Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ về 2 cuốn sách đang được bạn trẻ yêu thích
Tác giả, diễn giả, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh đang là Trưởng ban Sinh viên, báo Tiền Phong. Trước đó, anh đã có gần 20 năm công tác tại báo Sinh Viên Việt Nam - Hoa Học Trò. Anh cũng là người viết sách cho nhiều nhân vật nổi tiếng trong nước và quốc tế, tác giả của hai cuốn sách đang được đông đảo bạn trẻ yêu thích 'Trường học hay Trường đời', 'Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất'.
Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất
Xây dựng thương hiệu cá nhân để bán mình với giá cao nhất của anh là một tựa sách gợi mở, và tôi rất tò mò về chữ “bán mình”. Anh có thể lý giải về tựa sách này, vì sao lại là “bán mình”?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: “bán mình” ở đây là quá trình mình trao đi giá trị và được cộng đồng đón nhận, càng nhiều người công nhận giá trị mình đã trao thì chứng tỏ mình càng “có giá”. Xây dựng thương hiệu cá nhân thực chất là một quá trình mình tạo giá trị cho bản thân, sau đó chia sẻ giá trị đó với cộng đồng. Khi cộng đồng công nhận giá trị đó thì mình bắt đầu có thương hiệu, càng nhiều người công nhận thì thương hiệu càng lớn.
Anh đã từng chia sẻ là sau khi được mời tham gia cùng xây dựng thương hiệu cá nhân cho một số nhân vật nổi tiếng, anh thực sự bất ngờ về những tác dụng và sức ảnh hưởng của thương hiệu cá nhân khi được xây dựng thành công. Tôi có cảm giác là các cá nhân này khi xây dựng thương hiệu thì bản thân họ cũng đã có được “name” nhất định rồi. Vậy với những người bình thường thì việc xây dựng thương hiệu cá nhân có thực sự cần thiết hay không?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Công việc đầu tiên cần làm khi xây dựng thương hiệu cá nhân là định vị bản thân, hiểu bản thân mình. Có định vị được bản thân, hiểu được bản thân thì mới xây dựng được thương hiệu cá nhân. Bước này mà sai thì cả quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân sẽ thất bại. Như vậy kể cả là mình không xây dựng thương hiệu cá nhân để trở nên nổi tiếng (theo như cách hiểu thông thường), thì việc mình biết được điểm mạnh của bản thân để phát huy, biết điểm yếu để cải thiện cũng là rất cần thiết cho mỗi người, theo cá nhân tôi thì đây là điều kiện tiên quyết để mỗi chúng ta thành công trong học tập và cuộc sống.
Trong cuốn “Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất”, tôi thấy có 9 chương với những tựa đề: Làm ngay đi, đừng ngại!; Những lầm tưởng tai hại; USP của bạn là gì?; Bạn còn gì hấp dẫn nữa không?; Truyền thông là con dao hai lưỡi; Những “đòn bẩy” diệu kỳ; Thương hiệu cá nhân còn có giá trị cao hơn doanh nhiệp?; Công thức chuẩn để xây dựng thương hiệu cá nhân thành công; Xây dựng thương hiệu cá nhân từ góc nhìn người trong cuộc. Liệu có phải 9 chương này cũng chính là những bước để xây dựng thương hiệu cá nhân?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Tôi chia cuốn sách thành 9 phần như vậy cho dễ đọc, thực chất việc xây dựng thương hiệu cá nhân chỉ cần 3 bước quan trọng: Một là Định vị bản thân (trong phần này quan trọng nhất là tìm ra được USP (Unique Selling Point – Lợi điểm bán hàng độc nhất, tôi hay nói đơn giản là những cái chỉ mình có người khác không có, hoặc người khác cũng có nhưng không giỏi bằng mình); Hai là phát triển USP lên mức cực đỉnh (biến mình trở thành chuyên gia, nói đến lĩnh vực của mình là phải nhắc đến mình...); Ba là đẩy USP ra bên ngoài (sử dụng mạng xã hội, người tiến cử, hội thảo, viết sách...).
Quý độc giả có thể lắng nghe Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ thêm về sách Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất tại đây:
Khi anh viết cuốn sách này, anh thấy tâm đắc với chương nào nhất?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Chương nào tôi cũng thích, vì tôi viết sách thường dựa trên khảo sát của bạn đọc, tôi chỉ đưa vào sách những gì bạn đọc cần và tôi hiểu biết nhất. Có một chương tôi ưu ái hơn một chút là chương đầu tiên, tôi lý giải tại sao lại cần phải xây dựng thương hiệu cá nhân. Tôi quan niệm rằng khi mình ý thức được tầm quan trọng của vấn đề thì mình sẽ có cách để thực hiện nó, trong xây dựng thương hiệu cá nhân cũng đúng như thế.
