Nhà báo Đức Đệ - Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Nam Bộ: Chạy đua với thông tin trong đại dịch Covid-19
Là thành viên tổ công tác đặc biệt, nhà báo Đức Đệ - Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Nam Bộ (VTV9) luôn trong tư thế sẵn sàng để chạy đua với thông tin trong đại dịch. Vượt qua mọi khó khăn thử thách, anh đã gửi đến khán giả các tác phẩm truyền hình hấp dẫn.
Tổ tác nghiệp đặc biệt thành lập trong hoàn cảnh đặc biệt
Trên màn ảnh truyền hình hơn một năm qua, chúng ta đã được xem những hình ảnh người dân cách ly từ tâm dịch, hoạt động của đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng bộ đội, công an, đội ngũ cán bộ cấp chính quyền… Tất cả đã được đội ngũ nhà báo phóng viên ghi lại để người dân có thông tin đầy đủ, chân thật và hỗ trợ cho người dân nâng cao cách phòng chống dịch, giữ an toàn trong sinh hoạt cộng đồng.
Nhà báo Đức Đệ - phóng viên Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Nam Bộ trong đợt dịch bùng phát này đã tích cực đến nhiều điểm nóng để ghi nhận. Anh vận dụng các kiến thức y tế mình có được để hạn chế tiếp xúc, tránh các nguồn lây. Anh cũng tự tìm hiểu và cập nhật liên tục thông tin về chiều hướng lây lan của dịch.Bên cạnh đó, anh còn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ một số chuyên gia, y bác sỹ khi tham gia vào một nhóm gồm y bác sỹ và nhà báo trên mạng xã hội. Ở đây mọi người thường xuyên trao đổi thông tin và về kinh nghiệm phòng bệnh.
Nhà báo Đức Đệ cho biết: “Trong quá trình đi làm việc, ra vào các bệnh viện, anh cũng được trực tiếp các y bác sỹ hướng dẫn cách mặc đồ, tháo đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn. Từ khi bước vào đến khi bước ra, tự bản thân mình cũng luôn ý thức, thực hiện đúng các biện pháp 5K, trong gần hai tháng nay tôi không tiếp xúc với gia đình. Đặc biệt khi thành phố Hồ Chí Minh bước vào đợt cao điểm phòng chống dịch”.
Thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan và để tránh nguy cơ nhiễm hay lây lan dịch bệnh, tổ tác nghiệp đặc biệt của Đài được thành lập, anh cùng các đồng nghiệp có điều kiện tác nghiệp riêng, ăn, ngủ, nghỉ riêng. Tổ tác nghiệp này vừa làm bản tin thời sự, phóng sự, trực tiếp dẫn hiện trường… để đưa thông tin lên các bản tin nhanh nhất.
Nhà báo Đức Đệ - Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Nam Bộ (VTV9) làm phóng sự về công tác hỗ trợ điều trị F0 tại nhà. Ảnh: NVCC
Ở tâm dịch, khi bạn ra khỏi nhà là có nguy cơ lây nhiễm, biến thể Delta mạnh hơn các biến thể trước rất nhiều, kẻ thù vô hình có thể ở mọi nơi, như cách anh hay gọi đây là “cuộc chiến với giặc vô hình”. Làm truyền hình, các thiết bị sẽ nhiều hơn so với các loại hình báo chí khác. Vì vậy, ngoài đồ bảo hộ cá nhân, các anh còn trang bị cả đồ bảo hộ cho máy, chân máy, màng bọc micro… dùng một lần rồi bỏ.
Anh cùng đồng nghiệp từ bỏ thói quen tác nghiệp truyền thống, đứng gần bắt tay nhân vật, phỏng vấn bất cứ ai đều giữ khoảng cách tối thiểu 2m, zoom vào, ban đầu có thể không quen, khó chịu nhưng cũng dần coi đây là biện pháp bắt buộc mình phải thực hiện.
Anh Đức Đệ chia sẻ: “Khi vào khu bệnh nhân nặng, tất cả các phương tiện, thiết bị của mình đều phải sát khuẩn bằng cồn 90 độ, lau sạch các bộ phận trên máy, cồn có tính bay hơi nhanh nên không sợ hư máy. Hai là nhờ các cán bộ y tế phun khử khuẩn toàn thân cho mình, phun cả người lẫn máy móc thiết bị. Cả ê-kíp đều có sự thống nhất về quy trình tác nghiệp. Tất cả mọi người đều không chủ quan. Chúng tôi may mắn cơ quan cũng thường xuyên tổ chức xét nghiệm (test) nhanh Covid-19. Ê-kíp chỉ có 3 người, gồm cả anh lái xe, lúc nào mọi người cũng đi cùng nhau và hạn chế tiếp xúc với bên ngoài”.
Cho ngày mai, cho đất nước bình yên
Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi mặt của đời sống xã hội, nhiều cơ quan báo chí cũng chịu tác động lớn. Để thích nghi với tình trạng bình thường mới, người làm báo đã phải có nhiều thay đổi trong hoạt động tác nghiệp.
