của tôi với khăn thiết kế đến rất tình cờ. Trước đây, tôi định hướng theo ngành công nghệ và máy tính, đã theo học chuyên ngành Công nghệ thông tin tại Trường Cao đẳng Loughborough UK, tốt nghiệp khóa ngắn hạn về Marketing Trường AUT và Cử nhân Nghệ thuật và Thiết kế tại Trường Media Design School. Tuy nói là công nghệ nhưng tôi chọn chuyên ngành thiết kế, cũng có thể coi là một lĩnh vực liên quan chặt chẽ với hội họa hiện đại.
Sau khi quay về Việt Nam, tôi hợp tác với một số người bạn phát triển một thương hiệu thời trang cho giới trẻ. Được khoảng 5 năm thì dịch Covid-19 bùng phát, cùng lúc một số thành viên chủ chốt phải qua nước ngoài định cư. Nhóm tan rã và mỗi người hiện đang điều hành công việc kinh doanh riêng cho gia đình.
Trong khoảng thời gian giãn cách, vợ chồng tôi ra mắt một thương hiệu thực phẩm sạch. Bố tôi cũng là họa sĩ, do vậy, bao bì của thương hiệu thực phẩm hồi đó là do hai bố con cùng lên ý tưởng, thiết kế, vẽ và sản xuất. Trong khoảng thời gian này, tôi tự hỏi: “Liệu mình chia tay ngành thời trang có phải là điều tiếc nuối nhất?”. Từ ấy, ý tưởng thiết kế khăn được tôi nung nấu và quyết tâm cho ra đời một sản phẩm thời trang mang tính nghệ thuật cao.
Xin anh cho biết, điểm khác biệt giữa dòng khăn thiết kế cao cấp so với các sản phẩm đại trà trên thị trường là gì?
Đối với tôi, mỗi chiếc khăn thiết kế được gọi là một “bức khăn”, không chỉ là tác phẩm hội họa đơn thuần mà là sản phẩm nghệ thuật mang những câu chuyện riêng và đem lại những giá trị về mặt “duy mỹ” cho đời sống. Giá trị của mỗi “bức khăn” khá cao do tính giới hạn và sự đầu tư về chất xám cũng như thời gian của những người nghệ sĩ, nghệ nhân khi tạo ra chúng.
Riêng đối với HAKAN - thương hiệu khăn quàng và quần áo thời trang chuyên dòng họa tiết, điểm đặc biệt đầu tiên là họa tiết. Họa tiết của khăn HAKAN được tôi lấy cảm hứng và nghiên cứu bài bản từ nhiều nguồn tư liệu như viện bảo tàng, sách cổ, internet, báo đài và đôi khi là những… giấc mơ. Có lẽ do đọc và nghiên cứu nhiều nên ngay cả khi trong mơ, địa điểm yêu thích của tôi là sở thú, những phòng tranh hay loanh quanh trong những tòa lâu đài thăm thú những bức họa hay điêu khắc. Công việc của tôi là ghi nhớ và phác thảo lại những ý tưởng đã xuất hiện trong giấc mơ của ngày hôm trước. Ngoài ra, nguồn cảm hứng của tôi cũng bắt nguồn từ vợ mình – người bạn đồng hành trên mọi nẻo đường. Trung bình, một bản vẽ (thiết kế) tốn từ 4 - 6 tuần để hoàn thiện, có bức mất vài tháng trước khi được chuyển đến bộ phận in ấn.
Chất liệu được sử dụng cho khăn HAKAN là dòng khăn lụa Faux Silk và công nghệ in hai mặt sắc nét mang lại tính thẩm mỹ cao và có thể nói là dẫn đầu về công nghệ in hai mặt trên dòng chất liệu này. Với yêu cầu hoàn mỹ, dòng khăn Faux Silk của HAKAN được viền bởi những người thợ may đã dành nửa đời người trong môi trường may mặc thuộc những doanh nghiệp dệt may nội địa và xuất khẩu hàng đầu Việt Nam.
Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, với nhu cầu quà tặng hiện nay, các món quà luôn đem lại ấn tượng, những giá trị tinh thần đặc biệt dành cho người nhận. Do vậy, bao bì của HAKAN được nghiên cứu, thiết kế và sản xuất đáp ứng sự đòi hỏi cao về mặt thẩm mỹ và công năng cho khách hàng. Bên cạnh đó, HAKAN còn đang nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm cao cấp hơn như tơ tằm và một vài chất liệu đặc biệt khác.
Theo anh, vai trò của phong cách thời trang nói chung và phụ kiện nói riêng trong cuộc sống mỗi cá nhân có ảnh hưởng như thế nào?
Phong cách thời trang là sự thể hiện cá tính, tâm trạng, gu thẩm mỹ của cá nhân khi giao tiếp bên ngoài xã hội. Chúng ta đều là mỗi cá thể trong một cộng đồng lớn nên việc giao tiếp hàng ngày là điều không thể tránh khỏi, nhu cầu thể hiện bản thân bằng cách này hay cách khác đều luôn hiện hữu. Tuy nhiên, đôi khi thời trang để dành cho người khác ngắm nhưng đôi lúc lại chỉ dành cho riêng mình trong một vài trường hợp bởi thời trang cũng có thể thay đổi cảm xúc. Trong nhiều môi trường, khi phục trang không thể quá diêm dúa hay màu mè thì các loại phụ kiện thời trang khác được ưu tiên.
Thời nào cũng vậy, ngoài việc giữ ấm thì những chiếc khăn đều mang ý nghĩa về gu thẩm mỹ riêng với từng cá nhân. Đối với góc nhìn của bản thân mình, chị em hiện nay đang dần dần đón nhận những chiếc khăn thời trang Made in Vietnam và coi sử dụng khăn như một “thú chơi” mới do tính ứng dụng linh hoạt của chúng.
Khăn bây giờ không chỉ dành riêng cho mùa Đông mà trong mọi dịp, chị em còn ưa chuộng “mặc khăn” để biến tấu những chiếc khăn thành bộ trang phục độc đáo, mang dấu ấn cá nhân. Những phong cách “mặc” và sử dụng khăn được chúng tôi chia sẻ trên ứng dụng Facebook - Fanpage Khăn Chảnh cũng đã được chị em nhiệt tình đón nhận trong suốt thời gian qua.
Một điều thú vị nữa là: “Nếu như đàn ông chơi tranh thì phụ nữ chơi khăn” - chơi tranh không chỉ là một thú vui đóng đinh cho phái mạnh nữa mà hiện nay, cái ranh giới kia dần được xóa nhòa khi những chiếc khăn lụa họa tiết đang được mọi người nhìn nhận như những “bức họa” có thể lên khung và treo trang trí trong nhà.
Trân trọng cảm ơn anh!
“HAKAN hy vọng năm 2024 sẽ là một năm Rồng đầy vượng khí và phát tài. Và để phát tài thì điều quan trọng nhất đó chính là: Kính chúc quý độc giả sức khỏe dồi dào và bình an.”