Nguyễn Văn Tỉnh - Trưởng thôn say việc nước, việc dân
BHG - “Sẵn sàng gác lại việc nhà để lo việc của thôn, của dân; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của người đảng viên; không ngại khó, ngại khổ, hễ thấy việc có lợi cho dân sẽ hết sức làm nên ông là cầu nối xây dựng khối đại đoàn kết và để người dân thêm tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng” - đó là ấn tượng, tình cảm của người dân thôn Tiến Thắng, xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) khi nói về Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nguyễn Văn Tỉnh, người nhiều năm “vác tù và” giúp người dân có cuộc sống ấm no.
Năm nay đã ở tuổi 61 nhưng Trưởng thôn Tiến Thắng, Nguyễn Văn Tỉnh vẫn luôn miệt mài với việc làng, việc xã, bởi ước nguyện được đóng góp sức lực xây dựng quê hương đã thôi thúc ông từ thuở thiếu thời. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Phương Thiện, như bao chàng trai người Tày, thanh niên Nguyễn Văn Tỉnh khi tròn 19 tuổi bén duyên với cô thiếu nữ xinh đẹptrong thôn. Nhưng chỉ sau đó một năm, đôi vợ chồng son đành giấu nỗi nhớ thương để anh vững tay súng bảo vệ biên cương khi anh trở thành người lính Biên phòng thuộc Đồn Biên phòng Bản Máy (Hoàng Su Phì). Sau 9 năm bám đá giữ vững bình yên nơi biên giới, anh trở về làng quê cùng vợ con vun đắp cuộc sống gia đình.
Nhận thấy Nguyễn Văn Tỉnh là người có tiếng nói trong cộng đồng, được rèn giũa trong quân ngũ, có lối sống chan hòa, nhiệt tình nên năm 2007 - 2008, bà con nhân dân thôn Tiến Thắng đồng lòng bầu làm Trưởng thôn. Không ngừng cống hiến công sức gánh vác trọng trách công việc của thôn, những năm sau đó ông còn tham gia làm Trưởng ban công tác mặt trận thôn và Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Phương Thiện. Với quan điểm lựa chọn những người thực sự ưu tú, có tâm, có đức, có tài nên năm 2014, Chi bộ thôn Tiến Thắng kết nạp Nguyễn Văn Tỉnh vào Đảng, khi đó ông đã ở tuổi gần 50. Sau đó 6 năm, do “nói được, làm được” nên dù tuổi cao nhưng cái duyên với việc làng lại đến khi bà con trong thôn tiếp tục bầu ông làm Trưởng thôn cho đến nay.
Được giao trọng trách đúng vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đời sống đồng bào các dân tộc ở thôn còn nhiều phong tục, tập quán lạc hậu như một “liều thuốc thử” bản lĩnh đảng viên Nguyễn Văn Tỉnh. Ông đã cùng Ban chi ủy Chi bộ thôn Tiến Thắng xây dựng khối đoàn kết, bàn bạc, thống nhất các nội dung trước khi triển khai. Không ngại khó, ngại khổ, ông linh hoạt trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân phòng, chống dịch bệnh thông qua các nhóm zalo; lấy ý kiến thống nhất trong nhân dân để tạo sự đồng lòng, quyết tâm xóa bỏ hủ tục; huy động sức dân để xây dựng đường bê tông theo chương trình Nông thôn mới.
Bên ấm chè nóng, ông Tỉnh chậm rãi kể về hủ tục, tập quán lạc hậu đã “bám rễ” trong nhận thức, đời sống văn hóa đồng bào dân tộc Tày. Ông kể: Khi nhà có bố hoặc mẹ qua đời, mỗi người con gái đi lấy chồng phải mang lễ đến báo ơn; mỗi lễ có lợn, xôi, rượu, cành phướn; nhà đông con gái có đến cả chục lễ nên rất tốn kém. Việc đi đón con gái vào làm lễ và mỗi người phải làm lễ riêng nên mất nhiều thời gian. Đặc biệt, việc làm nhà táng bằng tre, nứa theo phong tục địa phương phải cần từ 6 - 8 thanh niên trai tráng làm từ 1 - 2 ngày mới xong; khi đưa đi chôn cất thì nhà táng này lại bị đốt bỏ. Quan niệm của người Tày kiêng làm đám tang vào những ngày giáp Tết hoặc ngày chuyển giao của tháng, nhất là việc chôn cất phải xem được ngày tốt nên có những đám kéo dài nhiều ngày.
