Nguyễn Trương Quý: Hà Nội là một chiến địa văn hóa hấp dẫn

Chỗ chúng tôi ngồi là một quán cà phê ở ngã tư Bùi Thị Xuân - Tô Hiến Thành. Số nhà bên cạnh, 124 Bùi Thị Xuân, xưa là 124 Duvigneau - cư xá sinh viên Nam kỳ, nơi Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ và Nguyễn Thành Nguyên tá túc trong những ngày đầu bỡ ngỡ ra Hà Nội học. Nguyễn Trương Quý thả bộ về phía căn biệt thự cũ nay còn vướng vít chút hoài niệm, chạm tay vào bức tường thời gian và chúng tôi cùng trò chuyện về khung trời kỷ niệm Hà Nội một thời.

Đây là ba nhân vật trong nhiều nhân vật và nhiều câu chuyện mà tác giả khảo cứu trong hai cuốn sách vừa ra mắt và sắp sửa tới tay bạn đọc: Triệu dấu chân qua những cửa ôThời thanh xuân của tân nhạc ái quốc. Lần nào tới, Nguyễn Trương Quý cũng mang theo một bí mật, một câu chuyện Hà Nội để kể cho chúng ta.

Nguyễn Trương Quý từng được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Ảnh: Đậu Dung

Nguyễn Trương Quý từng được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Ảnh: Đậu Dung

Thời nào, con người cũng tìm cách biểu đạt bản ngã

Dù định bật lên câu hỏi: “Nguyễn Trương Quý lại viết gì về Hà Nội thế” nhưng tôi phải “rén” lại. Bởi tôi biết lần nào xuất hiện, anh cũng có một điều gì đó để kể. Lần này là gì vậy?

Không chủ đích nhưng thật tình cờ, hai cuốn sách lại ra cùng đợt. Ở cuốn du khảo Triệu dấu chân qua những cửa ô, tôi chọn biểu tượng cửa ô - những lối “nhập thành” để tìm hiểu câu chuyện của đời phố thông qua những trang thơ, bản nhạc… Đó có thể là những ngã tư dặt dìu cung bậc âm dương, cảm thức về lẽ phế hưng, các triều đại lần lượt qua đi nhưng bóng dáng ẩn hiện trong các không gian cộng đồng giữa lòng phố nối tiếp một cảm thức lan truyền trí tuệ và văn hóa.

Cũng có thể là thời gian đựng trong một màu ngói cũ, ánh nê-ông pha biếc buổi chiều (lấy từ câu thơ nổi tiếng của Bằng Việt)… Hay hình ảnh một chiếc xe đạp nhanh giữa phố đại diện cho nỗi hoài niệm lãng mạn, những từ “hỏa xa”, “thiết lộ”… vang lên trong trí óc… Đó là những câu chuyện khó xếp vào một chủ đề duy nhất, nằm ở khoảng giao thoa của rất nhiều chủ đề làm nên chân dung thành phố này.

Bìa hai cuốn sách mới của Nguyễn Trương Quý. Ngày 7.10, tác giả đã có buổi ra mắt sách "Triệu dấu chân qua những cửa ô" ở Hội sách Hà Nội, tại quảng trường tượng đài Lý Thái Tổ. Hiện tác giả đang chuẩn bị ra mắt cuốn kế tiếp "Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc"

Bìa hai cuốn sách mới của Nguyễn Trương Quý. Ngày 7.10, tác giả đã có buổi ra mắt sách "Triệu dấu chân qua những cửa ô" ở Hội sách Hà Nội, tại quảng trường tượng đài Lý Thái Tổ. Hiện tác giả đang chuẩn bị ra mắt cuốn kế tiếp "Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc"

Còn trong cuốn Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc, tôi chọn khảo dựng lại một giai đoạn hết sức đặc biệt: những năm 1940 của thế kỷ trước, gắn với những bài hát tân nhạc chủ đề thanh niên - lịch sử, sự ra đời và hoạt động của Ban Âm nhạc Tổng hội Sinh viên Đại học Đông Dương với hạt nhân trung tâm là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cùng nhóm Hoàng Mai Lưu và mối liên hệ, giao thoa giữa họ với các hội đoàn văn hóa đương thời, đặc biệt tìm hiểu mối tương quan về sáng tạo với Văn Cao và nhóm Đồng Vọng ở Hải Phòng hay các nhóm nhạc sĩ trẻ đầu tiên của tân nhạc như Triceá, Myosotis ở Hà Nội.

