Nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Việt Văn: Lửa nghề luôn rực cháy
Trần Việt Văn là cây bút sắc sảo về mảng văn hóa, nghệ thuật của báo Lao Động. Riêng với lĩnh vực điện ảnh, anh là tác giả của những bài viết nặng ký, đau đáu về điện ảnh Việt Nam, từ nỗi gian nan 'đầu ra' của dòng phim chính luận do Nhà nước tài trợ, đặt hàng cho tới câu chuyện lỡ làng của Hãng phim truyện Việt Nam... Anh cũng từng đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh danh giá ở trong nước và quốc tế.
1. Có cha là nhà nghiên cứu sân khấu Trần Việt Ngữ và mẹ là PGS.TS Lê Thị Đức Hạnh, Việt Văn đến với nghề viết có nhiều thuận lợi mặc dù làm báo không phải là lựa chọn từ đầu của anh. Tốt nghiệp đại học, còn đang băn khoăn chọn nghề, Việt Văn được bố khuyên theo nghề phóng viên để vừa có điều kiện đi đây đi đó vừa “thỏa chí tang bồng” với sở thích chụp ảnh của mình. Anh luôn nhớ ơn đấng sinh thành vì điều đó và cả sau này khi họ còn là những người thầy lớn của anh trong những năm đầu vào nghề. “Bố dạy tôi nhiều về lý luận sân khấu, sửa những bài báo đầu tiên của tôi. Mẹ tôi luôn đọc những bài tôi viết, góp ý từng câu chữ và luôn động viên, ủng hộ sự lựa chọn của tôi dù là nghề báo hay nhiếp ảnh”, Việt Văn chia sẻ.
Khi chính thức theo đuổi nghề báo, Việt Văn không đặt cho mình mục tiêu cụ thể, chỉ nghĩ đơn giản là viết sao cho hấp dẫn để được độc giả đón nhận. Và muốn thế thì phải có giọng điệu riêng. Ba năm làm ở báo Hoa Học Trò, anh đã làm được điều đó. Đến giờ, khi đã có 24 năm làm ở báo Lao Động, “gã nhà báo” dáng dấp lúc nào cũng vội vã ấy đã khẳng định được mình khi viết về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
2. Là người đi nhiều, tiếp xúc nhiều và chịu khó lao vào nơi “gập ghềnh” ở khắp nơi, gặp gỡ những con người đặc biệt, Việt Văn không phải dạng dễ vui, dễ buồn. Anh luôn biết cân bằng cảm xúc và lý trí để các bài viết vừa có giá trị về thông tin, sự sắc bén, vừa thể hiện cảm xúc của người cầm bút. Việt Văn quan niệm: “Trước hết phải viết sao cho đúng, cho chuẩn. Điều gì chưa rõ thì không đưa vào bài viết. Với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nhất là hai lĩnh vực mà tôi được phân công theo dõi là điện ảnh và nhiếp ảnh, khi viết phải có tính chuyên môn, học thuật để không chỉ độc giả thông thường mà người trong nghề cũng chấp nhận. Trong nghề viết, có thể “kiếm củi ba năm, thiêu một giờ” là bình thường.
Một tác phẩm trong bộ ảnh Mẹ tôi của Trần Việt Văn.
Vì thế, cẩn trọng trong mọi câu chữ viết ra không bao giờ là thừa!”.
Thuộc thế hệ 7x, Việt Văn tuy rành công nghệ nhưng vẫn thích những gì thuộc về truyền thống. Anh vẫn thích báo in và ý tưởng chụp ảnh của anh vẫn thiên về chủ đề ảnh tự nhiên, về cuộc sống cũng như sự suy ngẫm. Với bộ ảnh triển lãm 12 tướng trận thời bình, trong đó có ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng của ông, và dự án nhiếp ảnh Đạo và Đời (triển lãm vào năm 2006, đưa tên tuổi Việt Văn đến với công chúng rộng rãi hơn), anh đều có ý tưởng trước khi chụp nhưng trong quá trình chụp vẫn có sự điều chỉnh sao cho tự nhiên và gần gũi nhất. Vì, như anh chia sẻ: “Nếu cứ mắc trong khuôn mẫu định sẵn từ trước thì bức ảnh thành ra máy móc”.