Để đảm bảo an toàn cho cán bộ, phóng viên, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) yêu cầu mỗi phóng viên thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế, tuân thủ các chỉ đạo phòng chống dịch. Nhờ đó, cán bộ phóng viên Đài luôn ý thức về trách nhiệm của người làm báo, đề cao tính chuyên nghiệp, sự phối hợp nhịp nhàng của từng người. Công đoàn Đài Truyền hình Việt Nam và lãnh đạo Đài ngoài việc mua sắm các đồ bảo hộ cho các ê-kíp và đồ dùng thiết yếu còn thường xuyên quan tâm động viên, khích lệ về mặt tinh thần cho phóng viên.
Dù nhiều thách thức nhưng trong suốt thời gian xảy ra dịch bệnh, những người làm truyền hình VTV luôn nỗ lực, sáng tạo, chủ động lựa chọn những giải pháp tác nghiệp trong tình hình dịch bệnh, đáp ứng với nhu cầu khán giả. Mỗi cán bộ phóng viên ở Đài khi đưa tin về dịch đều xác định đây là một cuộc chiến, khi đã xung phong bước vào cuộc chiến này thì tinh thần tác nghiệp bất cứ ngày nào, giờ nào, ở đâu, khó khăn nguy hiểm ra sao cũng cố gắng vượt qua. Họ xác định làm báo là không thể đứng ngoài cuộc.
Trong đợt dịch bùng phát lần này, người ta có thể thấy rất nhiều những câu chuyện cảm động, ở khắp mọi nơi… nhưng tất cả đều có một điểm chung là sự đoàn kết, siết chặt tay nhau. Đó là tấm lòng bao la của nghĩa đồng bào, chia sẻ với nhau từng chút một, người có hoàn cảnh khó khăn đùm bọc người khó khăn hơn.
Có nhiều bản tin, nhiều phóng sự trong suốt đợt dịch lần này, nhưng khán giả vẫn chú ý nhất bản tin “Bên trong Bệnh viện điều trị Covid-19 cho sản phụ tại TP. Hồ Chí Minh” của nhà báo Đức Đệ. Ở đây các ca mắc Covid-19 đều là sản phụ, việc điều trị khó gấp nhiều lần vì đó là sinh mạng của 2 con người. Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các y bác sĩ tại đây vẫn luôn dốc hết sức để bệnh nhân được mẹ tròn, con vuông. Để cảm nhận và hiểu rõ hơn về cuộc chiến giành sự sống cho mẹ và các bé ở đây, anh và đồng nghiệp đã dành cả đêm lắng nghe và quan sát, xin phép được ghi hình các y bác sỹ điều trị, phẫu thuật.
Phóng sự bên trong Bệnh viện điều trị COVID-19 cho sản phụ tại TP Hồ Chí Minh là những câu chuyện cảm động trong dịch COVID-19. Ảnh: VTV1
Và đã có những tiếc nuối khi người bệnh tử vong, nhưng cũng có những niềm vui vỡ òa khi nhiều bệnh nhân được cứu sống và những đứa trẻ bình an ra đời. Mỗi đứa trẻ được sinh ra vào thời điểm đặc biệt này không khác gì những thiên thần nhỏ bé, và điều đó mang lại hạnh phúc vô bờ bến, tạo thêm động lực cho tất cả các y bác sỹ. Rằng bên cạnh những mất mát vẫn có những chồi non vươn lên mãnh liệt.
Chứng kiến những hình ảnh đó, để rồi thấy được giá trị của cuộc sống này. “Đã không biết bao ngày, bao tháng họ mặc trên mình đồ bảo hộ, gang tay cao su, hơi nóng toát ra, nhưng hết ngày này qua ngày khác họ vẫn nỗ lực không ngừng. Họ đã chọn nghề bác sỹ là xác định đi theo nghề, dù biết vất vả. Bản thân tôi cũng vậy, theo nghề báo là cũng chấp nhận mọi khó khăn nguy hiểm, vì đó là nghề, nếu còn say mê, còn muốn nhiều tác phẩm hấp dẫn hơn nữa thì cứ phải lao vào”, anh Đức Đệ chia sẻ.
Thực tế, đã có nhiều thay đổi khi tác nghiệp trong mùa dịch, nhưng nghề làm báo vốn đòi hỏi sự linh hoạt ở mỗi phóng viên, mọi khó khăn, rào cản sẽ biến thành những động lực của tinh thần sáng tạo cống hiến. Đối với nhà báo Đức Đệ, qua những tác phẩm truyền hình của mình, anh mong muốn đóng góp một phần hiện thực hóa những giá trị của báo chí, là xây dựng niềm tin cho cả xã hội, niềm tin vào một Việt Nam đoàn kết và truyền thống kiên cường chống giặc của cha ông sẽ lại được thổi bùng lên mạnh mẽ.
Trong giai đoạn khó khăn này, cùng với sự nỗ lực của các y bác sỹ, đội ngũ người làm báo cũng không đứng ngoài cuộc, mỗi phóng viên, mỗi nhà báo vẫn đang nỗ lực không ngừng, để rồi ngày mai khi đất nước bình yên, ai cũng sẽ tự hào vì đã góp phần nhỏ bé cho hành trình đầy cam go ấy.