Vậy là có thể coi Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất là cuốn cẩm nang chỉ cách cho mỗi người tăng giá trị của bản thân mà chính anh cũng đã tự “ứng dụng” cho mình. Nhưng có một câu khá quen thuộc rằng “người thành công luôn có lối đi riêng”, vậy phải chăng mỗi người sẽ tìm được cho mình một công thức phù hợp để xây dựng thương hiệu cá nhân?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Đúng thế! Chương 8 của cuốn sách này có tên là “Công thức chuẩn để xây dựng thương hiệu cá nhân thành công”, và tôi đã nói ở ngay đầu chương là thực ra mỗi người sẽ tự tìm ra cho mình một công thức chuẩn cho riêng mình dựa trên những kiến thức nền tảng tôi chia sẻ trong cuốn sách này, công thức tôi đưa ra cũng là để mọi người tham khảo thôi và đây là một “chiêu” để thu hút bạn đọc của tôi.
Như vậy có nghĩa là qua cuốn sách này anh cung cấp nhiều công cụ để bạn đọc có thể hiểu được mình, qua đó tìm được cách xây dựng thương hiệu cá nhân phù hợp nhất?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Chính xác!
Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất có giá bìa 150.000 đồng, gồm bìa cứng, bìa áo và 168 trang ruột màu, được báo Tiền Phong độc quyền xuất bản và phát hành.
Bạn đọc có thể đặt mua sách tại các nhà sách FAHASA, Phương Nam, Tân Việt hoặc tại đây: https://tiki.vn/xay-dung-thuong-hieu-ca-nhan-de-tu-ban-minh-voi-gia-cao-nhat-p189761264.html?spid=189761271
Trường học hay Trường đời?
Chúng ta sẽ trao đổi về một cuốn sách khác của anh là Trường học hay Trường đời”. Lý do chính anh viết cuốn sách này là gì?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Tôi rất thích một công thức mà hầu như chương trình nào nói chuyện với các bạn trẻ tôi cũng nhắc đến là: 10-20-70. Theo công thức này thì kiến thức ở trường lớp chính quy chúng ta có được chỉ chiếm có 10% kiến thức trong cuộc đời của mỗi người; 20% đến từ những người xung quanh; 70% đến từ những công việc, dự án mình làm hằng ngày. Nếu mình chỉ có mỗi kiến thức ở trường lớp thôi thì chưa đủ. Nó sẽ là nền tảng, cơ sở để mình có 90% kiến thức ở trường đời. Như vậy học tập là cả một hành trình không có điểm dừng, dừng là sẽ bị bỏ lại phía sau. Tôi thấy công thức này quá đúng với mình và đây là ý tưởng đầu tiên để tôi viết cuốn Trường học hay Trường đời.
Đúng là mỗi chúng ta đều phải trải qua những năm tháng dưới mái trường. Khi đi học, phải đánh vật với bài tập, với mỗi kỳ thi thì chúng ta kêu học khổ quá, thế nhưng khi ra khỏi trường học là trường đời rộng lớn, đầy những khó khăn, thử thách thì mới thấy hóa ra trường học không khổ chút nào, phải không ạ?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Trở lại công thức 10-20-70 tôi vừa chia sẻ, nhiều bạn trẻ hỏi tôi, nếu tất cả những gì mình học được ở trường lớp chính quy chỉ chiếm 10% kiến thức thôi thì tại sao không bỏ quách đi, vào trường đời thu lượm luôn 90% kiến thức cho nhanh? Phải nói luôn là không bỏ 10% này được đâu vì nó là lõi, là nền tảng để mình có phương pháp bước vào đời. Không có 10% thì sẽ vào trường đời rất khó khăn, thậm chí nhiều người không bao giờ có thể vào được.
Tôi cảm thấy dường như có mối liên quan mật thiết giữa Trường học hay Trường đời với Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Chị nhận xét rất chuẩn xác. Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất là phần phát triển lên của Trường học hay Trường đời. Nếu như ở Trường học hay Trường đời là những vấn đề chung chung thì Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất là một lát cắt cụ thể. Nhưng chung chung hay cụ thể thì vẫn theo quan điểm: Học tập là một hành trình không ngừng nghỉ để tạo giá trị cho bản thân, khi có giá trị rồi thì mình mới đi chia sẻ, khi được mọi người công nhận những giá trị của mình thì mình có thương hiệu cá nhân.
