Nhà báo Ba Lan ca ngợi những mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam

Nhà báo Ba Lan Franciszek Zwierzyński đã có bài viết đăng trên tờ Nowy Dzwon - Tuần báo Mazowiecki (số 39/2019), trong đó ca ngợi những mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam hiện đại, cũng như những tình cảm mà ông dành cho Việt Nam. TG&VN xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung bài viết này.

Người dân Việt Nam vừa kỷ niệm 74 năm ngày Quốc khánh 2/9. Bắt đầu từ cuộc nổi dậy tháng Tám năm 1945, do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, chống lại quân viễn chinh Pháp.

Ngày 2/9/1945, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tuyên bố thành lập ở thủ đô Hà Nội. Sau cuộc bầu cử vào tháng 1/1946, Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch nước đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng, thực dân Pháp không nghĩ đến việc rút khỏi Đông Dương. Sau khi chiếm cảng Hải Phòng và phía Bắc Lạng Sơn, họ yêu cầu chính quyền non trẻ của Việt Nam giải giáp toàn bộ quân đội. Sau khi thủ đô Hà Nội bị chiếm, chính quyền và quân đội Việt Nam - dưới sự chỉ huy của tướng Võ Nguyên Giáp - đã rút lên Việt Bắc. Sau những thất bại trong những năm đầu tiên của cuộc chiến, năm 1953, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiến hành cuộc tấn công.

Tháng 5/1954, pháo đài chính của Pháp tại Điện Biên Phủ bị chiếm và Quân đoàn Pháp tại Đông Dương rơi vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Trong tình huống này, Quốc hội Pháp đã chọn giải pháp hòa bình cho vấn đề Đông Dương (gồm Việt Nam, Campuchia và Lào). Dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, Hiệp định Geneva đã được ký kết, công nhận sự tồn tại của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một ranh giới đã được thiết lập giữa hai miền Nam - Bắc Việt Nam, dọc theo sông Bến Hải. Trên cơ sở đó, Việt Nam chưa thể thống nhất. Khi đó, quân Mỹ đã nhảy vào thay thế quân Pháp ở Việt Nam. Cuộc xung đột quân sự lâu dài của Quân đội Mỹ đã không khuất phục được người dân Việt Nam, bất chấp bom đạn hủy diệt con người và cơ sở vật chất của đất nước. Sau khi quân đội Mỹ thất bại ở Việt Nam và quân Ngụy đầu hàng, miền Nam và miền Bắc Việt Nam hoàn toàn thống nhất. Từ năm 1975, nước Việt Nam thống nhất trở thành nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với thủ đô là Hà Nội.

Cá nhân tôi rất tự hào khi bản thân từng là một quân nhân của Quân đội Ba Lan và đã tham gia Phái đoàn Ba Lan trong Ủy ban Giám sát và Kiểm soát Quốc tế tại Việt Nam trong những năm 1954-1955. Ngày 5/9 vừa qua, tôi đã được Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Vũ Đăng Dũng cùng phu nhân mời đến dự Lễ kỷ niệm 74 năm Quốc khánh Việt Nam tại thủ đô Warsaw. Khoảng 300 khách mời thuộc giới ngoại giao, chính trị, báo chí... đã tới tham dự sự kiện diễn ra vào buổi tối này. Sau Quốc ca Việt Nam và Ba Lan, Đại sứ Vũ Đăng Dũng đã có một bài phát biểu ngắn bằng tiếng Anh và sau đó là buổi hòa nhạc do các nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn.

Tại buổi lễ, Giáo viên piano Tạ Lan Phương, hiện đang làm việc ở Ba Lan, đã biểu diễn bản Nocturne op. 15 Frédéric Chopin và Menuet op. 14 số 1 của Ignacy Jan Paderewski. Buổi lễ còn có sự đóng góp của nghệ sĩ độc tấu Vũ Thị Thanh Huyền với bài Ave Maria của Franz Schubert và bài hát ru của Việt Nam - Mẹ yêu con. Sau buổi hòa nhạc, chúng tôi đã dự tiệc và được thưởng thức các món ăn của Ba Lan và Việt Nam. Lễ kỷ niệm cũng diễn ra thêm phần phong phú qua màn biểu diễn áo dài - trang phục truyền thống của các cô gái Việt Nam.

Nhà báo Franciszek Zwierzyński

(theo Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-bao-ba-lan-ca-ngoi-nhung-moc-son-choi-loi-trong-lich-su-viet-nam-102355.html