Tôi muốn đi tìm một câu chuyện văn hóa về việc các hội đoàn xã hội đã can dự vào cuộc đấu tranh giải thực và sự chuyển hóa của chúng dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc ra sao.

Cũng như những cuốn sách về Hà Nội trước, hai cuốn này chọn mốc khảo sát là một trăm năm trở lại. Vì sao không phải là một lịch sử dài hơn của mảnh đất này?

Tôi lấy khoảng thời gian ước định một trăm năm là vì có ý tìm một sự đối chiếu giữa hôm nay, thập niên thứ hai của thế kỷ XXI với những năm đầu thế kỷ XX. Chính khoảng thời gian trăm năm trở lại đó đã định hình nên hình ảnh hiện đại của Hà Nội cũng như các đô thị khác ở Việt Nam.

Chọn thời gian này, có một thuận lợi đó là văn khố, thậm chí một số nhân chứng vẫn còn sống và tương đối liên quan tới vận hành của xã hội bây giờ. Thực sự, tôi có thể cảm thụ trực tiếp mà không bị vấp phải cây cầu chuyển ngữ từ Hán Nôm, hay từ một văn bản cổ nào sang…

Từ trái: Mai Văn Bộ, Nguyễn Thành Nguyên, Lưu Hữu Phước năm 1941 (Ảnh tư liệu gia đình Mai Văn Bộ)

Từ trái: Mai Văn Bộ, Nguyễn Thành Nguyên, Lưu Hữu Phước năm 1941 (Ảnh tư liệu gia đình Mai Văn Bộ)

Theo anh, bước chuyển đó gắn với sự tạo dạng Hà Nội ngày nay ra sao?

Bước chuyển đó gắn chặt với quá trình tạo dựng ra một nền văn hóa nghệ thuật được ghi lại bằng văn bản một cách có hệ thống. Nó cũng là môi trường phát lộ những đặc trưng nhất của con người Việt Nam trước biến thiên của thời đại. Thế kỷ XIX trở về trước, những ghi chép về suy tư của con người được hiện diện trong những văn bản để lại còn khá thưa thớt.

Sang những thập niên đầu thế kỷ XX, dưới ảnh hưởng của văn hóa Pháp, các kỹ nghệ in ấn và xuất bản đã mở ra các diễn đàn, truyền thông văn hóa, tạo nên từng đợt sóng thay đổi diện mạo xã hội Việt Nam mạnh mẽ. Trên phương diện rộng, ta có cảm giác vậy, nhưng điều đó diễn ra rất nhanh. Vì nhanh nên nhiều sự kiện, nhiều chuyện đã bị quên hoặc bị bỏ qua. Tôi muốn tìm hiểu lại những điểm mờ đó, cắt nghĩa những dấu hỏi bao quanh.

Càng tìm hiểu, tôi càng nhận ra sự gắn kết giữa con người với nhau trong xã hội Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn còn rất đậm nét. Nó cho thấy đây là một xã hội đang phát triển, có yếu tố cộng đồng, quần cư, tiền công nghiệp vẫn rất mạnh.

Thủ bút hồi ức của Lưu Hữu Phước về bài hát “Tiếng gọi sinh viên” – Tư liệu Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

Thủ bút hồi ức của Lưu Hữu Phước về bài hát “Tiếng gọi sinh viên” – Tư liệu Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

Hà Nội ở đâu trong sự chuyển động của xã hội - văn hóa Việt Nam khi đó?

