Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Việc quân, việc nước song toàn

Với phẩm chất trí tuệ và bản lĩnh của anh bộ đội cụ Hồ, cùng với phong cách khiêm tốn, luôn đi sâu nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn cuộc sống, từ một vị tướng chiến trường Tướng Lê Khả Phiêu đã trở thành một chính khách được nể trọng.

Từ chiến trường đến chính trường

Tháng 8/1988, Trung tướng Lê Khả Phiêu được điều về giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam khi đã bước vào tuổi 57. Nhiều người khi đó nghĩ, chắc ông cũng ở lại cương vị đó rồi nghỉ thôi. Nhưng 3 năm sau, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, ông được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư và được phân công làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự T.Ư (nay là Quân ủy T.Ư), mọi người mới hiểu ra rằng đó không phải bến đỗ cuối, mà chính là bến xuất phát ra biển rộng của Tướng Lê Khả Phiêu. Và chỉ trong vòng không đến mười năm, Tướng Lê Khả Phiêu, từ một cán bộ cao cấp trong quân đội đã trở thành người nắm cương vị cao nhất của Đảng.

 Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm hỏi công nhân nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội), ngày 27/8/2000. Ảnh: Anh Tôn - TTXVN

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm hỏi công nhân nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội), ngày 27/8/2000. Ảnh: Anh Tôn - TTXVN

Khi đó, một số người bày tỏ sự lo lắng, không biết một vị tướng, suốt cuộc đời chiến đấu trên các chiến trường, liệu có thể nắm chắc được các vấn đề quốc gia hay không? Bắt đầu con đường hoạt động cách mạng tại địa phương từ năm 17 tuổi, rồi nhập ngũ năm 19 và trải qua nhiều cương vị trong quân đội, tham gia các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, sau năm 1975 ông vẫn tiếp tục chiến đấu tại chiến trường K cho đến tận năm 1988 mới về cơ quan Bộ. Nhưng ông là một người cán bộ được đánh giá là giỏi cả về quân sự và chính trị. Vì thế không có gì lạ khi ông nắm rất chắc các vấn đề đối nội nói chung, về công tác Đảng, công tác tổ chức nói riêng. Là người ham học hỏi, ông cũng dành nhiều thời gian để gặp gỡ các bậc trí thức, các nhân sĩ để trao đổi về các vấn đề mà ông còn chưa am tường; nghiên cứu tài liệu, đọc thêm các cuốn sách kinh điển về kinh tế, chính trị...

Người viết bài này vô cùng may mắn trong một thời gian ngắn được làm lính của Thủ trưởng Phiêu tại cơ quan Tổng cục Chính trị. Phòng chuyên môn của chúng tôi ở trên tầng hai tòa nhà Văn phòng. Hồi ấy, chiều xuống là toàn bộ hành lang tầng hai đều vắng lặng, nhưng ở dưới sân thì rất náo nhiệt bởi các hoạt động thể dục thể thao. Rồi đến cuối năm 1988, bỗng thấy hành lang tầng hai tòa nhà không còn vắng lặng nữa, cứ chiều đến lại có một người đàn ông đứng tuổi, da xạm đen, khi thì đứng tập thể dục dưỡng sinh, khi thì đi đi lại lại dáng khá trầm ngâm. Đó chính là Thủ trưởng Lê Khả Phiêu mới từ chiến trường K về.

Dù gia đình riêng ở ngay Hà Nội, nhưng ông yêu cầu bố trí cho ăn nghỉ ngay tại cơ quan để có thêm thời gian nghiên cứu tài liệu và trao đổi thêm với các cán bộ giúp việc để nắm tình hình. Ông tranh thủ đọc sách và rất muốn có thêm thời gian đọc sách. Có lần ông nói với chúng tôi: “Cụ Đỗ Mười chăm đọc sách lắm, tớ phải noi gương cụ”. Buổi tối, mỗi lần trực ban tại cơ quan, tôi đều thấy phòng làm việc của Thủ trưởng Phiêu luôn sáng đèn. Chuyện đó kéo dài suốt mấy năm, mãi đến khi được bầu làm Tổng Bí thư, ông mới chuyển ra làm việc ở trụ sở T.Ư Đảng.

Một chính khách bản lĩnh

Với trí tuệ sắc sảo, lượng tri thức ngày càng sâu sắc, phong phú, cộng thêm tác phong giản dị, dễ gần, chỉ trong thời gian ngắn, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã trở thành một chính khách bản lĩnh, được bạn bè quốc tế nể trọng. Một nhà lãnh đạo chiếm được uy tín của nhiều tầng lớp xã hội, trong đó có những “đối tượng” lúc mới đầu còn nhiều nghi ngại, như tầng lớp doanh nhân chẳng hạn. Một minh chứng của điều này là câu chuyện mà chúng tôi nghe được từ ông Nguyễn Trần Bạt - một doanh nhân, một nhà nghiên cứu nổi tiếng.

