Nhà băng 'tung' ưu đãi, 'trợ lực' cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu dịp cuối năm
Những giải pháp tài chính phù hợp từ ngân hàng đang trở thành công cụ đắc lực giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng tốc trong gian đoạn cuối năm.
“Trợ lực” cho doanh nghiệp xuất khẩu vào “mùa” cao điểm
Theo báo cáo từ Tổng cục thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,4%, nhập khẩu tăng 17,3%. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ tình hình thế giới diễn biến phức tạp, biến động tỉ giá, chi phí sản xuất, nguyên vật liệu leo thang.
Trước những thách thức này, các ngân hàng đã tung nhiều giải pháp nhằm “trợ lực” cho doanh nghiệp xuất khẩu vào mùa cao điểm. Theo đó, các nhà băng không chỉ mang đến những ưu đãi về phí và tỷ giá mà còn mang đến cho khách hàng những trải nghiệm thuận tiện trên ứng dụng trực tuyến.
Đơn cử, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) vừa cho ra mắt các tính năng, trải nghiệm số hóa trên nền tảng BIZ MBBank và nhiều chính sách ưu đãi để trợ lực doanh nghiệp xuất nhập khẩu giao thương quốc tế. Theo đó, với dịch vụ chuyển tiền quốc tế chiều đi online, khách hàng của MB không mất thời gian di chuyển, tiết kiệm tối ưu chi phí in ấn và chi phí lưu kho chứng từ. Không những thế, MB cam kết minh bạch thời gian cung cấp dịch vụ với tốc độ chỉ trong 1 giờ.
Đặc biệt, với chương trình ưu đãi tặng 100% phí chuyển tiền quốc tế (bao gồm cả điện phí) doanh nghiệp có thể yên tâm thanh toán. Đội ngũ chuyên gia của MB còn cam kết đồng hành, hỗ trợ khách hàng kiểm tra điều kiện khoản thanh toán, điều kiện L/C ngay tại thời điểm ký hợp đồng với đối tác để giúp giao dịch thanh toán dễ dàng và hiệu quả.
Ngoài dịch vụ thanh toán, MB còn cung cấp đa dạng gói sản phẩm tài trợ vốn với lãi suất ưu đãi chỉ từ 0,42%/tháng dành cho doanh nghiệp khi thực hiện giải ngân thanh toán quốc tế online trên BIZ MBBank.
Lãnh đạo MB khẳng định, các chính sách mới này không chỉ là sự chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp mà còn thúc đẩy họ tham gia vào công cuộc chuyển đổi số, góp phần vào mục tiêu chuyển đổi số của nền kinh tế quốc gia nói chung.
Tương tư, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng vừa triển khai chương trình giảm lãi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu cà phê, cao su. Cụ thể, chương trình E-One của Eximbank cung cấp gói tín dụng 150 triệu USD dành cho các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cà phê, cao su. Gói vay với lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 3,7% một năm. Thời gian vay linh hoạt từ 3 đến 6 tháng.
Ngoài ra, khách hàng được miễn phí nhận tiền từ nước ngoài, phí chuyển tiền qua Internet Banking và được giảm nhiều loại phí khác. Nhà băng còn tặng vali cao cấp cho khách hàng tham gia chương trình E-One. Mục tiêu của chương trình là thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, kích cầu kinh tế trong quý cuối năm.
Theo đại diện Eximbank, ngân hàng luôn đánh giá cao tầm quan trọng của doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong việc góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam. Với thế mạnh cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Eximbank cam kết đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường quốc tế.
Tăng trưởng tín dụng xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng cao
Đánh giá về vai trò của doanh nghiệp xuất khẩu đối với nền kinh tế tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp - chính quyền TP. Hồ Chí Minh với chuyên đề: “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về lĩnh vực ngân hàng, kết nối doanh nghiệp xuất khẩu và ngân hàng” tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh - cho biết, đây là lĩnh vực rất quan trọng của nền kinh tế. Do đó việc đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu không chỉ là VND mà còn là vốn vay bằng ngoại tệ. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã có rất nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, ngay cả các ngân hàng thương mại cũng luôn chủ động cung ứng các dịch vụ thanh toán quốc tế đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Theo ông Lệnh, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện có hai chính sách lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu, đó là lĩnh này nằm trong 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là 5 lĩnh vực được áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng không quá 4%/năm.
“Với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng của doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên hiện nay không quá 4%/năm. Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng và tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy hoạt động này tăng trưởng” - ông Lệnh nhấn mạnh.
Theo thống kê, riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tổng dư nợ tín dụng cho vay bằng VND đối với doanh nghiệp xuất khẩu đạt 105.305 tỷ đồng, chiếm 6,21% tổng dư nợ cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực trên địa bàn. Ngoài ra, tổng dư nợ tín dụng ngoại tệ đạt 130.500 tỷ đồng, chiếm 3,4% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.
Báo cáo phân tích thị trường của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho thấy, trong các quý đầu năm vừa qua, động lực tăng trưởng chính của đa số các ngân hàng thương mại đến từ phân khúc khách hàng doanh nghiệp. Trong đó, tín dụng cho sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu và các lĩnh vực ưu tiên ở nhiều ngân hàng chiếm tỷ trọng cao.
“Vì thế, các tháng tới, xuất nhập khẩu tiếp tục khởi sắc sẽ giúp các nhà băng mở rộng tài trợ vốn và tăng tích cực nguồn thu từ phí với động lực từ hoạt động thanh toán, thẻ, tài trợ thương mại” - báo cáo của VCBS nhận định.
Đồng quan điểm, các chuyên gia tại Shinhan Securities cho rằng, các quý đầu năm vừa qua hệ thống ngân hàng tập trung tăng trưởng mạnh đối với các khoản cho vay kỳ hạn ngắn. Cơ cấu cho vay ngắn hạn tăng từ 52% (cuối 2023) lên mức 57% vào cuối quý II/2024 cho thấy tài trợ vốn ngắn hạn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu đang chiếm tỷ trọng lớn và có động lực tăng trưởng.
Những nhận định này cũng được nhiều ngân hàng thương mại trong nước chia sẻ. Theo đó, trong khảo sát xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng trong quý IV vừa được Vụ Dự báo thống kê công bố mới đây, đa số các ngân hàng cho rằng trong quý cuối năm nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có thể cải thiện tốt hơn so với quý III/2024, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “cải thiện” nhiều hơn so với nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Các khảo sát của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong quý cuối năm 83,6% doanh nghiệp trong nước dự báo đơn hàng sẽ tăng và giữ nguyên so với quý III. Mặc dù vẫn có khoảng 21,7% doanh nghiệp vẫn lo ngại về lãi suất vay vốn và tiếp cận các khoản vay ưu đãi. Tuy nhiên, về cơ bản lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu hiện đang được các ngân hàng tập trung cho vay với các chương trình tín dụng lớn như gói tín dụng 60.000 tỷ đồng (cho vay ưu đãi lĩnh vực lâm sản, thủy sản) và hàng chục gói tín dụng quy mô từ 1.000 - 20.000 tỷ đồng hỗ trợ vốn các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ cao, chế biến chế tạo...
Với các diễn biến trên, các chuyên gia tài chính nhận định, các tháng cuối năm cùng với khởi sắc của thị trường sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng tín dụng đối với các lĩnh vực xuất nhập khẩu vẫn sẽ chiếm tỷ trọng cao trong hệ thống ngân hàng, đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu vốn và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tận dụng các diễn biến có lợi từ thị trường.