Ở vị trí đầu tàu, Hà Nội trở thành chiến địa văn hóa. Xuất phát từ địa thế của một đế đô, đây là nơi tập trung nhiều cơ quan quyền lực, cũng đồng nghĩa với giao tranh quyền lực. Là nơi “thí nghiệm” cho các hệ tư tưởng, các hệ hình văn hóa. Từ thời thuộc địa, người Pháp đã nhìn ra có thể xây dựng một chân dung thuộc địa kiểu mẫu với hạt nhân văn hóa là mảnh đất này.

Dù có sự kiểm soát, cai trị thì quá trình triển khai chính sách văn hóa của Pháp đồng thời cũng mở ra những diễn đàn văn hóa, từ đó khơi mào cho những cao trào của các cuộc vận động chính trị về sau. Là một người viết, tôi không thể bỏ qua diễn biến chính trị đó.

Địa thế ấy tạo ra tính phức tạp lẫn phức hợp trong bản sắc văn hóa đô thị. Rất nhiều nhưng giờ còn lại bao nhiêu?

Mọi người hay hỏi liệu những giá trị đó còn dư địa tới bây giờ không? Thực sự, nói đến vận động về mặt chính trị xã hội, Hà Nội bây giờ vẫn giữ mô hình như thế. Nó vẫn là chỗ người ta phải tranh đấu nhiều để khẳng định được vị thế của họ. Hay những câu chuyện văn hóa dù có bị dịch chuyển mạnh bởi tác động của công nghệ thì thông điệp vẫn thế.

Thời nào, con người cũng tìm cách biểu đạt bản ngã cá nhân, tâm thế thế hệ… của mình. Đây là những chỉ số để đo được sự phát triển, thăng hoa, ổn định của một đô thị.

Tàu điện trên phố Hàng Đào năm 1940. Ảnh: Harrison Forman

Tàu điện trên phố Hàng Đào năm 1940. Ảnh: Harrison Forman

Một số loại vé tàu điện Hà Nội qua các thời kỳ. Ảnh: TGST

Một số loại vé tàu điện Hà Nội qua các thời kỳ. Ảnh: TGST

Sao vẫn lưu luyến không ngừng?

Lang thang Hà Nội bây giờ rất mệt. Vậy mà anh vẫn giữ được cho mình một tâm thế vừa đi vừa viết về Hà Nội đấy?

Đúng là rất mệt, dễ căng thẳng. Nhưng tôi tự hỏi vì sao Hà Nội vẫn còn những nơi chốn, những câu chuyện khiến mình lưu luyến không ngừng nhỉ? Chỗ ngã tư Bùi Thị Xuân – Tô Hiến Thành này đây, ngày xưa có một cây hoa giấy trổ bông rất đẹp; giờ không còn, tôi cứ tiếc mãi. Ngay bên cạnh chỗ này, trước là cư xá sinh viên Nam kỳ - nơi ba nhân vật (Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ và Nguyễn Thành Nguyên) trong cuốn Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc từng tá túc trước khi chuyển đến ở số nhà 60 phố Thể Dục (Wíelé, nay là phố Tô Hiến Thành, góc giao với phố Bùi Thị Xuân).

Ở đó, một buổi sớm rất lạnh, đúng Tết Dương lịch năm 1943, qua lời “mách” của nhà thơ Thế Lữ, cô nữ sinh Đồng Khánh tên Phạm Thị Minh Nguyệt, thay mặt tập thể nữ sinh đến gõ cửa nhờ Lưu Hữu Phước phổ nhạc một kịch bản bằng thơ. Vì chưa bao giờ phổ thơ nên Lưu Hữu Phước đã từ chối; nhưng vì thái độ khẩn khoản của cô nàng, anh chàng Nam kỳ đã xiêu lòng.

Đó là nguồn cơn dẫn đến bản ca kịch Tục lụy (phổ nhạc từ tác phẩm của Khái Hưng) - một trong những nhạc phẩm lãng mạn hiếm hoi của Lưu Hữu Phước viết khi ở Hà Nội. Chỉ một câu chuyện nhỏ được mở lại thế thôi cũng khiến tôi rất thích thú.

