Nhà bán lẻ làm gì để tăng doanh số smartphone khi thị trường vào 'vùng trũng'?
Thị trường điện thoại thông minh tại Việt Nam trong quý 2 được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn khi đây luôn là thời điểm doanh số kém nhất.
Trong báo cáo mới nhất của Canalys, thị trường điện thoại di động Đông Nam Á được dự báo tăng trưởng 7% trong năm 2024. Tuy nhiên báo cáo này cũng chỉ rõ Việt Nam là thị trường duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có doanh số bán điện thoại thông minh (smartphone) sụt giảm 2% xuống còn 848 ngàn chiếc trong tháng 1/2024.
Mặc dù sự suy giảm nhẹ trong doanh số bán có thể gây ra một số lo ngại nhưng cũng tạo ra cơ hội cho các nhà phân phối smartphone tại Việt Nam tìm ra các chiến lược phù hợp nhằm tăng thị phần và doanh thu.
Bước vào "vùng trũng"
Theo dự báo của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista, trong năm 2024, thị trường smartphone tại Việt Nam sẽ đạt 4 tỉ USD, mức tăng trưởng kép 1,45% trong giai đoạn từ năm 2024 đến 2028. Dự kiến đến năm 2024, doanh số tiêu thụ smartphone tại Việt Nam sẽ đạt 21,4 triệu chiếc.
Các hệ thống phân phối smartphone lớn tại Việt Nam đều kỳ vọng năm 2024 thị trường sẽ khởi sắc hơn. Trong quý 1, hàng loạt mẫu điện thoại ra mắt đã nhận được sự chào đón tích cực như Samsung Galaxy S24 Series, Vivo X Fold 3 hay Xiaomi Redmi 12 Series,...
Thế nhưng sau những màn "chào sân" đầy hứa hẹn của những flagship, nhiều nhà phân tích cho biết vào quý 2, thị trường điện thoại Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức khi đây là thời điểm "vùng trũng" với doanh số không khả quan.
Ông Nguyễn Thế Kha - Giám đốc Thương mại, Hệ thống FPT Shop cho biết thị trường điện thoại Việt Nam trong quý 2 sẽ chưa có nhiều điểm sáng vì theo lịch sử đây là giai đoạn "trũng" khi không có nhiều dòng sản phẩm mới ra mắt để kích thích nhu cầu thị trường.
"Bên cạnh các yếu tố vĩ mô về kinh tế cũng chưa khởi sắc ảnh hưởng không chỉ việc mua sắm điện thoại mà ảnh hưởng đến việc bán lẻ nói chung. Nên kịch bản tốt nhất sẽ là đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng cho giai đoạn cuối năm không chỉ nhờ việc hàng loạt flagship của hãng lớn ra mắt mà kinh tế có thể phục hồi để kích thích hoạt động mua sắm vào cuối năm," ông Kha cho biết.
Tuy nhiên, bà Kim Vân - Giám đốc Marketing Di Động Việt lại cho rằng trong quý tới, thị trường công nghệ, nhất là mặt hàng điện thoại di động sẽ tăng trưởng trở lại. Riêng tại hệ thống có thể tăng trưởng từ 15 - 25% so với quý 1.
Theo bà, việc ở quý 2 ít có sản phẩm mới lại là lợi thế tiêu thụ các dòng sản phẩm cũ bởi tâm lý chi tiêu của người dùng Việt Nam vẫn có số đông chọn phương án đợi sản phẩm về giá rẻ, giá hời kèm nhiều ưu đãi mới là lúc họ mua sắm. Vì vậy, dù thị trường quý 2 có thể thiếu sôi động do ít sản phẩm mới nhưng sức mua chưa chắc đã giảm vì các nhà bán lẻ đều có chiến lược kích cầu sức mua.
Giải bài toán tăng doanh thu cách nào?
Năm 2023 chứng kiến các doanh nghiệp bán lẻ bước vào "cuộc chiến" cạnh tranh về giá, nhưng nhu cầu tiêu dùng yếu trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại dẫn tới kết quả kinh doanh suy giảm, thậm chí thua lỗ.
