Nhà báo bổ sung kiến thức, kỹ năng để mỗi sản phẩm có hàm lượng tri thức cao

Nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc kênh VOV giao thông, Đài tiếng nói Việt Nam khẳng định, các nhà báo cần luôn được bổ sung kiến thức, kỹ năng, để mỗi sản phẩm dù lớn hay nhỏ đều có chất lượng cao, có hàm lượng tri thức đáng giá.

Nhà báo Phạm Trung Tuyến cho rằng, nhà báo phải không ngừng học hỏi để không bị lỗi thời. (Ảnh: NVCC)

Nhà báo Phạm Trung Tuyến cho rằng, nhà báo phải không ngừng học hỏi để không bị lỗi thời. (Ảnh: NVCC)

Báo chí phải hiểu mình phụng sự ai?

Xu hướng của báo chí thời công nghệ thế nào dưới góc nhìn của ông?

Thực ra, trong khoảng 100 năm qua thì thời nào theo tôi cũng là thời công nghệ cả, ở những mức độ khác nhau. Ở thời hiện tại, theo quan sát của tôi trong những năm qua, báo chí Việt Nam đã lao vào cuộc đua công nghệ với một tâm thế vừa háo hức vừa "sợ hãi".

Cụm từ "chuyển đổi số" được nhắc đến khá nhiều trong thời gian gần đây. Công nghệ đúng là rất quan trọng, là yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh, tồn tại của các cơ quan báo chí nhưng nó không phải là tất cả.

Báo chí - trước hết phải là nội dung. Nhưng có vẻ như không ít tòa soạn đang đầu tư nguồn lực vào công nghệ hơn là nội dung. Điều đó có thể giúp các tòa soạn cạnh tranh tốt hơn nhưng lại khiến báo chí yếu đi so với các công ty công nghệ về khả năng tiếp cận và thu lợi từ công chúng.

Tôi nghĩ, nhiều cơ quan báo chí đã nhận ra điều này và có mong muốn thay đổi, theo hướng đầu tư nhiều hơn vào nội dung, đặc biệt là nội dung độc quyền.

Mặt trái của cơ chế thị trường tác động thế nào đến báo chí nước ta?

Đã là mặt trái thì dĩ nhiên tác động sẽ tiêu cực rồi nhưng định nghĩa thế nào là mặt trái hay mặt phải là điều khó. Dù là mặt nào thì kinh tế thị trường cũng sẽ có tác động đến báo chí, nhưng mỗi mô hình tòa soạn sẽ chịu những tác động khác nhau.

Báo chí của chúng ta trong vòng 20 năm qua chuyển từ việc phụng sự bạn đọc trả tiền mua báo sang phụng sự nhu cầu quảng cáo của các nhãn hàng. Vì thế, các nỗ lực của các cơ quan báo chí đều ưu tiên cho việc tăng lượt bấm chuột, tăng thời gian dừng lại các trang báo bằng mọi thủ thuật nhằm đạt hiệu quả đó với chi phí sản xuất nội dung thấp nhất có thể. Điều đó khiến cho báo chí trở nên dễ dãi hơn về nội dung, nhiều kỹ thuật "câu dẫn" người đọc hơn.

Nhiều người cho rằng, báo chí thời kinh tế thị trường phải đưa cho độc giả cái họ cần chứ không phải đưa cho độc giả cái mình có?

Tôi cho rằng, mệnh đề “phải đưa cho độc giả cái họ cần chứ không phải đưa cho độc giả cái mình có” chưa hẳn đúng. Bởi vì, nếu độc giả cần cái mà không phải thế mạnh, không phải khả năng của mình, thậm chí không phải cái mình muốn cung cấp thì vẫn cứ đưa sao? Như thế chúng ta có khả năng đưa ra những sản phẩm tệ hại để giống cái mà độc giả cần.

Vậy nên, tôi nghĩ báo chí cần phải xác định độc giả mình muốn và nên phụng sự ai, sản phẩm mà mình có thể cung cấp tốt nhất là gì? Muốn vậy, các nhà báo phải luôn bổ sung kiến thức, kỹ năng, cần chăm chỉ hơn để có thể làm tốt nhất công việc của mình, để mỗi sản phẩm mình tạo ra, dù lớn, dù nhỏ, đều có chất lượng cao, có hàm lượng tri thức đáng giá.

Như vậy, thách thức cũng như cơ hội mà nhà báo thời nay là gì?