Nguyễn Trương Quý trong một dịp trò chuyện với hậu duệ của 3 thành viên chủ chốt nhóm Hoàng Mai Lưu, tại TP.HCM ngày 9.6.2022: nghệ sĩ cello Huỳnh Mai Hương, kỹ sư Mai Xuân Lộc (hàng trước) và nhạc sĩ Lưu Hữu Chí. Ảnh: TLNV

Nguyễn Trương Quý trong một dịp trò chuyện với hậu duệ của 3 thành viên chủ chốt nhóm Hoàng Mai Lưu, tại TP.HCM ngày 9.6.2022: nghệ sĩ cello Huỳnh Mai Hương, kỹ sư Mai Xuân Lộc (hàng trước) và nhạc sĩ Lưu Hữu Chí. Ảnh: TLNV

Hay như chuyện nhóm Lưu Hữu Phước tổ chức đạp xe đi Bắc Ninh, Kiếp Bạc, Đông Triều, Hòn Gai, Hải Phòng, qua sông Bạch Đằng và vịnh Hạ Long – những nơi diễn ra các trận chiến chống ngoại xâm trong lịch sử; chuyện họ mua một lư hương, các tối chủ nhật, lại tắt đèn, đốt hương trầm ngồi khóc với nhau trong một niềm rạo rực tình yêu nước để rồi ra một loạt ca khúc cổ vũ tinh thần.

Điều đó cũng khiến tôi muốn cắt nghĩa vì sao những thanh niên Nam kỳ xa xôi ấy lại yêu miền Bắc đến thế. Hay như chuyện thời đó, các hội đoàn hết sức phức tạp. Sao ca khúc của Lưu Hữu Phước bị tranh chấp, được sử dụng bởi những hội đoàn và chính thể khác nhau? Tôi muốn tìm cơ chế chứa đựng sự phức tạp ấy. Để thấy lịch sử không diễn ra phẳng lặng mà có những uẩn khúc… gọi mời những khám phá, tìm hiểu, để những câu chuyện trong bóng tối có cơ hội được kể ra.

Các sinh viên lên đường đi thăm di tích lịch sử bằng xe đạp. Lưu Hữu Phước đứng thứ tư từ trái qua, quàng khăn trắng, mặc quần dài trắng. Ảnh: TLTG

Các sinh viên lên đường đi thăm di tích lịch sử bằng xe đạp. Lưu Hữu Phước đứng thứ tư từ trái qua, quàng khăn trắng, mặc quần dài trắng. Ảnh: TLTG

Hai cuốn sách mới của anh đề cập đến không gian tinh thần của đô thị. Không gian ấy đang như thế nào?

Nhiều khi, nhìn thành phố phát triển và biến đổi nhanh quá cũng khiến tôi bàng hoàng. Cũng nhiều cái mất đi khiến mình tiếc nuối nhưng không níu kéo được vì nhiều lý do.

Hà Nội trong tâm trí của Nguyễn Trương Quý ra sao nhỉ?

Tôi nhớ hồi lớp Một hay lớp Hai gì đó, trong sách giáo khoa và trong cuốn Nghìn xưa văn hiến (Trần Quốc Vượng, Nguyễn Từ Chi, Nguyễn Cao Lũy) có những hình vẽ minh họa một số di tích lịch sử của Hà Nội, tôi đòi bố chở lên phố xem những công trình ấy cho bằng được. Rồi sau này, có những lần đi qua phố cổ, cảm giác nó như một cái làng rất khác biệt.

