Nhà báo tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân

'A lô, tàu của em mới bị đâm chìm, báo cho phóng viên biết...!', giọng của ngư dân Nguyễn Quýt thảng thốt nói qua điện thoại. Sau khi điện thoại cho nhà báo biết, các ngư dân mới báo đến các cơ quan chính quyền. Vì sao báo chí lại được ngư dân tin cậy như vậy? Phải chăng, đội ngũ những người làm báo luôn thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của ngư dân, luôn sát cánh cùng ngư dân đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Phóng viên đưa tin ngư dân bị nạn ở Hoàng Sa trở về. Ảnh: Lê Văn Chương

Phóng viên đưa tin ngư dân bị nạn ở Hoàng Sa trở về. Ảnh: Lê Văn Chương

Ngư dân Nguyễn Quýt, ở xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), sau khi nghe tin về việc tàu cá của ngư dân Nguyễn Cu bị chìm ở Hoàng Sa, ông Quýt gọi điện báo ngay cho nhà báo biết để theo dõi thông tin. Ông Quýt còn đề nghị nhà báo thông tin nhanh để hỗ trợ ngư dân trong việc kêu gọi các cơ quan chức năng tổ chức cứu vớt và giúp đỡ ngư dân bị nạn.

Điển hình của việc phối hợp và trao đổi thông tin trực tiếp từ ngư dân đến với báo chí hiệu quả nhất là vụ tàu cá QNg98459TS của ngư dân Huỳnh Thạch, ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ bị đâm chìm ở Hoàng Sa vào đầu tháng 1-2016. Để phản ánh đầy đủ sự việc, ngư dân đã chuyển thông tin và hình ảnh quay, chụp bằng điện thoại vào đất liền và cung cấp cho báo chí.

Trong những năm qua, phóng viên báo chí ở tỉnh Quảng Ngãi đã thực sự trở thành những người bạn đồng hành của ngư dân. Chính vì vậy, khi sự việc xảy ra trên biển, ngư dân thường điện báo ngay cho phóng viên để cập nhật thông tin. Từ nguồn tin ban đầu, cộng với việc xác minh qua chính quyền địa phương và các ngành chức năng các cơ quan báo chí đã kịp thời thông tin những hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

Tại hội thảo "Báo chí miền Trung tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo", có hơn 100 đại biểu về dự hội thảo với 29 tham luận. Đại diện các cơ quan báo chí đã tập trung thảo luận 3 nội dung liên quan đến công tác tuyên truyền về biển đảo, kỹ năng tác nghiệp của nhà báo, một số vấn đề đặt ra và giải pháp thực hiện. Trong đó, tập trung vào các vấn đề báo chí đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và những yêu cầu đặt ra trong tình hình hiện nay; ứng xử và trách nhiệm với di sản của cha ông; tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đạo đức nhà báo từ việc đưa tin hiện tượng cá biển chết hàng loạt ở Hà Tĩnh...

Nhờ sự kết nối, báo chí trở thành cầu nối, đề xuất, kiến nghị những vấn đề bức xúc, vướng mắc của ngư dân với các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng. Đảng, Nhà nước đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho ngư dân như: Ban hành các chế độ đãi ngộ, hỗ trợ ngư dân giải quyết các vấn đề pháp lý thông qua ngoại giao... Bên cạnh đó, thông qua báo chí, ngư dân cảm thấy yên tâm vươn khơi, bám biển vì được cả xã hội quan tâm.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để có được sự kết nối chặt chẽ giữa báo chí với ngư dân, các nhà báo phải có mối quan hệ tốt với ngư dân và ngược lại. Mối quan hệ đó xây dựng trên cơ sở lòng tin và sự hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau. Khi xảy ra sự việc trên biển, khi người thân của ngư dân điện báo thông tin, các nhà báo đều có mặt kịp thời. Điều đó đã tạo ra niềm tin rất lớn của ngư dân đối với nhà báo. Ngư dân từ đó đã hình thành nếp quen "có việc điện nhà báo". Vì thông qua báo chí, những khó khăn, khúc mắc của ngư dân đều được tháo gỡ và được đáp ứng kịp thời.

Một số nhà báo tâm sự: "Nếu nửa đêm ngư dân điện thoại thì cũng vác máy đi làm ngay, dù đường sá xa xôi. Nếu mình bỏ một lần thì lần sau bà con không tin, không điện cho mình nữa". Thượng úy Lê Minh Trọng, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát BPCK cảng Sa Kỳ nói với vẻ khâm phục: "Có rất nhiều vụ việc xảy ra trên biển, khi trạm vừa nhận được tin thì phóng viên báo chí từ thành phố Quảng Ngãi đã chạy xe đến trạm để chờ lấy tin. Có khi cả phóng viên nữ cũng đến trạm ngồi chờ đến khuya để lấy tin tàu bị nạn vào bờ".

Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 5.500 tàu cá, trong đó có hơn 3.000 tàu với hơn 30.000 ngư dân đánh bắt xa bờ ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. So với ngư dân ở các tỉnh miền Trung thì đây là số lượng tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu nhất. Hoạt động vươn khơi bám biển đánh bắt xa bờ của ngư dân xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó, vai trò động viên, cổ vũ của báo chí là rất quan trọng.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nha-bao-tiep-them-suc-manh-cho-ngu-dan/