Nguyên Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam: 'Hà Nội như nhà tôi vậy'

Coi Hà Nội là nhà, nguyên Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart cho biết rất nóng lòng được trở lại ngôi nhà ấy trong năm nay và đi thăm nhiều địa danh thân thương khác của Việt Nam, thưởng thức các món ăn chế biến từ hải sản tươi sống và tất nhiên là cả món phở trứ danh.

Với những tìm cảm đó, ông Christian Manhart đã dành cho phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử một cuộc phỏng vấn ngắn trước thềm năm mới Giáp Thìn.

Phóng viên: Thưa ông Christian Manhart, ông vừa hoàn thành nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam. Ông có thể chia sẻ một vài kỷ niệm đáng nhớ ở đây?

Ông Christian Manhart: Nhiệm kỳ của tôi kết thúc hồi tháng 5-2023. Tôi đã mang theo rất nhiều kỷ niệm không thể nào quên về nước. Tôi thực sự ấn tượng với sự phong phú và đa dạng của các di sản văn hóa và thiên nhiên nơi đây. Tôi đã đi rất nhiều nơi như Huế, Hội An, Tràng An, vịnh Hạ Long, Cát Bà, Côn Đảo, Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh.

 Nguyên Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart. Ảnh: UNESCO/Raj Mayukh Dam

Nguyên Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart. Ảnh: UNESCO/Raj Mayukh Dam

Tôi cũng rất thích sống ở Hà Nội, trải nghiệm văn hóa, xã hội sôi động ở đây và đạp xe quanh phố cổ. Cuối tuần, tôi thường cùng nhóm bạn chạy lên các ngọn núi quanh Hà Nội, thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên, ngắm nhìn những ngôi làng nhỏ.

Một cuộc phiêu lưu khó quên đối với tôi là chuyến đi bộ 6 ngày khám phá di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha. Chúng tôi đã đi bộ xuyên rừng, leo núi, băng qua những hang động tự nhiên khổng lồ, bơi trong hang động, hồ nước và ngủ lều.

Phóng viên: Điều gì ấn tượng nhất trong nhiệm kỳ công tác của ông?

Ông Christian Manhart: Chắc chắn là người Việt Nam, sự thân thiện của họ dành cho tôi.

Tôi may mắn gặp được nhiều người Việt thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau. Họ chào đón tôi bằng vòng tay rộng mở. Chúng tôi cùng đi ăn, uống bia hơi, leo núi, chạy địa hình. Tôi ấn tượng với lối sống của người Việt, cách họ thể niềm vui khi họ đi chơi, ca hát, nhảy múa hay chỉ đơn giản là ngồi trong quán bia hơi hay quán cà phê ven đường. Tôi cũng ấn tượng với sự thân thiện, lòng dũng cảm, sự chăm chỉ và cả sự chân thật của họ nữa.

Ông Christian Manhart ấn tượng với sự thân thiện, lòng dũng cảm, sự chăm chỉ và sự chân thật của người Việt. Ảnh nhân vật cung cấp

Ông Christian Manhart ấn tượng với sự thân thiện, lòng dũng cảm, sự chăm chỉ và sự chân thật của người Việt. Ảnh nhân vật cung cấp

Phóng viên: Việt Nam có khá nhiều di sản được UNESCO công nhận và Việt Nam cũng đã nỗ lực bảo tồn và phát huy các di sản này. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Ông Christian Manhart: Chính phủ, các ban ngành quản lý và địa phương đã bảo tồn rất tốt hầu hết các di sản thế giới. Người Việt đã hiểu được tác động tích cực của các di sản văn hóa và thiên nhiên đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Họ khai thác các di sản một cách có hệ thống nhằm thúc đẩy du lịch, kinh tế địa phương, và tăng cường lòng tự hào dân tộc. Tại UNESCO, chúng tôi có cùng mối quan tâm và mục tiêu, đồng thời hợp tác chặt chẽ, tin cậy và hiệu quả với chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực di sản, ở cả cấp quốc gia và địa phương.

Phóng viên: Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để thúc đẩy giá trị của các di sản, tận dụng các di sản để phát triển văn hóa, kinh tế?

