Nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học chỉ ra vướng mắc khi thực hiện Luật 34, Nghị định 99
Luật Giáo dục đại học chưa quy định thẩm quyền hủy bỏ việc công nhận Hội đồng trường, bổ nhiệm Hiệu trưởng trường tư thục.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có những chia sẻ về những vướng mắc trong thực hiện Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99/2019 tại hội thảo về quản trị và tự chủ đại học: “bàn về Quản trị và Tự chủ đại học sau Luật số 34/2018/QH14 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP" do Đại học Huế phối hợp với một số đại học trong nước và đối tác của Vương quốc Bỉ tổ chức vừa qua.
Theo bà Phụng thì những thông tin được chia sẻ lần này được bà đúc rút, tổng hợp lại trong quá trình làm việc của mình tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Vướng mắc trong hệ thống Luật Giáo dục đại học
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng, Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99/2019 chưa làm nổi bật được sự khác biệt về đặc điểm, sứ mạng, nhiệm vụ và quyền hạn giữa mô hình đại học/ trường đại học, giữa mô hình đại học quốc gia, đại học vùng và đại học có gì khác nhau?
"Luật 34 cũng chưa quy định rõ về “cấp có thẩm quyền công nhận, bổ nhiệm” đối với chức danh Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đại học công lập. Ở đây Luật chỉ quy định là công nhận thôi.
Nhưng không thể dừng ở việc công nhận thôi, mà còn phải thêm bổ nhiệm, bãi nhiệm nữa để đưa nó vào khuôn khổ của bộ máy công chức, viên chức”, bà Phụng phân tích.
Ngoài ra, Luật này chưa quy định về giải thể Hội đồng trường, cũng chưa có quy định về điều kiện hoạt động đào tạo của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài đào tạo cấp bằng của Việt Nam hoặc cấp bằng của nước sở tại...
Đây là những vấn đề sẽ gặp nhiều trong thực tiễn nên bà Phụng cho rằng, Luật cần bổ sung các nội dung này để có cơ sở thực hiện.
Giải quyết những vướng mắc ra sao?
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng thì Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99/2019 chưa ban hành quy định cụ thể, rõ ràng, thống nhất về thẩm quyền, trách nhiệm và mối quan hệ giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Hiệu trưởng.
Do đó, khuyến nghị quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học công lập quy định về phân định trách nhiệm và quyền hạn khác giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng.
“Các cơ sở giáo dục đại học công lập còn bị bó buộc về biên chế, không được tự chủ thuê chuyên gia, thủ tục cấp phép lao động nước ngoài không thuận lợi.
Ngoài ra, cơ sở giáo dục đại học công lập cần được thực hiện tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự theo quy định, về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập…
Có quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhưng không làm tăng số lượng người làm việc hưởng lương, mức lương từ quỹ lương do ngân sách nhà nước cấp”, bà Phụng cho hay.
Thực tế trong triển khai Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99/2019 đã xảy ra nhiều vướng mắc, chồng chéo với các Luật khác, gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục đại học.
Điển hình như: Luật quản lý tài sản công không đồng bộ với việc chính sách giáo dục đại học được quy định sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư các dự án của trường;
Luật Ngân sách nhà nước không đồng bộ với việc Hội đồng trường được phê duyệt kế hoạch tài chính và quyết toán tài chính.
Luật Viên chức không cho phép các viên chức tham gia quản lý doanh nghiệp khoa học công nghệ trực thuộc các cơ sở giáo dục đại học.
Luật Đầu tư chưa cụ thể việc phát triển đối tác công tư trong thu hút các nguồn lực phát triển đầu tư, nghiên cứu khoa học, thương mại hóa sản phẩm khoa học.
“Đối với những vướng mắc, chồng chéo giữa Luật Giáo dục đại học và các luật khác thì xu hướng chung để giải quyết là đưa về luật ngành với những quy định chi tiết, cụ thể”, bà Phụng nói thêm.