Nhà báo Đức: Tên lửa siêu thanh Nga, Trung Quốc là 'ác mộng'
Nhà báo Đức cho rằng việc Nga và Trung Quốc sở hữu tên lửa siêu thanh đã trở thành 'cơn ác mộng' đối với an ninh châu Âu, và Mỹ còn lâu mới có thể bắt kịp.
Trong bài viết "Thời đại của vũ khí siêu thanh, ác mộng của nền an ninh" đăng ngày 22-12 trên trang báo Die Welt,nhà báo người Đức Gerhard Hegmann nhận định việc Nga và Trung Quốc đưa tên lửa siêu thanh vào kho vũ khí là "cơn ác mộng" đối với an ninh châu Âu.
Ông Hegmann nhắc lại việc gần đây căn cứ không quân Mỹ ở Ramstein (Đức) đã báo động nhầm nguy cơ "bị tấn công bằng tên lửa", khi một tàu ngầm Nga tiến hành thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Theo ông Hegmann, động thái cảnh báo nhầm này cho thấy quân đội Mỹ đang trong tình trạng cảnh giác liên tục, tuy nhiên đối với tên lửa siêu thanh, có thể đã quá muộn để quân đội Mỹ tìm cách đánh chặn loại vũ khí này.
"Với sự xuất hiện của cái gọi là vũ khí siêu thanh, việc đưa ra cảnh báo về các vụ phóng tên lửa, hệ thống chống tên lửa đạn đạo đã trở nên vô dụng và thời gian để phản ứng trước một vụ phóng tên lửa siêu thanh đã giảm đi đáng kể" - ông Hegmannviết.
Bài viết trích dẫn thông tin từ các chuyên gia Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức (DGAP) cho rằng vũ khí siêu thanh sẽ làm sai lệch cán cân quyền lực quân sự giữa các cường quốc hạt nhân và là một rào cản với các sáng kiến giải trừ quân bị.
Ông Hegmann cho rằng Mỹ sẽ còn rất lâu mới có thể bắt kịp trong khi Nga và Trung Quốc giữ vị trí hàng đầu thế giới về vũ khí siêu thanh.
Chính quyền Washington lần đầu tiên xem xét việc chế tạo và sử dụng tên lửa siêu thanh từ năm 2000, sau đóđã từ bỏ các dự án này một thời gian và mới khôi phục trở lại gần đây.
Việc Mỹ xem xét trở lại dự án tên lửa siêu thanh diễn ra sau khi Nga trình làng một số mẫu vũ khí có khả năng di chuyển với tốc độ từ Mach 10 (khoảng 12.348 km/giờ) trở lên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố việc Nga phát triển tên lửa siêu thanh là để phản ứng lại trước những hành vi thiếu tôn trọng của các nước phương Tây đối với lợi ích và yêu cầu của chính quyền Moscow.
Song, Điện Kremlin khẳng định sẵn sàng đưa loại tên lửa mới vào chương trình đàm phán các hiệp ước kiểm soát vũ khí, như Hiệp ước START mới (New START), dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 2-2021.