Đưa Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống, ông Tỉnh đã cùng với chi bộ thống nhất cách thức tuyên truyền, vận động; vừa mềm dẻo, vừa cương quyết và nhất quán quan điểm “lấy cái đẹp dẹp các xấu”; tổ chức cho các hộ ký cam kết thực hiện. Nêu cao tinh thần gương mẫu của đảng viên, ông tổ chức họp gia đình, dòng họ để thống nhất phải thực hiện theo nếp sống mới. Đồng thời, đi từng ngõ, gõ từng nhà để vận động nhân dân cùng thực hiện. Những ngày cuối năm 2022, bố của đảng viên Nguyễn Văn Sèn, thôn Tiến Thắng qua đời, mọi người trong gia đình, dòng họ chọn ngày tốt 3 ngày sau mới làm đám tang. Nhận thấy gia đình không thực hiện theo Nghị quyết 27, ông Tỉnh đã “đánh” vào tâm lý người đảng viên để vận động, giúp gia đình anh Sèn mạnh dạn thay đổi để làm tiền lệ cho những hộ khác sau này. Anh Sèn chia sẻ: “Nếu không có sự động viên kịp thời cũng như sự kiên trì, quyết tâm của ông Tỉnh có lẽ gia đình tôi vẫn giữ theo phong tục cũ. Sau khi gia đình tôi mời thầy tạo làm lễ rước vong hồn đi chôn trước nên đám tang được tổ chức theo hương ước, quy ước. Kể từ sau đám tang của bố tôi, các hộ khác trong toàn thôn Tiến Thắng đã thực hiện xóa bỏ hủ tục, cắt bỏ các phần lễ rườm rà; đám cưới cũng không tổ chức linh đình như trước nữa”.
Hiểu được “dân là gốc”, “sức nước sức dân” theo lời Bác dặn nên khi nhận thấy chương trình xây dựng Nông thôn mới mang lại nhiều lợi ích cho bà con nhân dân, Trưởng thôn Nguyễn Văn Tỉnh đã gác lại việc nhà để “vác tù và” hàng ngày đi tuyên truyền, vận động, huy động sức người, sức của và trực tiếp cùng người dân làm đường bê tông nông thôn. Từ việc coi trọng sức dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa người dân trong thôn trở thành chủ thể xây dựng Nông thôn mới; để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” nên từ năm 2020 đến nay, thôn Tiến Thắng làm được 9 tuyến đường bê tông rộng 3 m, dày 16 cm với tổng chiều dài 2.380 m; riêng năm 2023, ông Tỉnh đã đứng ra vận động ủng hộ của các tổ chức, cá nhân được 480 triệu đồng để làm 1.300 m đường bê tông.
Có lẽ ít ai nghĩ rằng cổng chào của một thôn lại được xây dựng to đẹp, khang trang với số tiền gần 120 triệu đồng hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa mà công lao lớn nhất thuộc về người Trưởng thôn Nguyễn Văn Tỉnh khi đã đứng ra huy động sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Ông còn thống nhất với nhân dân chia 15 nhóm vệ sinh, tự quản và tiến hành dọn dẹp đường làng, ngõ xóm 2 lần/tháng để giúp thôn luôn sáng, xanh, sạch, đẹp. Do các tuyến đường từ trục chính của thôn dẫn vào các khu xóm thường nhỏ, chủ yếu đường đất nên gây khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển nông sản nên Trưởng thôn Nguyễn Văn Tỉnh kiên trì tuyên truyền, phân tích cho bà con hiểu ý nghĩa của việc làm đường bê tông; nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên nên sau khi vận động, đảng viên Nguyễn Thị Tinh đã hiến 3 m đất mặt đường lớn để mở đường vào xóm, nơi mà trước đây chỉ có thể đi lọt một chiếc xe máy. Từ đó, nhiều hộ dân hiến đất làm đường, trở thành phong trào rộng rãi trong toàn thôn Tiến Thắng. Mặc dù việc làm đường bê tông được phân công cho 4 đội sản xuất của thôn nhưng để đảm bảo hiệu quả, chất lượng công trình, Trưởng thôn Nguyễn Văn Tỉnh vẫn thường xuyên cùng làm với bà con và giám sát việc thực hiện. “Nhiều lúc gia đình không muốn cho đi làm vì thấy vất vả nhưng xác định bản thân là đảng viên lại được bà con tin tưởng nên khi thấy việc có lợi cho dân, cho thôn thì tội gì không làm” - ông Tỉnh vui vẻ nói.
Với bản tính hiền lành, dễ gần nên gia đình Trưởng thôn Nguyễn Văn Tỉnh luôn được mọi người trong thôn yêu mến; những buổi tập văn nghệ cũng thường diễn ra trong ngôi nhà sàn khang trang, sạch sẽ được treo nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành dành cho những cống hiến của người Trưởng thôn trong suốt nhiều năm qua. Chia tay người Trưởng thôn già khi bóng chiều dần buông sau lưng núi, hắt vạt nắng cuối ngày trên những thửa ruộng chín vàng, lúc này Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phương Thiện, Vũ Trọng Oanh mới nói nhỏ: “Thôn nào cũng có người Trưởng thôn như ông Tỉnh thì việc khó cũng thành dễ, mà niềm tin của nhân dân với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tự thế mà nâng lên”.