Việt Văn coi trọng ý tưởng, coi đó là quan trọng nhất, còn cách thể hiện là thứ yếu. Nếu ảnh quá đẹp về ánh sáng, bố cục hoàn hảo mà không có nội dung thì người xem sẽ không thấy thú vị. Với anh, “ảnh phải khiến người ta suy nghĩ, khiến người ta xôn xao, phải đem đến cảm xúc về cuộc sống. Có những bức ảnh không phải cứ xem là hiểu ngay vì có những thể loại trừu tượng, nhưng người ta phải nhìn thấy có vấn đề gì đó, đồng cảm, chia sẻ được ở một khía cạnh nào đó thì bức ảnh ấy mới được coi là thành công”.
3. Năm 2000, Việt Văn đoạt giải thưởng nhiếp ảnh trong nước đầu tiên và năm 2001 đoạt giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế đầu tiên. Đến nay, với số giải giành được cùng nhiều triển lãm cá nhân, Việt Văn được thừa nhận là một nhà nhiếp ảnh có phong cách riêng trong sáng tạo. Giống như ngôn ngữ, Việt Văn dùng ảnh làm phương tiện thể hiện suy nghĩ của mình. Chủ đề các bộ ảnh của anh rất đa dạng nhưng luôn hướng tới nét đẹp nội tâm bí ẩn của con người, vì thế, mỗi bộ ảnh là một câu chuyện hấp dẫn. Ngoài 12 tướng trận thời bình là triển lãm riêng, năm 2010, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, anh có bộ ảnh Hà Nội Động và Tĩnh và bộ ảnh Tồn tại hay không tồn tại đều nói về con người qua những câu chuyện được kể bằng hình ảnh.
Tự nhận bản thân không mạnh về thể loại ảnh du lịch và cũng không thích chụp ảnh du lịch, Việt Văn tập trung tìm kiếm những chủ đề mang tính xã hội có sức lan tỏa vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Ví dụ bức ảnh đơn trong dự án Đạo và Đời có tên là Cầu nguyện - chụp một bà cụ già đang chắp tay cầu nguyện - đã giành được nhiều giải thưởng ở Anh, Mỹ...
Nhìn bà cụ, người ta không chỉ nghĩ bà là người Việt Nam, theo đạo Phật, mà có thể là người quốc gia khác, theo một tôn giáo khác. Bức ảnh này thay lời anh muốn nói, đó là mỗi dân tộc đều cần một niềm tin.
Việt Văn nói nhanh như sợ không kịp nói hết suy nghĩ của mình. Anh đi nhanh, làm gì cũng như thể vội vã lắm. Con người Việt Văn khá đặc biệt, có lẽ vì thế mà anh thường tạo ra sự khác biệt trong nghề - cả nghề viết và nhiếp ảnh mà anh đang theo đuổi, như anh từng nói: “Muốn tạo ra sự khác biệt thì phải cực kỳ đặc biệt”.
Sắp tới, Việt Văn thực hiện phần 2 của dự án ảnh Mẹ tôi (chụp chính mẹ anh - PGS.TS Lê Thị Đức Hạnh, thực hiện từ năm 2016 và đến nay vẫn đang tiếp tục). Anh tiết lộ: “Phần 2 sẽ là sự liên kết của nhiều series nhỏ khác nhau, như Sự kết nối miêu tả những đồ vật trong nhà, từ vật dụng hằng ngày cho đến album ảnh và nhiều kỷ vật khác gắn bó với mẹ tôi từ nhiều năm nay, qua đó khắc họa những nét chân dung của bà. Một dự án ảnh khác cũng sẽ được tiếp tục thực hiện là Con đường của Châu, cùng với đó là sự khởi đầu của vài ý tưởng mới về ảnh đương đại mang tính ý niệm nhiều hơn”.
Việt Văn nói rằng “tôi luôn thực hiện nhiều dự án cùng lúc để tránh sự nhàm chán và tạo cảm hứng cho mình". Còn tôi thì lại cho rằng đó cũng là cách để lửa nghề trong anh luôn rực cháy.