Nhà báo Nguyễn Phong Lan: Tôi muốn mang tinh thần nghệ thuật vào trong tác phẩm phóng sự

'Làm phóng sự về các y bác sỹ, tôi thực sự cảm phục và xúc động sâu sắc trước tấm lòng của họ dành cho bệnh nhân. Chúng tôi đã cố gắng hết sức để kết nối mọi người lại với nhau qua những câu chuyện thật, sinh động của đời thường...'

Đó là tâm sự của nhà báo Nguyễn Phong Lan khi chia sẻ về Phóng sự “Mầm sạch”- tác phẩm được trao giải B - Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV năm 2020 của nhóm tác giả Nguyễn Phong Lan và Đặng Quang Tấn, Võ Nhật Hoàng, Trần Thị Nết - Đài PTTH Đà Nẵng.

Không có “nhân” và “sự” đặc biệt thì nhà báo không thể làm được gì hết

+ Phóng sự “Mầm sạch” có độ dài chỉ hơn 10 phút, phim không có lời bình, nhưng mỗi hình ảnh, chi tiết đều thể hiện đầy nội dung và ý nghĩa. Vậy quá trình xây dựng kịch bản và triển khai như thế nào, thưa chị?

- Ai cũng biết, làm phóng sự thì khó nhất là phát hiện cho được nhân vật và sự kiện. Không có “nhân” và “sự” đặc biệt thì nhà báo không thể làm được gì hết. Cho nên ở “Mầm sạch”, nếu có gì đó đáng gọi là “đặc biệt” thì trước hết là do thực tế, hoàn cảnh. Chúng tôi làm phim đúng vào lúc Đà Nẵng đang ở vào thời điểm cao trào của dịch COVID-19. Không chỉ khó khăn, nguy hiểm khi tác nghiệp hiện trường mùa dịch mà ngay việc thuyết phục, sắp xếp để tiếp xúc với nhân vật cũng vô cùng phức tạp. Rồi còn bị áp lực về thời gian, về chất lượng hình ảnh, điều kiện kỹ thuật… Rất may là cuối cùng cũng vượt qua được.

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc trao giải cho nhà báo Nguyễn Phong Lan (ngoài cùng bên trái) đoạt giải Báo chí Quốc gia năm 2020.

Chúng tôi đã rất may mắn nhận được sự hợp tác chân tình của những người tham gia phỏng vấn, nhất là các y sĩ, bác sĩ ở bệnh viện, các cơ sở điều trị, phòng chống dịch. Nhờ những ý kiến chia sẻ tâm huyết về chuyên môn, tình yêu nghề nghiệp, lòng thương người sâu sắc của họ mà phim trở nên có sức thuyết phục hơn. Đồng thời, trong phóng sự này, các bạn đồng nghiệp khác cũng hỗ trợ rất nhiều cho chúng tôi về mặt tư liệu hình ảnh, thông tin…

Trong trường hợp này, tôi nhận thấy các y bác sỹ ở Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã rất dũng cảm. Họ dám đánh cược danh dự, nghề nghiệp của mình để lựa chọn một phương án chăm sóc, điều trị bệnh nhân chưa từng có tiền lệ. Họ đã giải được bài toán rất khó là làm thế nào cùng lúc vừa giữ cho đứa trẻ sinh ra không bị lây nhiễm COVID-19 từ người mẹ mà vẫn nhận được hơi ấm và hưởng nguồn sữa mẹ quý giá. Thử nghiệm phương pháp điều trị mới, tuy mong manh, nhưng niềm tin, niềm hy vọng thì rất lớn.

+ Tác nghiệp trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp, khi thành phố Đà Nẵng còn trong tâm dịch, nhiều ca mắc liên quan đến bệnh viện, điều này gây ra những khó khăn gì cho chị và ê-kíp?

- Thời điểm này, thành phố Đà Nẵng đang ở giai đoạn bùng phát dịch COVID-19, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Tất cả các y bác sỹ ai cũng bận rộn. TS.BS Trần Thị Hoàng - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng lại càng bận rộn. Chị vừa chuẩn đoán điều trị, tham gia công tác quản lý bệnh viện, lại đang đi học nên chúng tôi phải tranh thủ từng chút thời gian để gặp gỡ, phỏng vấn.

Chúng tôi tác nghiệp trong điều kiện vệ sinh cực kỳ nghiêm ngặt. Với những bộ đồ bảo hộ kín mít, cảm giác nóng bức, ngột ngạt rất khó chịu. Nhưng so với các y bác sỹ thì vất vả mà chúng tôi gặp phải chưa là gì. Chúng tôi cố gắng tận dụng thời gian này để chuẩn bị tư liệu một cách tốt nhất.

Một khó khăn nữa là các nhân vật chưa bao giờ đứng trước ống kính, chưa một lần trả lời phỏng vấn nên họ rất lúng túng, ngần ngại. Chúng tôi đã cố gắng để mọi người tập trung vào câu chuyện và thể hiện cảm xúc của mình. Nhờ thế mà chúng tôi thu được những lời nói, hình ảnh chân thật nhất.