Ngay từ năm 1987, ông đã sáng lập InvestConsult Group (công ty tư vấn chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam về đầu tư và kinh doanh) với doanh số hàng năm nhiều triệu USD. Ông Nguyễn Trần Bạt kể: “Là một người nghiên cứu, tôi bắt đầu quan sát ông (nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu) từ năm 1999, thời điểm xuất hiện một số nhà chính trị có nguồn gốc quân đội. Khi đó, tôi nhận được nhiều câu hỏi, nhiều sự thắc mắc của giới chức quốc tế, ngoại giao, kinh doanh về các vị tướng của chúng ta.

Bắt đầu bằng sự xuất hiện của Đại tướng Lê Đức Anh và tiếp theo là Thượng tướng Lê Khả Phiêu, những câu hỏi như vậy ngày càng nhiều lên. Có lần, một nhà ngoại giao nữ hàm Đại sứ hỏi tôi: “Đây có phải là giai đoạn Đảng Cộng sản Việt Nam "quân sự hóa" đời sống chính trị không?”. Tôi trả lời rằng: “Cuộc chiến tranh của chúng tôi dài quá, tất cả những lực lượng mạnh mẽ và thông minh của đất nước đều phải tham gia kháng chiến. Chiến tranh lôi kéo hầu hết những người ấy ra trận và những người ưu tú nhất trong số họ đã trở thành các vị tướng. Bây giờ hòa bình rồi, để xây dựng lại đất nước thì chúng tôi buộc phải dân sự hóa các vị tướng ấy”.

Năm 1999, tôi có tham gia một buổi giao lưu giữa Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với giới thương nhân Việt Nam. Buổi này do anh Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT đứng ra sắp xếp. Ban Tổ chức ngỏ ý muốn tôi phát biểu giao lưu với Tổng Bí thư. Tôi suy nghĩ mấy ngày xem mình sẽ nói gì với ông. Tôi nghĩ cái quan trọng nhất là cần phải làm rõ thái độ của ông với thương nhân, với vấn đề thảo luận xã hội và phản biện xã hội. Đấy là hai phản xạ chính trị quan trọng mà xã hội cả trong nước lẫn ngoài nước quan tâm đối với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Trong hội trường hôm đó có khoảng 1.000 người. Để tiết kiệm thời gian cho các đồng nghiệp khác có cơ hội giao lưu với Tổng Bí thư, tôi hỏi ông hai câu.

Câu thứ nhất là: “Trong tình hình phát triển kinh tế hiện nay, Đảng có xem thương nhân là đồng minh chính trị của mình hay không?”. Vào thời điểm ấy, đặt một câu hỏi như vậy cho Tổng Bí thư là khá táo bạo. Câu thứ hai là: “Nếu tôi thành lập một viện nghiên cứu tư nhân để nghiên cứu các chính sách và nghị quyết của Đảng ta đối với phát triển kinh tế và xã hội thì với tư cách là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đồng chí có ủng hộ không?”.

Tôi vẫn nhớ như in câu trả lời của ông (Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - PV): “Câu hỏi thứ nhất của anh Bạt về “đồng minh” bây giờ tôi chưa nói ngay được, nhưng chắc chắn chúng ta là những người cùng hội cùng thuyền”. Trong lòng tôi rất mừng khi nhận được câu trả lời ấy. Câu trả lời của ông cho câu hỏi thứ hai còn gây ngạc nhiên hơn. Ông nói: “Về việc lập viện nghiên cứu, nếu tối nay hay ngày mai anh làm được thì tôi ủng hộ ngay từ bây giờ”.

Tôi quay lại nói với nhà báo Dương Ngọc Hải (Thông tấn xã Việt Nam), một người bạn của tôi, là hãy đăng báo giúp tôi nội dung câu trả lời này của Tổng Bí thư. Ngay ngày hôm sau, anh em trong công ty đã làm một bản đề nghị lập viện nghiên cứu. Tôi nói với anh em rằng: Nhân dân đòi hỏi và Tổng Bí thư đồng ý thì không có sự phê chuẩn nào cao hơn.

"Từ khi ra đời đến nay Viện nghiên cứu của chúng tôi đã có được bộ tổng tập bài viết của cán bộ công ty khoảng 4.000 trang. Rất nhiều bài trong đó bây giờ vẫn còn giá trị thời sự. Cá nhân tôi đã viết được 11 quyển sách, tổng cộng khoảng 8.000 trang. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là động lực ban đầu tác động đến cá nhân tôi, thúc đẩy tôi sáng tạo. Tôi không thể không nhớ đến sự khích lệ tinh thần của Tổng Bí thư đối với chúng tôi." - Nhà nghiên cứu, doanh nhân Nguyễn Trần Bạt

Lại Vĩnh Mùi

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nguyen-tong-bi-thu-le-kha-phieu-viec-quan-viec-nuoc-song-toan-393070.html