Ở đây không có trâu bò, rơm rạ nhưng nói phố thì chưa hẳn phố, có gì đó rất hoang đường, siêu thực… Sau đó, có một lần, gặp cảnh đó trong tập sách tranh của cụ Bùi Xuân Phái, tôi đã thốt lên: “Ôi, đã có những lúc Hà Nội như thế này mà”. Ở đây, tôi không nói chuyện xấu đẹp, tiến bộ hay thụt lùi… mà một cảm giác gì đó rất thú vị. Sau này, có điều kiện đi một số nơi trên thế giới, tôi nhận ra rằng để có sự thú vị đó rất khó. Đến một thành phố đẹp, sạch và tinh hoa thì dễ; nhưng đến một thành phố mà nó thu hút mình, khiến mình thấy thú vị thì rất ít nơi.

Xe đạp trên đường Thanh Niên thập niên 1960. Ảnh: TGST

Xe đạp trên đường Thanh Niên thập niên 1960. Ảnh: TGST

Không có lịch sử nào không hay

Tôi từng đọc cuốn Rock Hà Nội và Rumba Cửu Long của Jason Gibbs hay Tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu của Phạm Duy. Khi nói về tân nhạc Việt Nam, hai tác giả này chỉ “đá” qua một dung lượng rất nhỏ dành cho nhạc hùng. Vì thế, khi đọc bản thảo Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc của anh, tôi rất thích khi có người đưa một vi lịch sử đó của Hà Nội ra ánh sáng…

Trong hình dung của nhiều người, tân nhạc thường được gắn với những ca khúc nhạc tình, lãng mạn, lời ca hoa mỹ, tình tứ mà quên mất còn có nhạc sử thi chủ đề thanh niên - lịch sử (Phạm Duy gọi là nhạc hùng) - vốn là hai mặt xoắn vào nhau làm nên diện mạo của tân nhạc Việt Nam. Lúc học cao học, tôi từng được tiếp cận lý thuyết liên quan đến nền tảng của truyền thông nhà nước, được nghe về khái niệm các cộng đồng tưởng tượng – yếu tố rất quan trọng chi phối các diễn ngôn chính trị, văn hóa… và các sản phẩm văn hóa tạo nên “nhà nước” như quốc ca, hành khúc tập hợp lực lượng…

Vì thế, tôi đã chú ý đến đề tài đó rồi. Âm hưởng của những bài ca này khơi gợi những tâm tình về cộng đồng là yếu tố quyết định thành công của họ. Chúng có khả năng vượt ra khỏi phạm vi đô thị để thẩm thấu đến vùng nông thôn chính là nhờ những diễn ngôn về cộng đồng có màu sắc huyền thoại “con Lạc cháu Hồng”.

Những bài hát ái quốc được viết ra trong nửa đầu thập niên 1940 của các ban nhóm hay các cá nhân đã trở thành phương tiện đóng góp cho cao trào giải phóng dân tộc năm 1945, trong đó một số bài đã trở thành nghi thức của quốc gia mới: những bản quốc ca.

Bìa bản nhạc “Ta cùng đi” (NXB Tinh hoa, 1951); Bản nhạc “Xếp bút nghiên” trong tập “Tráng sĩ ca” (Tập 1, NXB Lửa Hồng, Hà Nội 4.1945); Bìa tờ nhạc “Hồn tử sĩ” (Hoàng Mai Lưu xuất bản 1945 – Tư liệu của Vũ Hà Tuệ); Bản nhạc “Sông Bạch Đằng” (trên tờ Tri Tân 61 - 16.9.1912)

Bìa bản nhạc “Ta cùng đi” (NXB Tinh hoa, 1951); Bản nhạc “Xếp bút nghiên” trong tập “Tráng sĩ ca” (Tập 1, NXB Lửa Hồng, Hà Nội 4.1945); Bìa tờ nhạc “Hồn tử sĩ” (Hoàng Mai Lưu xuất bản 1945 – Tư liệu của Vũ Hà Tuệ); Bản nhạc “Sông Bạch Đằng” (trên tờ Tri Tân 61 - 16.9.1912)

Hỏi thật, khi làm khảo cứu về nhạc yêu nước giai đoạn này, Nguyễn Trương Quý không sợ sách ra sẽ “ế” ư? Mảng đề tài này rất kén độc giả đấy!