Tôi có đọc Trường học hay trường đời thì thấy tâm đắc với nhiều chương như: Trước ngưỡng cửa tự lập; Trường học hay trường đời; Những câu hỏi có giá nghìn tỉ đồng; Uống rượu, đọc sách, xem phim và bóng đá; “Di sản” người ở quê; Học từ những người giỏi nhất; Những bài học từ TS Lê Thẩm Dương; Thắng được mình là hết kẻ thù ... Dường như 1001 những câu hỏi vì sao của các bạn trẻ đều có được câu trả lời qua cuốn sách này. Dường như anh rất hiểu các bạn trẻ?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Tôi không dám tự nhận là người rất hiểu các bạn trẻ, nhưng tôi thấy mình thật may mắn có cơ hội được làm việc với nhiều thế hệ các bạn trẻ trong 20 năm làm việc tại báo Sinh Viên Việt Nam – Hoa Học Trò. Và trong những năm gần đây tôi lại có thêm một may mắn nữa là được đến nhiều chương trình lớn để chia sẻ với các bạn trẻ.
Có phải tập hợp từ muôn ngàn các câu hỏi trong các diễn đàn, buổi nói chuyện với các em học sinh, sinh viên là tiền đề để anh cho ra mắt cuốn Trường học hay Trường đời không?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Thông thường sau mỗi buổi nói chuyện với các bạn trẻ tôi lại ngồi viết lại những nội dung mà tôi tâm đắc nhất. Nhiều nội dung sau đó được tôi chọn lọc để đưa vào cuốn sách này.
Trước ngưỡng cửa tự lập, các cô cậu thanh niên mới 17-18 tuổi, vừa mới bước ra khỏi cánh cổng trường THPT, đang bỡ ngỡ, lo âu, hoang mang trong việc tìm ra hướng đi cho mình, học đại học hay học nghề hay đi làm? Ngay trong phần 1 của cuốn sách, dường như các bạn trẻ đã tìm thấy câu trả lời cho mình?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Bỡ ngỡ, lo âu, thậm chí hoang mang là hoàn toàn dễ hiểu với các cô cậu 17-18 tuổi chưa hiểu rõ bản thân mình và bối cảnh các bạn ấy đang sống. Khi mình càng hiểu bản thân mình thì mình càng tự tin chọn lựa ngành học hay tương lai của bản thân. Có một công thức tôi thường khuyên các bạn trẻ áp dụng là khi chọn lựa công việc thì hãy trả lời thành thật 3 câu hỏi: Đó có phải là công việc mình làm giỏi nhất không? Đó có phải là công việc mình yêu thích nhất không? Đó có phải là công việc đem lại cho mình nhiều tiền nhất không? Khi câu trả lời là có với cả 3 câu hỏi này thì có thể “chốt” luôn.
Tôi thấy cuốn sách có phần: “Những câu hỏi có giá nghìn tỷ đồng”, anh có nêu một ví dụ điển hình hay không? Tôi đang băn khoăn về con số nghìn tỷ này, thật thế sao ạ?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Cái khó nhất để mình bắt đầu một câu chuyện là hỏi gì để đối phương thoải mái chia sẻ với mình nhất. Trên thực tế không có nhiều người làm được việc này. Nhiều doanh nhân đã mất những hợp đồng hàng nghìn tỷ đồng vì đối tác không có thiện cảm với họ khi bắt đầu câu chuyện, hay nói đúng hơn là họ đã không biết hỏi thế nào để khách hàng muốn kết nối làm ăn. Tôi ví dụ, hôm nay chị cảm thấy thế nào khi nói chuyện với tôi từ đầu chương trình đến giờ? Đây là một trong những câu hỏi có giá nghìn tỷ đồng đấy. (Cười)
Tất cả 8 phần trong cuốn sách sẽ giúp các bạn trẻ có cái nhìn tổng quan về một cuộc sống đa chiều, về việc học ở trường học hay trong trường đời. Nhiều bài học sẽ được rút ra sau cuốn sách này. Vậy với tác giả cuốn sách – thông điệp mà anh muốn gửi gắm ở đây là gì?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Tôi xin nhắc lại một ý mà hình như tôi đã nhắc đến trong cuộc trò chuyện này: Học tập là một hành trình suốt đời, không có điểm dừng, điểm nghỉ! Chỉ có học mình mới có giá trị, mới bán được mình với giá cao nhất!