Ông Christian Manhart: Việt Nam đã làm được rất nhiều. Theo tôi, một vài di tích cần cân bằng giữa phát triển và bảo tồn. Tôi nhận thấy tại nhiều di tích nổi tiếng, áp lực đối với việc xây dựng các cơ sở hạ tầng như đường sá, khách sạn, nhà cửa… là rất lớn. Nhưng quá nhiều công trình sẽ làm thay đổi di tích khiến các di tích mất đi nét quyến rũ ban đầu, làm giảm đáng kể trải nghiệm của du khách, và kết quả là sẽ phá hủy giá trị của di tích về lâu dài. Tất nhiên, để cân bằng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. UNESCO luôn sẵn sàng hỗ trợ.

 Nguyên Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart (bên trái) trong trang phục áo dài truyền thống của người Việt. Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã dành nhiều thời gian để khám phá các điểm đến trên khắp đất nước hình chữ S và thưởng thức đặc sản các vùng miền. Ảnh nhân vật cung cấp

Nguyên Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart (bên trái) trong trang phục áo dài truyền thống của người Việt. Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã dành nhiều thời gian để khám phá các điểm đến trên khắp đất nước hình chữ S và thưởng thức đặc sản các vùng miền. Ảnh nhân vật cung cấp

Phóng viên: Việt Nam đang sắp đón Tết Nguyên đán. Ông đã từng đón Tết Việt chưa? Ông cảm nhận như thế nào về Tết Việt, thưa ông?

Ông Christian Manhart: Tôi may mắn từng được đón Tết cùng bạn bè người Việt và tôi thật sự thích điều đó. Tôi đã đón Tết tại sự kiện do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức, thưởng thức màn biểu diễn múa lân sư hoành tráng, trình diễn các nghề thủ công, các món ăn đặc trưng của ngày Tết và nhiều cuộc giao lưu khác nữa. Tôi thật sự rất thích.

Phóng viên: Ông có định quay trở lại Việt Nam? Nếu có thì đâu là nơi ông muốn đến nhất và món ăn nào là món ăn ông muốn ăn nhất và tại sao?

Ông Christian Manhart: Chắc chắn rồi! Tôi sẽ thăm Việt Nam trong năm nay và rất mong ngóng đến ngày đó. Tôi sẽ đi thăm Hà Nội, nơi tôi thấy như được ở nhà mình vậy. Tôi cũng sẽ trở lại Huế, Hội An, Đà Nẵng và tất nhiên, sẽ ăn phở và các món hải sản rất ngon của Việt Nam. Phải nói rằng tôi đã rất nhớ Việt Nam và các bạn của tôi ở đó.

Ông Christian Manhart tham dự và phát biểu tại cuộc hội thảo khoa học quốc tế về di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, tháng 9-2022. Với nguyên Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, Hà Nội là nhà. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam

Ông Christian Manhart tham dự và phát biểu tại cuộc hội thảo khoa học quốc tế về di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, tháng 9-2022. Với nguyên Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, Hà Nội là nhà. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam

Phóng viên: Nếu miêu tả Việt Nam bằng 3 từ thì 3 từ đó là gì thưa ông?

Ông Christian Manhart: Sự thân thiện của người Việt; nét văn hóa thể hiện qua sự đa dạng văn hóa của người Việt, qua những gì hữu hình như di tích, đền thờ, cung điện hoặc lăng tẩm, cũng như những gì phi vật thể như âm nhạc, điệu nhảy dân gian, điệu nhảy truyền thống, thơ, văn học và văn hóa của đồng bào dân tộc; và biển. Tôi rất thích đường bờ biển dài và đẹp của Việt Nam và sự đa dạng đáng kinh ngạc của biển, từ Vịnh Hạ Long cho đến Đà Nẵng, Hội An, Đồng bằng sông Cửu Long, quần đảo Cát Bà, Côn Đảo, Phú Quốc.

Phóng viên: Cảm ơn ông rất nhiều. Chúc ông mọi điều tốt lành.

MAI HƯƠNG - TRẦN HOÀI(ghi)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/nguyen-truong-dai-dien-unesco-tai-viet-nam-ha-noi-nhu-nha-toi-vay-762642