“Mầm sạch” và một cái kết thật đẹp và nhân văn

+ “Mầm sạch” không chỉ nói về tinh thần chiến đấu của y bác sĩ tuyến đầu mà còn khơi gợi tình mẫu tử làm lay động trái tim nhiều khán giả. Chị có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này?

- Làm phim về các y bác sỹ, tôi thực sự cảm phục và xúc động sâu sắc trước tấm lòng của họ dành cho bệnh nhân. Chúng tôi đã cố gắng hết sức để kết nối mọi người lại với nhau qua những câu chuyện thật, sinh động của đời thường. Bản thân tôi cũng là một người mẹ cho nên tôi cảm nhận được tình mẫu tử của nhân vật sản phụ. Và vì thế tôi càng đồng cảm với quyết tâm bảo vệ đứa bé còn đang trong bụng mẹ của các thầy thuốc. Tôi nhớ nhất hình ảnh bác sỹ Trần Thị Hoàng - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng khi chị một mình đứng ngoài hành lang, qua cửa sổ nhìn vào phòng các bé sơ sinh với ưu tư lộ rõ. Tôi hiểu các bác sỹ nhiều lúc cũng cảm thấy phân vân, thậm chí cô đơn khi phải lựa chọn, quyết định một phương án điều trị mới mẻ. Bởi vì điều đó liên quan đến uy tín, danh dự, thậm chí cả tương lai của họ.

Hình ảnh trong phóng sự " Mầm sạch" của Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng.

Trong cuộc chiến mang sự sống đến cho em bé và bà mẹ, người bác sỹ buộc phải có chính kiến, có phương án tốt, hợp lý và an toàn nhất cho bệnh nhân. Đó cũng là điều tôi quan tâm. Tôi muốn qua “Mầm sạch” có thể làm rõ thêm những khó khăn của người thầy thuốc. Họ cũng có những nỗi niềm trong việc bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho người dân mùa đại dịch.

Mặc dù là người làm phim, thế nhưng chứng kiến hình ảnh người mẹ bật khóc khi kể lại câu chuyện của mình, tôi cũng không cầm được nước mắt. Khi bước ra sân cùng mẹ con sản phụ và các y bác sỹ Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng sau buổi phỏng vấn, tôi thấy hình ảnh em bé đẹp không khác gì một thiên thần. Và đó cũng chính là đoạn kết của phóng sự “Mầm sạch”, một cái kết thật đẹp và nhân văn cho một hành trình đầy cam go thử thách.

+ Từng đoạt nhiều giải thưởng và đặc biệt là giải thưởng của: Giải Báo chí Quốc gia, các kỳ Liên hoan Truyền hình toàn quốc,… chắc hẳn chị có những bí quyết riêng cho những loạt bài chất lượng?

- Trong quá trình làm nghề, tuy có đạt được một ít thành quả bước đầu nhưng thực tình tôi không nghĩ mình có “bí quyết” gì đặc biệt cả. Tôi may mắn là đã có quãng thời gian rất dài được học tập và trưởng thành ở Đại học Nghệ thuật và âm nhạc Huế mà hiện nay là Học viện Âm nhạc Huế ngay từ khi còn bé. Một môi trường sống và trải nghiệm thật tuyệt vời. Có lẽ mỹ thuật và âm nhạc cũng ít nhiều “ngấm” vào người. Tôi rất thích phát hiện vẻ đẹp cuộc sống ở những phương diện bình dị nhất. Chính vì thế nên sau này khi chuyển sang làm truyền hình tôi vẫn mang theo thói quen đó. Và tôi muốn mang tinh thần nghệ thuật vào trong tác phẩm phóng sự.

Tôi nghĩ người làm truyền hình thì cần nhiều thứ lắm. Cần nhất là sự tâm huyết đối với công việc, cần đến sự kiên trì trong quá trình tìm tư liệu, chọn nhân vật, tìm kiếm các thông tin liên quan... Ngoài ra, thì việc kết hợp âm thanh, âm nhạc để tạo nên tiết tấu hình ảnh cũng rất quan trọng. Nhiều khi chỉ cần âm nhạc và hình ảnh là đủ để truyền tải thông tin, cảm xúc của mình cho khán giả. Tôi luôn tin rằng khán giả truyền hình đủ thông minh và nhạy cảm để hiểu điều mình định nói; không nhất thiết lúc nào cũng phải dùng đến lời bình.

Trong tác nghiệp, tôi may mắn được làm việc với các đồng nghiệp rất tốt ở Đài PTTH Đà Nẵng. Chúng tôi hiểu nhau, luôn hợp tác và là một ê-kíp rất ăn ý, từ quay phim đến dựng hình, kỹ thuật… Các anh chị đã phát hiện được những chi tiết bất ngờ để đưa vào phim. Đôi khi chúng tôi cũng tranh luận với nhau rất nhiều để tìm ra phương án tốt nhất. Nhưng khi đã “chịu” rồi thì cùng đồng lòng để triển khai. Với tôi, đó cũng có thể coi là một niềm hạnh phúc trong cuộc đời làm báo của mình.

+ Xin cảm ơn chị!

Vũ Phong (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nha-bao-nguyen-phong-lan-toi-muon-mang-tinh-than-nghe-thuat-vao-trong-tac-pham-phong-su-post175045.html