Đến thời điểm hiện tại, các nhà phân phối điện thoại tại Việt Nam đều khẳng định sẽ không theo đuổi chiến lược cạnh tranh về giá trong dài hạn. Nhưng để giải bài toán tăng doanh thu trong quý 2, các doanh nghiệp vẫn có những chiến lược khác nhau để lôi kéo khách hàng gia tăng thị phần và lợi nhuận.
Ông Nguyễn Minh Khuê - Đại diện truyền thông Vietel Store nhận định chính sách chạy đua về giá hiện đã không còn hiệu quả.
"Hiện chúng tôi đang tập trung vào việc mở rộng bán hàng qua hệ sinh thái Viettel như đổi máy 4G cho thuê bao 2G, 3G, chăm sóc khách hàng VIP,... và đặc biệt chính sách mua trả góp trả trước từ 0 đồng, lãi suất 0% đang là phương thức mua hàng hấp dẫn giúp kích cầu mua sắm. Trong năm 2024 này, chúng tôi sẽ đầu tư nhiều hơn cho hệ thống bán hàng đa kênh hợp nhất, tận dụng lợi thế của các sản phẩm, dịch vụ số của Viettel và kinh doanh đa dạng sản phẩm hơn để chiếm lại thị phần."
Theo ông Nguyễn Lạc Huy - đại diện chuỗi cửa hàng CellphoneS, trong năm 2023 và các năm trước đó, thị trường Việt nam ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn nền chung của châu Á (tăng trưởng về số lượng, giá bán trung bình và doanh thu). Đến nửa đầu năm 2023 cũng ghi nhận mức giảm doanh số ít nhất so với trung bình toàn thị trường. Do đó đầu năm 2024 khi thị trường tiếp tục khó khăn thì Việt Nam sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề trong đó giá bán sản phẩm sẽ là câu hỏi làm đau đầu cả hãng và nhà bán lẻ.
Ông Huy cho biết việc đưa sản phẩm xuống mức giá cạnh tranh hoặc ít nhất phù hợp với sức mua của người tiêu dùng là việc bắt buộc phải làm, song song với đó gỡ bỏ rào cản tài chính cũng là việc được CellphoneS ưu tiên khi mà kể từ đầu năm 2024, toàn bộ các sản phẩm mua tại CellphoneS đều được áp dụng chính sách trả góp 3 không (không lãi suất, không phí chuyển đổi, không cần trả trước).
"Tỉ lệ khách hàng tham gia trả góp đã tăng từ 10% lên 30-40%, kéo tổng doanh thu tăng trưởng 20-30% so với cùng kì và có thể tiếp tục kéo sang quý 2," ông Huy tiết lộ.
Trong khi đó, đại diện Di Động Việt vẫn kiên trì với thông điệp "Rẻ hơn các loại rẻ."
"Thời điểm này thông điệp trên còn phù hợp hay không sẽ tùy định hướng của từng nhà bán lẻ, song Di Động Việt chỉ khẳng định sẽ tiếp tục hướng đi này, " vị đại diện Di Động Việt cho biết.
Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Thương mại, Hệ thống FPT Shop cũng cho biết, giá sản phẩm đã ở mức rất hấp dẫn khi đây là "vũ khí cuối cùng" của các nhà bán lẻ để thu hút người dùng. Chính vì vậy, nếu có cuộc chiến cạnh tranh về giá trong thời gian tới sẽ không có nhiều chênh lệch giữa các bên phân phối.
"FPT Shop với chính sách giá luôn luôn cạnh tranh thì chúng tôi luôn mang lại những giá trị đặc quyền chỉ có tại hệ thống. Các khách hàng được cung cấp giải pháp an tâm sử dụng trong thời gian dài (bảo hành 2 năm) hay không cần lo bảo hành khi được bảo hành đổi mới 12 tháng với mức chi phí rẻ không thể tưởng tượng được," ông Kha cho hay./.