Nguyễn Xuân Son: 'canh bạc' nhiều may rủi của VFF
Phong độ chói sáng Nguyễn Xuân Son ở ASEAN Cup 2024 xua đi những nghi ngại ban đầu về chính sách sử dụng cầu thủ nhập tịch ở đội tuyển Việt Nam, nhưng nó không đảm bảo chấm dứt tranh luận liên quan vấn đề này.
Cách đây nhiều năm khi được hỏi về vấn đề sử dụng cầu thủ nhập tịch ở đội tuyển Việt Nam, nguyên Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Hùng Dũng từng chia sẻ đại ý, ông được “một người có tiếng nói rất trọng lượng” nhắc nhở rằng: khi nào Thái và Malaysia sử dụng cầu thủ nhập tịch thì Việt Nam dùng.
Đó thực tế là tuyên bố có tính “phủ quyết” đối với chính sách sử dụng cầu thủ nhập tịch của đội tuyển Việt Nam. Thời điểm trên ông Lê Hùng Dũng vẫn đương chức Phó chủ tịch phụ trách tài chính, nhưng tiếng nói ở VFF rất có sức nặng. Đội tuyển Việt Nam rốt cuộc chỉ dừng lại ở mức triệu tập một số cầu thủ nhập tịch cho các trận giao hữu nhưng khi vào giải chính thì loại bỏ, như Santos, Huỳnh Kesley Alves hay Đinh Hoàng La.
Ở Đông Nam Á, Singapore là nước đi đầu trong chính sách sử dụng cầu thủ nhập tịch. Nhưng ít người để ý rằng ngay tại nước này, các tranh cãi cũng nổ ra xoay quanh chính sách trên. Gần nhất Indonesia được nhắc tới rất nhiều với đội hình gồm hàng loạt cầu thủ nhập tịch dưới sự dẫn dắt của HLV Shin Tae-yong đã vào tới vòng loại cuối World Cup 2026 khu vực châu Á. Tuy nhiên ngay khi Indonesia chơi không tốt, dư luận xứ vạn đảo đã gây sức ép lớn lên PSSI, ông Shin Tae-yong cũng đối diện áp lực từ chức.
Điều này phản ánh thực tế, sử dụng cầu thủ nhập tịch là vấn đề hết sức nhạy cảm, ngay cả ở những quốc gia nổi tiếng “cởi mở” như Singapore. Ở bình diện quốc tế, cựu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter cũng từng chỉ trích xu hướng dùng cầu thủ nhập tịch tràn lan, thậm chí ví đây như “trò hề”.
Sự khác biệt có thể bắt nguồn từ 2 quan điểm khác nhau, và chắc chắn không có hồi kết. Phía cho rằng bóng đá chỉ đơn thuần là môn giải trí sẽ có xu hướng thoải mái hơn với việc sử dụng cầu thủ nhập tịch. Nhưng không thể phủ nhận số đông khác tin rằng bóng đá gắn với hình ảnh, niềm tự hào dân tộc, và những người này có xu hướng thích một đội tuyển “thuần chủng” hơn.
Hơn ai hết, VFF hiểu rõ điều này. Một lãnh đạo VFF từng chia sẻ tâm tư lo lắng trước khi Nguyễn Xuân Son hoàn thành thủ tục nhập tịch và đủ điều kiện thi đấu ở ASEAN Cup 2024. Cần biết rằng để anh được vào sân, VFF đã phải trải qua cuộc đấu pháp lý khá căng ở AFF. Tuy nhiên, VFF đến thời điểm trên cũng không thể chắc phản ứng của dư luận, đặc biệt trong trường hợp Xuân Son chơi không tốt. Trong quá khứ, sức ép từ phía dư luận và giới hâm mộ đã khiến không ít ghế lãnh đạo VFF phải lung lay.
Nếu Xuân Son chơi tốt, anh và đội tuyển Việt Nam có thể được tung hô. Nhưng nếu tiền đạo gốc Brazil đá kém, thậm chí tạo "scandal", VFF sẽ phải "giơ đầu chịu báng" vì quyết sách trên.
Ở khía cạnh khác, bản thân việc nhập tịch cũng là một lựa chọn khó khăn của các cầu thủ. Tiền vệ Mesut Ozil khi chia tay tuyển Đức đã cay đắng nói về việc mình bị phân biệt chủng tộc, thiếu tôn trọng. Ozil nói đại ý, “tôi là người Đức khi chúng tôi thắng, và nhập cư khi chúng tôi thất bại”.
Phong độ chói sáng của Xuân Son vừa qua không đồng nghĩa anh có thể tiếp tục duy trì được nó sau này hay không. Đó sẽ là một phép thử khác với cộng đồng và người hâm mộ bóng đá Việt Nam.
Tuy nhiên có thể tin rằng phản ứng của cộng đồng bên cạnh yếu tố chuyên môn, sẽ phụ thuộc phần nào đó vào cách Xuân Son thể hiện, hòa nhập với đồng đội cũng như cuộc sống ở Việt Nam.
ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024 được trình chiếu trực tiếp và trọn vẹn trên FPT Play, tại: http://fptplay.vn