Nhà báo Thái Duy: Trọn một đời viết
Khi tôi ra trường, vào báo Đại Đoàn Kết làm việc, nhà báo Thái Duy đã nghỉ hưu. Nhưng ảnh hưởng của ông tại tòa soạn lớn tới mức khoảng 5 năm đầu sau khi ông nghỉ, từ bác lao công đến Tổng Biên tập đều nhắc đến tên ông mỗi ngày trong mọi câu chuyện và hoạt động chuyên môn của tờ báo.
Mỗi tuần vài buổi, ông Thái Duy vẫn đi bộ từ nhà riêng ở phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội) đến tòa soạn báo ở phố Bà Triệu để uống trà với mọi người ở cơ quan, y như lúc ông chưa nghỉ. Mà thật ra, khi còn đi làm, ông chưa từng giữ một chức vụ gì. Như ông vẫn đùa, đời ông chưa từng làm đến chức “tổ phó công đoàn”.
Khi tôi còn đang là sinh viên, lần nào giảng bài Giáo sư Hà Minh Đức cũng nhắc đến tên “anh Thái Duy”, nhưng tận đến khi về báo Đại Đoàn Kết, tôi mới biết nhà báo Thái Duy mà thầy Hà Minh Đức hay nhắc đến chính là nhà văn Trần Đình Vân - tác giả của cuốn “Sống như Anh”.
Thời ấy, bạn đọc còn gửi thư tay về tòa soạn và ngày nào chúng tôi cũng nhận được những bức thư của độc giả dành lời khen ngợi đến những bài viết của ông.
Tôi cảm nhận rõ sức ảnh hưởng của ông Thái Duy qua một lần sau vài năm đi làm, tôi gọi điện xin được gặp nhà văn Nguyễn Đình Thi để phỏng vấn. Nhà văn lớn lúc ấy đang là Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật đã nói với phóng viên trẻ non nớt là tôi qua điện thoại: Tôi nể anh Trần Đình Vân mà tôi nhận lời cô!
Đa số bạn đọc trong cả nước biết đến ông rộng rãi hơn cả là với tác phẩm văn học “Sống như Anh” (ký tên là Trần Đình Vân). Nhưng ông còn là một nhà báo đặc biệt, càng đặc biệt trong số những người làm báo Mặt trận. Vào báo Cứu Quốc từ sau Cách mạng Tháng Tám, gắn bó với Cứu Quốc suốt những năm kháng chiến chống Pháp. Hòa bình về Hà Nội được một thời gian thì vượt Trường Sơn vào Nam, làm phóng viên chiến trường và gây dựng báo Giải Phóng. Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở về báo Đại Đoàn Kết, gắn bó cho đến ngày nghỉ hưu và không ngừng viết báo cho đến tận khi tuổi đã cao.
Nhà báo Thái Duy tên thật là Trần Duy Tấn, sinh năm 1926 tại Bắc Giang. Ông còn có một bút danh nổi tiếng nữa là Trần Đình Vân với tác phẩm “Sống như Anh”. Ông còn xuất bản một số cuốn sách khác như: “Người tử tù Khám lớn”, “Hải Phòng anh dũng”, “Đổi mới ở Việt Nam - nhớ lại và suy ngẫm”, “Khoán chui hay là chết”...
Năm 2020, trong số 7 nhà báo lão thành tiêu biểu được tôn vinh tại Hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu” vì đã có những cống hiến lớn lao, dành nhiều tâm huyết và tình cảm, có nhiều đóng góp cho nền báo chí cách mạng Việt Nam, ông Thái Duy là người duy nhất chưa từng đảm nhận một chức vụ nào. Suốt đời ông chỉ có một danh xưng duy nhất: Nhà báo Thái Duy.
Có thể nói trong suốt chặng đường vẻ vang 90 năm của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, ông Thái Duy đã chứng kiến và tham gia vào rất nhiều giai đoạn quan trọng với tư cách là một phóng viên của tờ báo Mặt trận, luôn có mặt và đi đầu trong nhiều sự kiện nóng bỏng nhất. Thời kỳ làm báo Cứu Quốc ở chiến khu Việt Bắc ông tham gia hầu hết các chiến dịch lịch sử, ông có mặt ở ngay trận địa suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông kể về đêm đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm De Castries: “Khi De Castries đầu hàng thì tất cả các phóng viên có mặt ở chiến trường lúc ấy đều kéo nhau vào hầm. Tôi với anh Khắc Tiếp báo Quân đội Nhân dân cùng vào, còn định rủ nhau tối nay sẽ ngủ ở đây một giấc, nhưng sau vì không còn chỗ ngủ nên chúng tôi lại ra. Sau này tôi còn làm phóng viên ở nhiều chiến trường khác như chiến trường Lào, chiến trường miền Nam, nhưng Điện Biên Phủ là trận đánh trực tiếp lớn nhất mà tôi được chứng kiến. Bất kỳ ai có mặt ở đó vào thời điểm ấy thì đều thấy tự hào”.
Trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Pháp, báo Cứu Quốc vẫn được xuất bản đều đặn ở nhiều địa điểm, trên chiến khu kháng chiến. Để phục vụ cho kháng chiến, Cứu Quốc chia thành Cứu Quốc trung ương và báo Cứu Quốc ở các khu, liên khu, có mối liên hệ với báo Cứu Quốc trung ương về mặt nghiệp vụ. Thái Duy là phóng viên chiến trường của báo Cứu Quốc trung ương và những bài báo nóng hổi trực tiếp từ chiến trường của ông góp phần quan trọng tạo ra sức sống của tờ báo Mặt trận trong lòng nhân dân, động viên, cổ vũ đồng bào và chiến sĩ. Cứu Quốc thời đó là tờ báo được phát hành vào vùng tạm chiến, có ảnh hưởng rất lớn trong lòng bạn đọc.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, báo Cứu Quốc trở về Hà Nội, ở địa chỉ số 66 Bà Triệu bây giờ. Nhưng cuộc đời phóng viên chiến trường của nhà báo Thái Duy thì còn tiếp tục sôi động. Năm 1964, từ tòa soạn báo Cứu Quốc ở Hà Nội ông vượt Trường Sơn vào Nam (Mặt trận cử 3 cán bộ là Tổng Biên tập Trần Phong, nhà báo Thái Duy và nhà báo Tâm Trí vào Nam cùng lực lượng tại chỗ thành lập báo Giải Phóng - cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam). Thời kỳ làm báo Giải Phóng giữa chiến trường miền Nam chính là giai đoạn ông đã viết “Sống như Anh” - cuốn sách viết về cuộc đời anh hùng Nguyễn Văn Trỗi qua lời kể của chị Quyên. Cuốn sách nếu nói theo ngôn ngữ của ngày hôm nay thuộc hàng “best seller” với hàng triệu bản in, từng dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, từng tái bản rất nhiều lần.
Không phải chỉ ở giữa chiến trường miền Nam, nhà báo Thái Duy còn có những năm tháng làm phóng viên chiến trường ở Mặt trận Lào. Nhưng như ông nói, nếu thời kỳ làm báo ở chiến khu Việt Bắc cực kỳ khó khăn trong việc gửi tin bài về cho tòa soạn, thì “lúc viết báo ở chiến trường Lào, bài vở của tôi gửi về Hà Nội bằng đường hàng không, đã khác hẳn, rất đều đặn”.
Đất nước thống nhất, sau năm 1975, nhà báo Thái Duy trở về Hà Nội làm phóng viên báo Đại Đoàn Kết (sáp nhập từ Cứu Quốc và Giải Phóng).
Lúc ấy đã ở độ tuổi ngoài 50, đã trải qua những gian khổ và vinh quang nghề nghiệp, quen biết và thân thiết với nhiều nhà lãnh đạo cấp cao trong suốt 2 cuộc kháng chiến, mà ở ông không hề có một chút tâm lý “công thần” (ông là người gặp Bác Hồ nhiều lần). Ông suốt đời chỉ viết và chỉ làm một việc mà ông say mê là làm phóng viên. Suốt 2 cuộc kháng chiến, ông luôn ở nơi chiến trường gian khổ ác liệt nhất. Còn sau ngày đất nước thống nhất, phóng viên Thái Duy tiếp tục đi tiên phong với những đề tài gai góc nhất đặt ra trong đời sống xã hội giữa những năm đất nước thực hiện chế độ bao cấp với những dự cảm mới về cuộc sống nhân dân.
Trong đó, đề tài được ông theo đuổi nhiều nhất là “khoán chui” trong nông nghiệp, toàn bộ những bài viết trong những năm đầu thập niên 1980 sau này đã được ông tập hợp trong cuốn sách: “Khoán chui hay là chết”, xuất bản năm 2013.
Thời điểm hàng trăm bài báo về “khoán chui” trong nông nghiệp của nhà báo Thái Duy xuất hiện đều đặn trên báo Đại Đoàn Kết là thời điểm “đêm trước của Đổi mới”. Sau này, vấn đề khoán trong nông nghiệp mà trước đó phải "xé rào" làm chui đã trở thành chủ trương lớn, những cá nhân dũng cảm “xé rào” đã được ghi nhận, được tôn vinh. Đó là một trong những dấu ấn tiên phong của báo Đại Đoàn Kết, tờ báo đi đầu trong việc ủng hộ một xu hướng mới hợp lòng dân, mang lại hạnh phúc và cơm no áo ấm cho nhân dân…
Ở tuổi ngoài 50, chỉ trong 2 năm 1980-1981, nhà báo Thái Duy viết hàng trăm bài báo trải đều ở khắp các địa phương trong cả nước. Không phải ngồi một chỗ viết, mà xuống từng cánh đồng, từng hợp tác xã, gặp từng người nông dân… Hàng trăm bài báo đăng trên báo Đại Đoàn Kết trong 2 năm 1980 - 1981 ấy phản ánh và chứng minh thực tế: Nơi nào dân “xé rào” làm “khoán chui”, tức là không áp dụng “khoán việc” theo kiểu đánh kẻng đi làm, mà khoán việc, khoán hộ thì nơi đó đời sống nhân dân ấm no, sung túc.
Và khi tuổi đã cao, ông vẫn viết báo đều, không phải chỉ in ở Đại Đoàn Kết mà trên nhiều tờ báo khác.
Khi được đề nghị viết bài về ông Thái Duy, thực sự tôi cảm thấy ngần ngại, bởi vì viết về ông, có lẽ, đã có người viết rất hay rồi. Và cuộc đời làm báo của ông, cũng chẳng cần viết nhiều, chỉ cần danh xưng "nhà báo Thái Duy" là đã đủ.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nha-bao-thai-duy-tron-mot-doi-viet-5721524.html