Tôi nghĩ, nhà báo thời nay có nhiều cơ hội hơn là thách thức. Tuy nhiên, khái niệm cơ hội hay thách thức nó còn tùy thuộc vào tâm thế đối mặt và khả năng thích nghi của mỗi người đối với sự thay đổi của cuộc sống. So với thời điểm khi tôi bắt đầu vào nghề thì nhà báo bây giờ có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin hơn, công cụ hành nghề, sự hỗ trợ của công nghệ tốt hơn.

Những lợi thế này giúp các nhà báo có khả năng tác nghiệp độc lập mạnh hơn nhưng khả năng hỗ trợ của tòa soạn, tổ chức báo chí sẽ hạn chế. Các tòa soạn không còn hướng đến việc bán báo cho người đọc nữa mà tìm kiếm nguồn thu từ quảng cáo. Do vậy, buộc các nhà báo sẽ phải chạy theo views, theo số lượng tin bài, thay vì đầu tư thời gian, công sức cho những đề tài lớn, tốn kém và mất nhiều thời gian.

Trong thời đại dữ liệu lớn (big data), báo chí không thể bỏ lỡ các thuật toán máy học để tăng hiệu quả thông tin. (Nguồn: New York Times)

Trong thời đại dữ liệu lớn (big data), báo chí không thể bỏ lỡ các thuật toán máy học để tăng hiệu quả thông tin. (Nguồn: New York Times)

Vậy trong cuộc cạnh tranh như hiện nay, các cơ quan báo chí phải thay đổi thế nào để không bị bỏ lại phía sau?

Mỗi một cơ quan báo chí có những chiến lược cạnh tranh khác nhau dựa trên nguồn lực và thế mạnh của mình. Nhưng nhìn chung, việc đầu tư sản xuất các nội dung độc quyền để có thể thu phí độc giả, bán nội dung cho công chúng là con đường bền vững muôn thủa. Cơ quan báo chí nào có đủ nguồn lực và thực hiện tốt chiến lược này sẽ tiến được về phía trước.

Đề cao lý tưởng nghề nghiệp

Trong “cơn sóng” kỹ thuật số, các nhà báo phải tiếp nhận cái mới ra sao để không bị bỏ lại phía sau?

Cả nhân loại đối mặt với cơn sóng kỹ thuật số chứ đâu phải riêng mỗi nhà báo. Báo chí luôn có mục đích kiến tạo xã hội cũng như tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề của xã hội. Các nhà báo không cần phải chuẩn bị tư thế nào mà chỉ cần là chính mình, trung thành với động lực ban đầu của mình khi quyết định trở thành một nhà báo.

Nếu như trước đây vũ khí của nhà báo là ngòi bút và máy ảnh thì giờ đây, theo ông nhà báo cần làm gì để có thể đến gần hơn với độc giả?

Trước kia, ngòi bút và máy ảnh chỉ là công cụ tác nghiệp và như mọi người lao động ở bất cứ ngành nghề nào thì công cụ cũng luôn được đổi mới. Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất của nhà báo không phải những thứ công cụ đó, mà là lý tưởng nghề nghiệp. Lý tưởng nghề nghiệp của bạn là gì thì bạn sẽ hành xử phù hợp với nó và tạo ra những tác phẩm thể hiện mục đích, con người bạn.

Trước sự phát triển như vũ bão của trí tuệ nhân tạo AI, người làm báo phải “làm mới mình” để có thể thích ứng thành công?

Trí tuệ nhân tạo AI là một công cụ thú vị và tốt nhất là bạn nên làm chủ nó. Bạn sử dụng công cụ tốt thì năng suất lao động của bạn sẽ tốt hơn người khác.

Hơn nữa, tôi luôn cho rằng đạo đức, hay bản lĩnh của người làm báo đều chỉ được hình thành trên nền tảng trí tuệ. Muốn có đạo đức hay bản lĩnh, thì người làm báo đều cần phải không ngừng học hỏi, không ngừng nghiên cứu để cải thiện trí tuệ của mình. Khi có trí tuệ thì nhận thức về đạo đức mới trở nên rõ ràng, mới có tri kiến để hình thành bản lĩnh.

Xin cảm ơn ông!

Phi Khanh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-bao-bo-sung-kien-thuc-ky-nang-de-moi-san-pham-co-ham-luong-tri-thuc-cao-274895.html