Lúc đầu, tôi cũng khá sốt ruột. Một số người biết ý định của tôi thì nghi ngờ không biết có ai đọc. Có người còn hỏi sao Quý không kết hợp với một viện nghiên cứu hay cơ quan nhà nước nào đó để làm. Lâu nay, những nghiên cứu về chính thể, về những sản phẩm tuyên truyền thường bị mặc định là những thứ “cúng cụ"… Khi học về truyền thông, tôi hiểu rằng, mảng này rất quan trọng. Nếu người Việt Nam không giải mã được lịch sử của mình, kể cả thứ lịch sử mà ta cho rằng không hay thì không có lịch sử nào hay cả. Mọi lịch sử đều hay hết. Bây giờ, cũng có những bạn trẻ dường như lại có xu hướng tuyệt đối hóa các giá trị đến cực đoan.

Thực ra, thời gian đã dạy chúng ta một điều: không có gì là tuyệt đối cả. Tôi ví dụ, giờ có nhiều người mạt sát, chê trách những người từng đấu tố những người trong phong trào Nhân văn Giai phẩm… Nhìn lại là cần thiết; nhưng điều quan trọng là phải làm gì để tránh những câu chuyện tương tự như thế xảy ra. Lịch sử là một khối rubic đa chiều. Nhìn nhận đúng - sai, đôi khi cũng phải rất cần sự dũng cảm. Lắm lúc, ta cũng cần phải vượt qua định kiến của bản thân mình.

Nguyễn Trương Quý tại 124 Bùi Thị Xuân, xưa kia là 124 Duvigneau - cư xá sinh viên Nam Kỳ một thời. Ảnh: Đậu Dung

Nguyễn Trương Quý tại 124 Bùi Thị Xuân, xưa kia là 124 Duvigneau - cư xá sinh viên Nam Kỳ một thời. Ảnh: Đậu Dung

Sau hai cuốn sách này, anh có đang ấp ủ một khảo cứu nào về Hà Nội nữa không?

Tạm thời, tôi sẽ ngừng mảng khảo cứu một thời gian. Tôi đang có một truyện dài, nói về sự biến đổi của không văn hóa đô thị thông qua một lớp người cụ thể. Một câu chuyện hiện đại thôi, không phải quá xưa, nhưng vẫn phải giải quyết món nợ của họ về niềm tin, tìm ra bản sắc của mình ngay ở nơi chốn đang biến đổi hằng ngày.

Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Đậu Dung thực hiện

Đừng gọi tôi là “nhà Hà Nội học”

Nguyễn Trương Quý sinh năm 1977, sống ở Hà Nội, từng được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2019 cho tác phẩm du khảo Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca. Một số sách tản văn, khảo cứu khác của Nguyễn Trương Quý đã xuất bản: Tự nhiên như người Hà Nội, Ăn phở rất khó thấy ngon, Hà Nội là Hà Nội, Xe máy tiếu ngạo, Còn ai hát về Hà Nội, Mỗi góc phố một người đang sống, tập truyện ngắn Dưới cột đèn rót một ấm trà… Có lẽ vì tên tuổi anh gắn với nhiều khảo cứu về Hà Nội, am hiểu sâu rộng về Hà Nội, mà trên báo chí đã có người gọi anh là “nhà Hà Nội học”.

“Nghe kêu leng keng quá nhỉ? Chắc mọi người gọi cho vui thôi, chứ khi nói “Hà Nội học”, phải là người có một nghiên cứu quy hoạch tổng quan, hiểu về tình hình kinh tế- xã hội… của Hà Nội. Tôi chưa đủ tầm tri thức hay bách khoa thư để được gọi là “nhà Hà Nội học” đâu. “Nhà Hà Nội học” phải cỡ như cụ Nguyễn Văn Uẩn ấy. Những khảo cứu của ông là những khảo cứu mà tôi dùng để tham khảo nhiều lần”, Nguyễn Trương Quý bày tỏ.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nguyen-truong-quy-ha-noi-la-mot-chien-dia-van-hoa-hap-dan-36772.html