Nhà báo dấn thân vào 'điểm nóng'
Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023)
Phản biện là một trong những chức năng quan trọng của báo chí. Thực hiện điều này, các cơ quan báo chí của tỉnh luôn coi đây là một trong những nhiệm vụ, công cụ hỗ trợ tích cực giúp cấp ủy, chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước các cấp nắm bắt các vấn đề nổi cộm ở cơ sở, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, không phải nhà báo, phóng viên nào cũng có thể sáng tạo những tác phẩm báo chí mang tính chất phản biện. Ngoài kỹ năng, nghiệp vụ tốt thì những nhà báo viết thể loại này cũng phải có tính cách “gai góc” như những vấn đề được phản biện.
Nhà báo Huy Toán, Trưởng phòng Báo Điện tử (Báo Hà Giang) khi còn là phóng viên là một trong những người thường xuyên có những bài viết về mảng phản biện xã hội của Tòa soạn. Những đề tài anh đã thực hiện và để lại ấn tượng với người đọc như: Buôn rượu giả bán cả lương tâm; Cuộc chiến ở điểm nóng rừng đặc dụng Phong Quang; Sống giữa 2 nhà máy thủy điện, đồng bào Dao thôn Nậm An vẫn khát điện; Rừng đặc dụng Phong Quang vẫn “nóng”...
Hiện nay, dù làm công tác quản lý, ít có thời gian tác nghiệp ở cơ sở nhưng nhà báo Huy Toán vẫn thường xuyên có những bài viết đăng tải trên báo hoặc các trang mạng xã hội phản bác các thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch, định hướng dư luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Anh chia sẻ: Viết về đề tài có tính phản biện xã hội, đề tài điều tra, phản ánh là một trong những mảng đề tài không dễ. Nhưng đây là mảng thể hiện niềm đam mê dấn thân với nghề. Những đề tài dạng này phải có sự đầu tư cực kỳ công phu, tốn kém thời gian và tâm trí. Khi nói lên những sự thật có tính bức xúc xã hội, có tính đấu tranh thì người viết cần phải có bản lĩnh. Vì thế đây là mảng đề tài có thể khiến người viết “sớm già” cả về hình thức lẫn bản lĩnh nghề nghiệp. Hiện nay, ngoài viết về điều tra, phản ánh bức xúc, nổi cộm thì mỗi người làm báo nhiệt huyết cũng cần tích cực với những đề tài đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ở Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, độc giả và cả những đồng nghiệp đã rất quen với những tác phẩm phản biện xã hội, nói lên những bất cập ở cơ sở của nhà báo Tuấn Quỳnh. Là cây bút với nhiều phóng sự “gai góc” của Đài, anh thường xuyên xuất hiện tại những điểm nóng về phá rừng, những công trình, dự án kém hiệu quả, lãng phí… Nhà báo Tuấn Quỳnh cho biết: Đề tài phản biện là mảng lớn của báo chí. Phản biện không phải là bới móc mà là tiếng nói, bức xúc của dư luận, khi đưa ra sẽ giúp các cấp, ngành nhìn nhận, đánh giá và giải quyết kịp thời để giải tỏa bức xúc của nhân dân.
Ít ai biết rằng, nhà báo Tuấn Quỳnh không học chuyên môn về báo chí. Anh tốt nghiệp Cử nhân sư phạm Văn nhưng lại bén duyên với nghề báo. Trong 14 năm công tác tại Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, rất nhiều tác phẩm phản biện xã hội của anh được độc giả đánh giá cao và đoạt nhiều giải thưởng như: “Gia tăng tình trạng phá rừng tại Rừng đặc dụng Phong Quang”; “San lấp mặt bằng: Những kẽ hở bị buông lỏng”; “Bỗng dưng thoát nghèo”; “Lãng phí tại công trình cấp nước sinh hoạt xã Hương Sơn”; “Hệ lụy trong khai thác khoáng sản tại Bắc Mê, Bắc Quang, Vị Xuyên và Mèo Vạc”. Gần đây nhất, tác phẩm “Những dự án trồng rừng trên giấy” của Tuấn Quỳnh đã đoạt giải C, Giải báo chí Quốc gia năm 2021 (trao giải năm 2022); tác phẩm “Nhà chờ dự án” đoạt giải Bạc, Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2022…
Hiện nay, Báo Hà Giang có gần 30 phóng viên và Đài Phát thanh – Truyền hình trên 50 phóng viên. Một số phóng viên thường xuyên có những bài viết ở mảng phản biện như: Huy Toán, Thiên Thanh, Kim Tiến, Duy Tuấn (Báo Hà Giang), Tuấn Quỳnh, Thanh Giang, Văn Bính, Đình Anh, Hoàng Gia, Trường Giang, Ngọc Hải (Đài Phát thanh – Truyền hình).... Đề tài phản biện không dễ viết, nhưng cũng không khó. Để có một tác phẩm phản biện hay, đúng quan điểm, chủ trương, đường lối và tôn chỉ, mục đích của báo, đài, phóng viên khi nắm bắt vấn đề cần báo cáo, xin ý kiến định hướng của lãnh đạo cơ quan; trong quá trình tác nghiệp phải tiếp cận đa chiều thông tin và càng nhiều thông tin càng tốt, nhất là chính các đối tượng trực tiếp phản ánh vấn đề; thường xuyên trao đổi, báo cáo tiến độ thực hiện với lãnh đạo cơ quan để kịp thời nắm bắt và có định hướng chỉ đạo; khi tác phẩm xuất bản, đăng tải thì tiếp tục nắm bắt thông tin phản hồi từ cơ sở…
Những tác phẩm phản biện hay ngoài tính chiến đấu phải có trong đó tính xây dựng và tính nhân văn. Ngòi bút của người viết vừa làm rõ vấn đề vừa mở được lối ra, hướng giải quyết cho vấn đề; vừa bảo vệ người ngay, nhưng cũng không đưa người xấu đến đường cùng. Qua những tác phẩm phản biện từ báo chí sẽ góp phần giúp cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng các cấp kịp thời nắm bắt những bức xúc, vướng mắc, thiếu sót trong quản lý, thực hiện các nhiệm vụ để có những giải pháp xử lý, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.